Tiếng Anh có thể là nỗi ám ảnh với nhiều giáo viên nhưng với cô Tô Thị Như Quỳnh - giáo viên Vật lí tại trường Trung học Phổ thông Số 3 Thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai thì đó thực sự làm một niềm đam mê.
Cô muốn trau dồi, sử dụng tiếng Anh trong các bài giảng để truyền lửa cho nhiều thầy cô và đặc biệt là các em học sinh của mình. Bởi tiếng Anh là chìa khóa mở ra những cánh cửa tri thức, những cơ hội mới trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay.
Cô Như Quỳnh tâm sự, uớc mơ trở thành một cô giáo để nâng bước tương lai cho các em nhỏ ở quê hương đã ấp ủ từ khi cô còn là một học sinh cấp hai.
Cô Tô Thị Như Quỳnh (thứ 2 từ trái sang) và đồng nghiệp từ các nước khác thế giới tại diễn đàn giáo dục toàn cầu. (Ảnh: NVCC) |
Mỗi ngày, buổi sáng cô học trò nhỏ Như Quỳnh đến trường, buổi chiều lại lên nương giúp bố mẹ. Rồi khi chăn trâu trên cánh đồng mênh mông, lại khiến cô ấy mơ mộng nhiều hơn.
Ước mong trở thành cô giáo lại càng thôi thúc cô quyết tâm học thật tốt để thực hiện mong muốn này.
Từ một cô bé nhút nhát, cô học trò nhỏ lên kế hoạch học tập để được là học sinh tiêu biểu nhất tại trường cấp 2, là một trong top học sinh cao điểm nhất đầu vào trường cấp 3.
“Mỗi ngày, mỗi ngày trôi qua, những gì tôi được học, được trau dồi càng thôi thúc tôi phải thi được vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Giấc mơ đó đã thành hiện thực khi tôi nhận được giấy báo trúng tuyển vào ngôi trường mà những ai muốn trở thành giáo viên đều mơ ước được học tập ở đó”, cô Quỳnh chia sẻ.
Bốn năm miệt mài học tập, rèn luyện, cô đã tích lũy cho mình kỹ năng, hành trang để trở thành một nhà giáo. Sau 6 năm trải nghiệm nghề giáo ở Hà Nội, cô Như Quỳnh quyết định trở lại quê hương Lào Cai làm một giáo viên phổ thông.
Không bằng lòng với các kiến thức đã có, cô Như Quỳnh tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sĩ Vật lý và cố gắng trau dồi vốn tiếng Anh để có thể hỗ trợ các em học sinh, đồng nghiệp tốt hơn nữa.
“Mỗi ngày, tôi đều mong muốn chuyển đổi bản thân, giúp các con học sinh có những cơ hội trải nghiệm tốt nhất để phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất.
Làm sao để các con có thể đứng vững trong một xã hội phát triển và một xã hội học tập”, cô Như Quỳnh nhấn mạnh.
Và để hiện thực hóa suy nghĩ đó, cô Như Quỳnh đã sử dụng tiếng Anh trong dạy học khoa học.
Cô đã tự tin thực hiện những giờ dạy Vật lí và khoa học bằng tiếng Anh cho các con học sinh.
Mỗi tiết dạy, cô cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin một cách sáng tạo để các con có cơ hội và kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin trong học tập.
Cô cũng tâm niệm, đó cũng là cách giúp các học sinh ở quê cô không thiệt thòi so với các bạn học sinh ở những nơi có điều kiện tốt. Đó cũng là cơ hội để các con có thể sánh bước cùng với các bạn học sinh trên toàn cầu.
Một tiết học theo mô hình STEM. (Ảnh: NVCC) |
Với ước mơ đó và nỗ lực hành động, cô đã được công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft, là một trong năm cô giáo Việt Nam tham dự diễn đàn giáo dục toàn cầu năm 2018 tổ chức tại Singapore.
Đây là một cơ hội một trải nghiệm quý giá để cô tích cực học tập từ các bạn bè quốc tế về sáng tạo và đổi mới trong dạy học.
Uớc mơ truyền lửa yêu thương của cô Như Quỳnh đã và đang trở thành hiện thực.
Trong mỗi tiết học, cô luôn tìm mọi cách thức để trao quyền tối đa cho các em học sinh. Các em có cơ hội thể hiện năng lực bản thân. Các công cụ của Microsoft, office 365 như Sway, skype, OneNote, PowerPoint… được cô tận dụng tối đa trong các tiết dạy.
Cô Như Quỳnh cho biết: “Bằng vốn tiếng Anh tích lũy được, tôi cố gắng vận dụng tối đa trong các tiết dạy. Với mong muốn, các con sử dụng tiếng Anh hiệu quả với 4 kĩ năng nghe nói đọc viết trong việc giải quyết vấn đề thực tiễn”.
Không chỉ vậy, cô Như Quỳnh cũng cố gắng bắt kịp xu thế dạy học STEM phát triển năng lực học sinh.
Để hỗ trợ cho giáo viên có thể hiểu rõ về việc xây dựng và tổ chức các chủ đề dạy học STEM, cô Như Quỳnh chia sẻ, cô đang hoàn thiện cuốn sách hướng dẫn tổ chức dạy học STEM phát triển năng lực học sinh.
Cô Như Quỳnh (ngoài cùng bên trái) cùng học trò tại cuộc thi thuyến trình ý tưởng nghiên cứu khoa học. (Ảnh: NVCC) |
Cuốn sách này được viết bằng những hiểu biết và kinh nghiệm tích lũy qua học tập, nghiên cứu và trải nghiệm.
Cô hy vọng, nó sẽ giúp giáo viên dễ dàng tiếp cận với mô hình giáo dục mới này, giúp các con học sinh có những năng lực và kĩ năng, phẩm chất đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Ngoài ra, cô cũng đang hoàn thiện một cuốn sách hướng dẫn tổ chức dạy học STEM bằng tiếng Anh phát triển năng lực học sinh.
Bên cạnh đó, cô cũng tích cực tổ chức những buổi chia sẻ online và offline miễn phí về dạy học STEM tới đồng nghiệp đến từ các trường khác nhau, các địa phương khác nhau.
"Chúng tôi có thể công tác ở mọi miền tổ quốc nhưng hội tụ ở một điểm chung là mong ước chuyển đổi bản thân, chuyển đổi giáo dục của quê hương theo xu hướng toàn cầu hóa", cô Như Quỳnh tâm sự.
“Giáo dục STEM là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, trong đó các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trong thế giới thực, ở đó học sinh áp dụng các kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào các bối cảnh cụ thể, giúp kết nối giữa trường học, cộng đồng, nơi làm việc và các tổ chức toàn cầu để từ đó phát triển các năng lực trong lĩnh vực STEM và khả năng cạnh tranh trong nền kinh kế mới” (Theo Hiệp hội các Giáo viên dạy khoa học Mỹ-NSTA). |