Các hoạt động, chương trình và chiến dịch tuyên truyền về bảo vệ môi trường do đoàn thanh niên tại địa phương tổ chức đã thu hút sự tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên.
Những hoạt động này không chỉ giúp các bạn trẻ nâng cao nhận thức mà còn tạo cơ hội để họ thực hành và tạo dựng những thói quen bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Tuy nhiên, quá trình này vẫn gặp không ít khó khăn, đòi hỏi sự sáng tạo và phối hợp chặt chẽ từ các cơ sở giáo dục và tổ chức đoàn thanh niên.
Đoàn thanh niên tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Đặng Việt Trinh - Ủy viên Ban Thường vụ Quận đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận Ba Đình cho rằng, hiện nay, nhận thức của thế hệ trẻ về vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao. Các bạn đoàn viên, thanh niên đã ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, nhờ vào sự tuyên truyền mạnh mẽ từ các chiến dịch truyền thông cũng như các hoạt động giáo dục về vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bạn trẻ chưa thực sự thay đổi thói quen và hành vi trong cuộc sống hàng ngày.

Theo chị Trinh, Đoàn Thanh niên quận Ba Đình đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như các chiến dịch dọn dẹp vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, tuyên truyền về phân loại rác thải hay các hoạt động hưởng ứng “toàn dân dọn dẹp vệ sinh môi trường”, sổ tay phân loại rác thải điện tử, chiến dịch ra quân tuyên truyền không sử dụng túi nilon, giảm thiểu rác thải nhựa, chiến dịch “Hà Nội sạch” thực hiện công trình cải tạo không gian bờ sông Hồng. Trong đó, đặc biệt là hoạt động ra quân đồng loạt hàng quý về “Ngày chủ nhật xanh”.
Những hoạt động ý nghĩa này luôn có sự tham gia tích cực của học sinh, sinh viên và đoàn viên thanh niên tại khu dân cư, trường học. Thông qua những chương trình và hoạt động thiết thực, các bạn trẻ có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và xây dựng ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Bá Khải - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận và truyền thông trẻ, Đoàn thanh niên cộng sản Thành phố Hạ Long đánh giá, việc giáo dục và tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm.
Đoàn Thanh niên cộng sản Thành phố Hạ Long cũng xây dựng và triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường. Trong đó, nổi bật là chiến dịch tình nguyện vệ sinh môi trường biển, môi trường khu dân cư, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trong năm 2024.
Đoàn Thanh niên cộng sản Thành phố Hạ Long đã tổ chức một chiến dịch với sự tham gia của hơn 1 vạn đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố cùng dọn vệ sinh 10km bờ biển.

Ngoài ra, còn rất nhiều dự án, hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường ý nghĩa khác. Trong đó, có thể kể đến dự án "Nghệ thuật chữa lành vết thương môi trường". Đây là dự án sử dụng một hình thức truyền thông mới là kịch ứng tác. Khác với kịch sân khấu truyền thống, nơi diễn viên sẽ biểu diễn trên sân khấu và truyền tải thông điệp thì trong kịch ứng tác, khi kịch đang diễn ra và xuất hiện những tình huống căng thẳng, nguy cơ, hoặc những tình huống cần tham khảo, người điều phối sẽ tạm dừng vở kịch tại một nút thắt.
Tại đây, các diễn viên sẽ giữ nguyên tư thế và người điều phối sẽ hỏi khán giả, cụ thể là các em học sinh về cách các em sẽ ứng xử trong tình huống đó nếu các em là nhân vật trên sân khấu. Học sinh sẽ giơ tay phát biểu, chia sẻ suy nghĩ của mình. Điều này không chỉ giúp giáo viên hiểu rõ hơn về suy nghĩ và cảm nhận của học sinh, mà còn khuyến khích các em thực hành với việc lên sân khấu và thể hiện hành động, thái độ, biểu cảm của mình trong các tình huống liên quan đến môi trường.
Trong khi đó, anh Trần Trung Kiên, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chia sẻ về những hoạt động tuyên truyền tại phường.
Theo đó, từ năm 2023, đoàn thanh niên phường Khương Mai đã tổ chức chương trình “đổi cây xanh lấy rác thải” để tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên về việc bảo vệ môi trường. Chương trình này thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ thông qua việc đổi những vật dụng tái chế như vỏ lon, giấy báo, sách cũ, hay vỏ bìa để nhận lại cây xanh như cây sen đá hay những vật dụng có thể tái chế lâu dài.
Tính đến đầu năm 2024, chương trình đã thu được gần 2.000 tấn rác thải tái chế và trao tặng gần 450 cây xanh. Từ những kết quả đạt được, chương trình tiếp tục được triển khai tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn phường và thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều học sinh, đoàn viên trong khu vực.
“Trong nửa cuối năm 2024, đoàn thanh niên phường Khương Mai vẫn duy trì các buổi ra quân vệ sinh môi trường hàng tuần vào các ngày thứ bảy và chủ nhật. Đoàn viên thanh niên sẽ tham gia các hoạt động như bóc xóa quảng cáo, quét dọn rác thải tại các điểm nóng và làm sạch những khu vực không được phép tập kết rác.
Mỗi tháng, chúng tôi tổ chức từ 2 buổi ra quân vệ sinh môi trường với sự tham gia của khoảng 500 bạn trẻ. Tuy nhiên, hiện tại, kết quả các hoạt động này chỉ đạt khoảng 80-85% so với kế hoạch ban đầu. Trong năm 2025, chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng các kế hoạch, hoạt động và triển khai mạnh mẽ hơn nữa”, anh Kiên nói.

Còn nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ
Theo chị Đặng Việt Trinh, yếu tố quan trọng để thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ về vấn đề bảo vệ môi trường chính là công tác giáo dục và sự tham gia trực tiếp của các bạn trẻ trong những hoạt động thực tế. Việc này giúp người trẻ nhận thấy rõ tác động của hành động bảo vệ môi trường đối với cộng đồng, tạo cơ hội để các bạn trải nghiệm, học hỏi từ thực tế và dần dần trở thành thói quen trong đời sống hằng ngày.
Tuy nhiên, quá trình triển khai hoạt động bảo vệ môi trường cho đoàn viên, thanh niên tại quận Ba Đình cũng gặp một số khó khăn.
“Một trong những khó khăn lớn nhất mà đoàn thanh niên gặp phải là sự thiếu kiên nhẫn của một số bạn trẻ khi họ chưa nhận thấy ngay kết quả rõ ràng từ những hoạt động bảo vệ môi trường được tổ chức. Đôi khi, những thay đổi nhỏ trong hành vi bảo vệ môi trường không có tác động tức thì khiến một số bạn cảm thấy thiếu động lực”, chị Trinh cho hay

Để vượt qua khó khăn này, đoàn thanh niên quận Ba Đình đã đẩy mạnh việc tổ chức các chiến dịch có yếu tố trải nghiệm thực tế, đồng thời, duy trì việc kết nối các hoạt động bảo vệ môi trường với những chương trình phong trào đoàn, khuyến khích sự tham gia thường xuyên của các bạn trẻ. Nhờ đó, tổ chức đoàn nhận lại nhiều sự hưởng ứng, tham gia đông đảo của đoàn viên, thanh niên trong các hoạt động bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận và truyền thông trẻ, Đoàn thanh niên cộng sản Thành phố Hạ Long cho rằng tính phù hợp trong thông điệp truyền thông bảo vệ môi trường sẽ giúp thay đổi nhận thức của giới trẻ về vấn đề này, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số hiện nay.
“Khi thực hiện công tác truyền thông về môi trường, đoàn thanh niên cũng đã thực hiện các nghiên cứu và khảo sát xã hội học để hiểu rõ nhu cầu, mong muốn và thị hiếu của đối tượng là các bạn trẻ trong việc việc tiếp nhận thông điệp.
Qua thực tế, việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của thế hệ trẻ hiện nay thường bắt nguồn từ việc các bạn được truyền cảm hứng. Nhiều hoạt động thành công nhờ vào nguồn cảm hứng mạnh mẽ được lan tỏa từ các tấm gương, các tổ chức bảo vệ môi trường”, anh Khải nói.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện các dự án bảo vệ môi trường, đoàn thanh niên cũng gặp phải không ít khó khăn. Trong đó, một số thông điệp về môi trường chưa có sự đổi mới, có những thông điệp tồn tại suốt nhiều năm qua, thậm chí 20-30 năm trước. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để làm mới thông điệp và tiếp cận một cách hiệu quả đến các bạn trẻ.
Thậm chí một số giải pháp chưa thực sự thân thiện với môi trường cũng được tuyên truyền tràn lan. Theo anh Khải, ví dụ điển hình là việc khuyến khích sử dụng cốc giấy thay cho cốc nhựa dùng một lần. Nhiều người không nhận ra rằng cốc giấy cũng là một nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để sản xuất cốc giấy, cần phải sử dụng nhiều cây và hóa chất, trong khi quá trình phân hủy cốc giấy cũng không phải nhanh và hoàn toàn thân thiện với môi trường như nhiều người nghĩ. Hơn nữa, giải pháp này không bền vững, và thực tế nó vẫn có những tác động tiêu cực đến môi trường.

Đưa hoạt động tuyên truyền vào nhà trường, xây dựng nội dung phù hợp với từng lứa tuổi
Từng có cơ hội làm việc với nhiều nhà trường, tiếp xúc với rất nhiều học sinh và tham gia các hoạt động về môi trường, anh Nguyễn Bá Khải cho rằng chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường cần được thiết kế phù hợp với từng độ tuổi và nhu cầu tiếp nhận của học sinh, thanh thiếu niên.
“Để giáo dục bảo vệ môi trường với học sinh tiểu học, nhà trường cần dạy các em những thói quen đơn giản như tiết kiệm nước, tắt điện khi không sử dụng, bảo vệ đồ dùng học tập. Đối với học sinh trung học cơ sở, nhà trường có thể hướng các em nên tham gia vào những hoạt động bảo vệ môi trường như dọn dẹp, phân loại rác và các chiến dịch "xanh". Còn với cấp trung học phổ thông, có thể tổ chức hoạt động tuyên truyền, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, trồng cây và tham gia vào những dự án bảo vệ môi trường.
Điểm quan trọng là chương trình giáo dục về môi trường cần gia tăng trải nghiệm cho học sinh, giúp các em trực tiếp tham gia vào hoạt động thực tế. Khi các em có cơ hội tham gia hoạt động này đều đặn, chúng sẽ trở thành thói quen, một phần của cuộc sống hàng ngày”, anh Khải nêu ý kiến.
Trong khi đó, chị Đặng Việt Trinh cho rằng, việc kết hợp các hoạt động giáo dục và tuyên truyền bảo vệ môi trường vào chương trình học và sinh hoạt sẽ giúp học sinh, sinh viên không chỉ tiếp thu lý thuyết mà còn có cơ hội thực hành, từ đó hình thành thói quen tốt. Đây là một phương pháp hiệu quả để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bởi hành động cá nhân luôn gắn liền với sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Cũng theo chị Trinh, để phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại, các chương trình tuyên truyền và giáo dục bảo vệ môi trường cần tận dụng phương tiện truyền thông hiện đại như mạng xã hội, ứng dụng di động và các nền tảng trực tuyến. Điều này sẽ giúp thông điệp bảo vệ môi trường tiếp cận gần hơn với giới trẻ, đặc biệt là trong bối cảnh xu hướng số hóa ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, việc kết hợp yếu tố giải trí và sáng tạo trong các chiến dịch tuyên truyền cũng rất quan trọng để thu hút sự tham gia của các bạn trẻ.
Đồng tình với quan điểm này, anh Trần Trung Kiên - Bí thư Đoàn Thanh niên phường Khương Mai cho rằng, việc tăng cường hợp tác giữa đoàn thanh niên và các cơ sở giáo dục là rất quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả giáo dục và ý thức của học sinh về bảo vệ môi trường.
“Tôi hy vọng các trường học trên địa bàn quận Thanh Xuân nói riêng và trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn với tổ chức đoàn thanh niên trong những hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
Những hoạt động này phần nào giúp học sinh, sinh viên có cái nhìn sâu sắc hơn và muốn tham gia vào công tác tình nguyện xã hội. Đặc biệt, khi có sự tham gia của các bạn trẻ, chương trình sẽ trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều”, anh Kiên nói.

Theo anh Kiên, việc giáo dục về bảo vệ môi trường cần được nâng cao và đi vào chiều sâu hơn, thay vì chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền hoặc tổ chức những hoạt động nhỏ. Nhà trường cùng tổ chức đoàn thanh niên cần thúc đẩy các chương trình có tính lâu dài và phát triển nhiều sáng kiến sáng tạo.
Một số sáng kiến như vẽ tranh bích họa, cải tạo không gian công cộng để tăng cường nhận thức và góp phần vào việc làm sạch môi trường cũng là một giải pháp thú vị và có thể lan tỏa nhanh chóng, mạnh mẽ đến cộng đồng.
“Tôi hy vọng, trong tương lai sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa để cải thiện môi trường sống, đồng thời giúp thế hệ trẻ nâng cao nhận thức và tham gia tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường”, anh Kiên cho hay.