Tết Trung Thu còn được gọi là Tết thiếu nhi. Vào ngày Rằm tháng Tám âm lịch, nhà nhà lại tưng bừng với không khí chuẩn bị mâm cỗ trông trăng, với những món đồ chơi dành cho con trẻ.
Trung Thu là lúc trẻ con được rước đèn ông sao, được chơi đèn cù (đèn kéo quân), được thỏa sức đùa vui đeo mặt nạ các nhân vật mình yêu thích, cùng đánh trống bỏi ầm ĩ khắp xóm làng, đường phố.
Cùng với những tiếng trống rộn ràng múa lân sư tử vào đêm Trung thu, hình ảnh những chiếc đèn cù, đèn ông sao cũng rất gần gũi với Tết Trung thu trước đây.
Ở vùng nông thôn, trẻ con còn đặc biệt thích thú với trò chơi đốt hạt bưởi. Từng hạt bưởi lách tách cháy sáng trong đêm rước đèn trông trăng là những kỉ niệm khó quên với bao người.
Những món đồ chơi Trung thu truyền thống nằm ở góc nhỏ được bày bán cùng với nhiều đồ chơi hiện đại mang màu sắc rực rỡ. (Ảnh: Thái Nam/ Giaoduc.net.vn) |
Với nhịp sống xã hội hiện đại sôi động, diện mạo Tết Trung thu cũng biến đổi như một lẽ tất nhiên.
Thay vì các món đồ chơi thủ công chủ yếu tự làm, Tết Trung thu nay là dịp để các bạn trẻ đeo mặt nạ, chơi súng bắn phun nước, những chiếc đèn lồng bằng nhựa chạy bằng pin với nhạc điệu sôi động đã thay thế những chiếc đèn cù, đèn ông sao truyền thống…
Từ trẻ con nông thôn đến thành thị, những món đồ chơi hiện đại lung linh sắc màu với âm nhạc rộn ràng được trẻ con vô cùng yêu thích.
Cùng với những thay đổi về sở thích của con trẻ trong việc lựa chọn đồ chơi Trung thu thì sự gắn kết của mỗi gia đình cũng đã phần nào giảm bớt.
Giờ đây, ít gia đình có thời gian cùng con cháu làm đồ chơi Trung thu. Trong ảnh, ông Quyền ở Thanh Oai, Hà Nội đang hướng dẫn cháu nhỏ làm chiếc đèn kéo quân. (Ảnh: Vov.vn) |
Khung cảnh bố mẹ cùng con hì hụi làm đồ chơi Trung thu và cái không khí háo hức đếm từng ngày được cùng bạn bè rước đèn quanh làng… đã trở thành một điều gì đó xa xăm trong kí ức của nhiều người.
Giờ đây mọi thứ đều dễ dàng để tìm mua khiến tâm trạng háo hức, mong ngóng chờ đợi phần nào mất đi. Các bậc cha mẹ cũng bận rộn hơn với những công việc thường ngày, do đó cũng ít thời gian bên con hơn.
Vì thế muốn biết cách làm đèn ông sao truyền thống, các bạn trẻ thành phố hiện nay chỉ có thể tham dự các hoạt động ở các bảo tàng, văn miếu… để xem các nghệ nhân hướng dẫn cách làm.
Không những thế, Trung thu gần đây bỗng hóa thành lễ hội hóa trang mang hơi hướng Halloween của phương Tây với đồ chơi yêu thích của khá nhiều giới trẻ là đeo những chiếc mặt nạ kinh dị, dùng những đồ chơi mô phỏng như súng, búa... mang tính bạo lực.
Mặt nạ chơi Trung thu thời "hội nhập". (Ảnh: Vtv.vn) |
Trao đổi về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: "Trò chơi là một trong những lĩnh vực của văn hóa, nó cũng theo các quy luật giao lưu, lan tỏa, tiếp biến, thay đổi... như các lĩnh vực khác. Đồ chơi trong các trò chơi cũng vậy.
Nhìn rộng ra, đồ chơi giống như là đạo cụ nằm trong trò chơi như là sân khấu. Đồ chơi từ rất sớm đã trở thành vật trao tặng, kỷ niệm, đồ sưu tầm và hàng hóa.
Ở đây nó tham gia vào sự vận động của kinh tế thị trường. Sản xuất đồ chơi sớm trở thành một ngành kinh doanh.
Cũng như sản xuất trao đổi các hàng hóa khác, những gì đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sẽ tiêu thụ tốt.
Nơi nào có năng lực kinh tế tốt sẽ trở thành các trung tâm sản xuất đồ chơi đủ sức phát triển, lan tỏa đồ chơi, trò chơi của mình sang các nơi khác, biến nơi khác thành thị trường tiêu thụ. Đây là sự vận động thường thấy của kinh tế thị trường".
Nữ nghệ nhân cặm cụi ngày đêm làm đồ chơi Trung thu dân gian |
Theo ông Vĩ, tính chuộng mới, chuộng lạ, tính hiếu kỳ, thích trải nghiệm của con người cũng là một động lực thúc đẩy kinh tế đồ chơi phát triển.
Trước câu hỏi làm thế nào để những sự tiếp biến văn hóa mang lại điều tích cực, tránh gây phản cảm, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ:
"Sự sùng ngoại của trẻ em trước đồ chơi mới lạ cũng chả khác gì người lớn chuộng mốt lạ vậy.
Thị hiếu trước hàng hóa thì biến đổi không ngừng, biến đổi chóng vánh. Nếu chúng ta có một tư duy văn hóa tốt, một tư duy kinh tế tốt thì chúng ta mới sản xuất đồ chơi Việt đủ sức cạnh tranh, nếu không chúng ta mãi mãi là thị trường tiêu thụ mà thôi.
Từ sự tiếp biến đó, vấn đề là chúng ta cần tạo khả năng cho sự tích tụ bản sắc, cho sự sáng tạo cái mới để khẳng định đặc sắc văn hóa của Việt Nam và định hướng thị hiếu vào những giá trị thiện mỹ hơn".