LTS: Vài năm gần đây, không ít giáo viên phải chạy đua để có đủ giáo án điện tử phục vụ các tiết học. Thế nhưng việc áp dụng vào thực tế còn lắm vấn đề. Nhiều câu chuyện dở khóc dở cười...
Trong bài viết này tác giả Như Mây - một giáo viên tại TP.Hồ Chí Minh đề cập tới những vấn đề đó. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Những năm trước đây nhằm giúp cơ quan quản lý có một hệ thống quản lý giáo viên và những đánh giá của giáo viên đối với học sinh trong từng khoảng thời gian nhất định Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng phần mềm Quản lý trường học (gọi tắt là Smas).
Phần mềm này có những ưu điểm như cơ quan quản lý giáo dục có thể dễ dàng đánh giá mỗi giáo viên có kịp thời công bố kết quả học tập của học sinh hay không.
Hình thức quản lý theo chiều dọc đi từ cấp Sở tới cấp Phòng GD&ĐT rồi tới Ban giám hiệu là xuyên suốt. Dễ quản lý nên các chuyên viên ngành chỉ cần ngồi một nơi cũng biết giáo viên đã nhập điểm đúng và đủ hay chưa.
Dở khóc dở cười chuyện giáo viên “chạy đua” sử dụng công nghệ thông tin (Ảnh: tuoitre.vn) |
Đây là điều dễ dàng cho cơ quan quản lý và là chủ trương đúng đắn khi áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý vốn phức tạp như ngành giáo dục.
Tuy nhiên, khi áp dụng nhiều giáo viên đặc biệt là giáo viên đã nhiều tuổi dở khóc dở cười vì không thể cập nhật sự và bắt kịp tiến bộ của công nghệ thông tin.
Trước đây khi chưa có Smas thì giáo viên vừa phải mò mẫm ghi điểm cẩn thận từ sổ cá nhân đến sổ điểm lớn theo phương thức truyền thống trên giấy, cố gắng tỉnh táo để ghi điểm không sai lỗi.
Đầu năm nói chuyện “thầy già”(GDVN) - Ai rồi cũng sẽ già theo tháng năm nhưng cái già phải đồng nghĩa với sự gương mẫu, sự khát khao cống hiến mới được mọi người tôn kính, cảm phục. |
Vì sai nhiều lỗi trong sổ điểm lớn phải thay sổ, mà thay sổ thì liên quan tới nhiều giáo viên khác, kéo theo nhiều người cũng phải làm lại.
Từ khi có Smas, những giáo viên có tuổi lại phải dò dẫm đánh tỉ mỉ từng con số từ sổ điểm cá nhân hoặc từ sổ điểm lớn vào Smas. Sai cũng lắm mà tốn thêm thời gian cũng nhiều.
"Từ khi áp dụng công nghệ thông tin, công việc của giáo viên giảm chả thấy đâu, chỉ thấy thêm việc thêm cực", lời một giáo viên lớn tuổi ca thán.
Áp dụng công nghệ thông tin để dễ quản lý, đồng thời thống nhất một tiêu chí giám sát đánh giá. Nhưng tại sao không bỏ bớt sổ sách bằng giấy?
Hơn nữa, đầu năm học 2016-2017 vừa qua, khi giáo viên đang hì hụi làm theo Smas thì Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh lại yêu cầu giáo viên phải dùng thêm hai sản phẩm công nghệ thông tin mới và bắt buộc áp dụng triệt để ngay lập tức.
Sản phẩm đầu tiên mang tên “Hệ thống thông tin quản lý giáo dục”. Phần mềm này ngoài việc nhập điểm thì giáo viên chưa (không) thể được sử dụng thêm một công cụ nào khác. Thực chất đây là phần mềm giống với Smas nhưng vẫn yêu cầu giáo viên phải làm theo.
Sản phẩm thứ hai là “Trường học kết nối” của Bộ GD&ĐT trong đó chứa đựng nhiều thông tin từ công văn, văn bản, nghị quyết… ngoài ra còn là diễn đàn trao đổi của ngành giáo dục.
Tuy nhiên, “Trường học kết nối” vẫn lặp lại những tính năng giống với Smas như công bố thời khóa biểu, điểm thi, hồ sơ cho giáo viên…
Giáo án điện tử có làm giáo viên lười hơn không?(GDVN) - Khi ứng dụng công nghệ thông tin được sử dụng trong Nhà trường, giáo viên soạn giáo án điện tử. Liệu có làm giáo viên lười hơn không? |
Rõ ràng, Smas đã tích hợp đầy đủ các công cụ nhập điểm, diễn đàn mở.
Ấy vậy mà Sở GD&ĐT vẫn yêu cầu giáo viên phải “nhồi” thêm vài phần mềm chồng chéo, lặp lại phần mềm quản lý giống nhau.
Nhiều giáo viên băn khoăn rằng, với bao nhiêu sổ sách trước đây tưởng áp dụng công nghệ thông tin sẽ đỡ chật vật, sẽ giảm bớt ghi chép để tập trung cho giờ giảng nào ngờ nay lại chồng lấn các phần mềm khiến giáo viên cực nhọc hơn.
Một giáo viên bày tỏ hi vọng: “Giáo viên chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý thống nhất dùng một công cụ công nghệ thông tin nhất định, hãy cho chúng tôi thêm thời gian tự sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, hãy nhìn nhận kết quả của giáo viên bằng sự tiến bộ của học sinh hơn là chạy đua công nghệ”.