Những ngày cuối tháng Bảy âm lịch này, vợ chồng bà Nguyễn Thị Tuyến tại thôn Hậu Ái, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội đang tất bật với rất nhiều đơn hàng làm đồ chơi Trung thu truyền thống do các đơn vị, đoàn thể đặt hàng tặng cho các em nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Tuyến (sinh năm 1964) là một trong số ít nữ nghệ nhân ở Hà Nội còn duy trì nghề làm đồ chơi Trung thu dân gian cho các cháu thiếu nhi.
Hình ảnh các ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng và đèn ông sao là những hình ảnh quen thuộc với trẻ em thế hệ trước.
Trước đây, nhà nào dù giàu, dù nghèo cũng cố dành dụm mua cho con những món đồ chơi này và gửi gắm vào đó bao mong ước để con được vui tươi, khỏe mạnh và học giỏi thành tài.
Niềm vui từ những món đồ chơi
Là con nhà nghề, tiếp xúc với những đồ chơi Trung thu từ khi còn nằm nôi, bà Nguyễn Thị Tuyến lớn lên với thanh nứa, giấy màu, hồ dán và giấy bóng kính…
Với những vật liệu đơn giản, dễ kiếm, mang hồn cốt của làng quê Bắc Bộ ấy, dưới bàn tay khéo léo của bà Tuyến, hình ảnh các ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy… hiện lên thật sinh động với nhiều nét mặt thần thái khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Tuyến đang hoàn thiện chiếc đèn con tôm. (Ảnh: Hồ Thu). |
Bắt đầu giúp bố mẹ pha chế màu sắc để tạo hình cho “ông đánh gậy” từ năm 9, 10 tuổi, bà Tuyến dần dần ngấm nghề của gia đình từ lúc nào không hay.
Và rồi, niềm đam mê với công việc tạo nên những món đồ chơi Trung thu truyền thống cho trẻ em đã theo bà suốt mấy chục năm nay.
Những năm gần đây, với nhịp sống đô thị, các sản phẩm đồ chơi hiện đại của nước ngoài cũng du nhập về Việt Nam rất nhiều.
Hình ảnh ông đánh gậy trông trăng múa gậy trước làn gió thu khiến trẻ con thích thú hò reo ngày càng trở nên hiếm hoi.
Ngày nay, để tiếp xúc được với những trò chơi dân gian, các em học sinh chỉ có thể đến các địa điểm như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Văn miếu Quốc tử giám, phố cổ…
Ông Tiến sĩ và hai ông đánh gậy là món đồ chơi quen thuộc trong dịp Tết Trung thu trước đây. (Ảnh: Hồ Thu) |
Bà Tuyến cho biết: “Năm nay, tôi cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng mà không có đủ sức để làm nên đành phải từ chối.
Bảo tàng Dân tộc học, Văn miếu và các trường học… cũng mời tôi đến hướng dẫn các cháu thiếu nhi làm đồ chơi nên tôi cũng phải sắp xếp. Nhiều việc mệt lắm nhưng mà cũng vui”.
Trước đây, bà Tuyến thường mang đồ ra chợ bán nhưng khoảng chục năm gần đây, bà Tuyến chủ yếu nhận đơn hàng của các cơ quan, đoàn thể nên không còn ra chợ nữa.
Vì thế, những gia đình quanh vùng muốn mua đồ chơi Trung thu cổ truyền chỉ còn cách đến tận nhà bà Tuyến.
Chị Loan (trái), con gái thứ ba cùa bà Tuyến cho con gái 3 tháng tuổi đến nhà bố mẹ đẻ chơi và hỗ trợ ông bà làm đồ Trung thu. (Ảnh: Hồ Thu) |
Từ năm 2005, ông Nguyễn Đức Khôi, chồng bà Tuyến đã sáng tạo thêm các loại đèn khác nhau như đèn con công, đèn con tôm, đèn con cá, đèn con thỏ… thậm chí còn có cả đèn khủng long, đèn con hươu (năm nay bà không làm loại đèn này).
Lý do ông sáng tạo ra những sản phẩm này là để thêm phong phú các mặt hàng và cũng là đáp ứng yêu cầu của các con.
Chị Loan, con gái thứ ba của bà Tuyến cho biết, hồi còn nhỏ, cứ mỗi dịp Trung thu là ông lại hỏi, năm nay các con thích đèn hình gì để bố làm cho.
Bốn chị em mỗi người thích một kiểu và đều được bố đáp ứng hết các yêu cầu của các “khách hàng” nhỏ dù là khó tính nhất.
“Có lần bọn mình muốn bố làm cho đèn hình con muỗi mà bố cũng làm được”, chị Loan kể lại.
Những băn khoăn về việc giữ nghề
Bà Tuyến kể, trước đây gia đình bà có nghề truyền thống là làm hàng mã và làm đồ chơi Trung thu, các anh em bà đều theo nghề hàng mã, chỉ riêng bà còn lưu giữ nghề làm đồ chơi Trung thu.
Tuy nhiên, nghề này cũng mang tính mùa vụ, chỉ làm vào dịp Rằm tháng Tám nên để có thể sống bằng nghề này không phải là chuyện dễ dàng.
Ông Tiến sĩ được làm cỡ lớn dành cho các mâm cỗ trông trăng của các thôn. (Ảnh: Hồ Thu) |
Chị Loan, con gái thứ ba của bà Tuyến chia sẻ: “Các chị em ai cũng mong muốn nối nghiệp mẹ để giữ lấy nghề nhưng đam mê cũng chưa đủ lớn trước vấn đề lo kinh tế gia đình.
Nếu có việc quanh năm thì còn có thể duy trì, chứ nếu chỉ làm mấy tháng rồi qua Trung thu lại nghỉ thì không ai theo được”.
Chị Loan cũng cho biết công việc này cũng khá mệt bởi vì ngồi lâu để làm cũng mỏi nên ít người muốn làm.
Hiện nay, ông bà cũng mở quán nước tại cổng nhà, cộng thêm mấy căn phòng trọ cho thuê nên ông bà cũng có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, cứ đến dịp Trung thu là cả nhà lại bận rộn, cuống quýt để lo kịp các đơn hàng.
Con cái còn bận các công việc của mình nên không thể nghỉ làm ở nhà để giúp mẹ mà chỉ có thể tranh thủ thời gian hỗ trợ được phần nào mà thôi.
Vì thế, với sức của hai ông bà thì không thể đáp ứng được các đơn đặt hàng quá lớn.
Những chiếc đèn ông sao do bà Tuyến làm rất tỉ mỉ, chắc chắn. (Ảnh: Hồ Thu) |
“Công việc bận rộn nên ông bà phải dậy từ 5 giờ sáng và làm đến 12 giờ đêm. Có hôm ông bà mải làm, ngẩng đầu lên nhìn đồng hồ thì thấy đã 2 giờ sáng rồi.
Hai ông bà giờ cũng nhiều tuổi nên thường xuyên kêu đau lưng. Công việc này làm lâu dài cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe”, chị Loan tâm sự.
Bà Tuyến cũng không hề giấu nghề, ai muốn học bà đều chỉ dạy rất nhiệt tình. Nhưng bây giờ hầu hết chỉ có các cháu học sinh, các bạn tình nguyện viên muốn đến xem tìm hiểu như một thú vui, học một, hai buổi chứ cũng chưa có ai mong muốn làm nghề.
Dù thế thì tương lai cũng còn nhiều điều chưa thể nói trước, có thể cái duyên sẽ đưa đẩy để một ngày nào đó, nghề truyền thống này sẽ tìm thấy truyền nhân để lưu giữ những giá trị dân gian đầy ý nghĩa này.