Chị Nguyễn Thị Hải Yến (30 tuổi, đến từ Bắc Giang) đã kết hợp sở thích thủ công và tình yêu với môi trường để phát triển công việc đặc biệt: tái chế quần jean cũ thành các sản phẩm thời trang độc đáo.
Không chỉ tạo ra các sản phẩm lạ mắt mà chị Yến còn mong muốn truyền cảm hứng về việc sử dụng những sản phẩm bền vững thay vì đồ thời trang nhanh, góp phần giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường.
Đam mê thủ công tái chế, sáng tạo sản phẩm thời trang từ quần jean cũ
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Nguyễn Thị Hải Yến cho biết, từ những năm tháng sinh viên, chị đã có niềm yêu thích làm những món đồ thủ công tái chế bằng tay, đặc biệt là những chiếc túi xách làm từ nhiều chất liệu khác nhau. Với chị, cảm giác tỉ mỉ khi thực hiện một món đồ thủ công rất thú vị.
![Chị Nguyễn Thị Hải Yến đã sáng tạo và biến những chiếc quần jean cũ thành sản phẩm thời trang tái chế độc đáo. (Ảnh: NVCC. Thiết kế: Ngọc Trâm) unnamed - 2025-02-14T155320.878.png](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/ihubnataungyr/2025_02_14/unnamed-2025-02-14t155320878-4094-4372.png)
Từng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường khi còn là sinh viên, từ lâu chị Yến đã ấp ủ dự định được làm công việc góp phần giảm thiểu rác thải, lan tỏa lối sống xanh tới giới trẻ.
Theo chị Hải Yến, tại nước ngoài, sản phẩm túi xách tái chế đã phát triển rất lâu nhưng tại Việt Nam, thị trường này vẫn còn khá mới mẻ và chưa có ai làm theo hướng chuyên nghiệp và thẩm mỹ. Chính vì vậy, chị Yến quyết định theo đuổi dòng túi tái chế, không chỉ để thỏa mãn sáng tạo cá nhân mà còn giúp giảm thiểu rác thải thời trang và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
“Trong quá trình tìm kiếm nguyên liệu làm đồ thủ công, tôi đã tình cờ biết đến một cửa hàng bán phụ kiện may túi. Ấn tượng với những mẫu túi độc đáo được may thủ công, tôi quyết định thử sức làm một chiếc túi cho mình.
Tuy nhiên, những chiếc túi may bằng vải mới vẫn chưa thực sự thu hút tôi. Vì vậy, tôi quyết định tìm kiếm nguồn nguyên liệu riêng cho bản thân, để mỗi khi nhắc tới sản phẩm mọi người sẽ biết ngay đó là của mình.
Sau hai năm, tôi đã tìm kiếm được nguồn nguyên liệu rất phong phú và sáng tạo là quần jean cũ. Quần jean tuy đã dùng rồi nhưng rất bền và phù hợp để làm túi xách. Mỗi chiếc quần lại tạo ra một phiên bản túi xách độc đáo, không 'đụng hàng' với bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường”, chị Hải Yến chia sẻ.
![Mỗi mẫu túi xách của chị Hải Yến chỉ có một phiên bản duy nhất nên được rất nhiều người yêu thích. (Ảnh: NVCC) ad-4nxdzhedznbgwsnvtpfjfclowmrjxoaq7poyq6upurfjajjnpqd-uy7epwegadt5-hnmpkqnrnjtdpsajxks40k8-k6wgomppxhjkbuwzqbj2cbglnvgycy3ambmyiwosh4jj9jhkcg-4432.png](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/ihubnataungyr/2025_02_14/ad-4nxdzhedznbgwsnvtpfjfclowmrjxoaq7poyq6upurfjajjnpqd-uy7epwegadt5-hnmpkqnrnjtdpsajxks40k8-k6wgomppxhjkbuwzqbj2cbglnvgycy3ambmyiwosh4jj9jhkcg-4432.png)
Một ngày làm việc của chị Yến bắt đầu từ việc đi thu gom những chiếc quần jean cũ. Sau khi thu gom về, chị sẽ định hình ý tưởng cho từng chiếc quần, với chất liệu, dáng quần nào sẽ hợp may mẫu sản phẩm nào. Ví dụ, với những chiếc quần jean mỏng có thể tạo hình dáng túi theo mẫu một chiếc nơ jean xinh xắn. Hay có thể sử dụng những vải vụn nhỏ sau khi cắt để tạo thành những đôi khuyên tai jean cá tính hoặc là chiếc túi đựng điện thoại độc đáo, tiện lợi.
Sau đó, chi tiết của chiếc quần jean sẽ được cắt rời, chọn lọc những phần vải còn tốt, sắp xếp lại theo ý tưởng ban đầu và may ghép chúng lại với nhau. Những chi tiết đặc trưng của quần jean như túi quần, đai, cạp quần hay phần mác sẽ được biến hoá thành điểm nhấn đặc biệt của sản phẩm túi xách tái chế.
“Vì là quần cũ nên nhiều chiếc sẽ có vết ố, phai nhưng khi thiết kế để may túi thì chính những vệt loang ấy lại là điểm nhấn rất thời trang trên túi. Khi nhìn vào sản phẩm mới hoàn thành, khách hàng sẽ thấy thích thú vì vẫn là chiếc quần ấy, vẫn là chi tiết đặc trưng của jean nhưng giờ đây chúng lại ở một hình dáng khác, vừa lạ mắt lại vừa có công dụng mới. Đó cũng chính là điểm thu hút riêng của những món đồ jean tái chế mà bất kì món đồ mới nào cũng không có được”, chị Hải Yến cho biết.
![Những chiếc quần jean cũ được chị Hải Yến chọn lựa kỹ càng để có thể tạo nên sản phẩm tái chế chất lượng và đảm bảo tính thẩm mỹ. (Ảnh: NVCC) ad-4nxe66ei4frcbfxlkrfjckyjpbj14q2t9tsj8zgkylpsuap-thonomqhir2dm-wrpqnov0xdtcjyjymmrujhv6luvmpktg2-wlqjdfeehe7woj0ccytaqv9xtcccu-wvqmgnunagn-9274.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/ihubnataungyr/2025_02_14/ad-4nxe66ei4frcbfxlkrfjckyjpbj14q2t9tsj8zgkylpsuap-thonomqhir2dm-wrpqnov0xdtcjyjymmrujhv6luvmpktg2-wlqjdfeehe7woj0ccytaqv9xtcccu-wvqmgnunagn-9274.jpg)
Khi bắt đầu công việc tái chế đồ jean cũ, chị Hải Yến gặp không ít khó khăn trong việc đi tìm thị trường, tệp khách hàng chất lượng và tự tạo dựng thương hiệu trong thị trường đó. Kinh doanh trong thời công nghệ số, cô gái Bắc Giang đã phát triển kênh bán hàng trên các trang mạng xã hội và tìm kiếm thị trường bằng cách quảng cáo sản phẩm trên các hội nhóm về sản phẩm thủ công. Dần dần, sau nhiều năm cố gắng, chị Hải Yến đã có được thị trường và thương hiệu của riêng mình.
Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cũng luôn được chị chú trọng. Các sản phẩm sau khi hoàn tất cần phải có chất lượng tốt, độ thẩm mỹ cao, bắt “trend” thời trang nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững, không chạy theo thời trang nhanh.
“Tôi nghĩ rằng, người thợ luôn phải mày mò, sáng tạo, tự tìm tòi, học hỏi để làm mới các sản phẩm. Điều này vừa là khó khăn cũng là thách thức cần phải chinh phục. Mỗi khi nhìn lại các sản phẩm được hoàn thiện và sự ủng hộ của khách hàng tôi lại có thêm động lực rất nhiều để tiếp tục công việc tái chế hiện tại”, chị Yến nói.
Công việc tái chế đồ jean và tạo ra các sản phẩm thời trang từ nguyên liệu tái chế đã được chị Yến thực hiện gần 6 năm qua. Cửa hàng của chị luôn tấp nập với những sản phẩm đa dạng từ quần, áo, cặp sách, túi từ đồ jean cũ. Chị Yến cho biết, giá mỗi sản phẩm túi xách tái chế sẽ dao động từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với những sản phẩm thông thường. Ngoài ra, với dòng sản phẩm cao cấp có thiết kế đặc biệt sẽ có giá dao động từ 2-4 triệu đồng/sản phẩm.
Lan tỏa tinh thần tái chế rác thải thời trang qua các workshop sáng tạo
Với mong muốn lan tỏa tinh thần tái chế rác thải thời trang tới cộng đồng, chị Yến còn tổ chức nhiều workshop tại thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều trường đại học. Bên cạnh đó, các workshop trải nghiệm và học căn bản về may cũng được chị tổ chức nhằm giúp mọi người có cơ hội tự sáng tạo sản phẩm cho riêng mình hoặc kiếm thêm thu nhập.
![Các hoạt động workshop về tái chế đồ jean được chị Yến tổ chức thường xuyên. (Ảnh: NVCC) ad-4nxf16b0lqmk-x-wgf6igqqfozwdisxwhzxe1r63iirliuenicmih4llzbcdmus6tjwhp-sz-wdvihhxtl2sdmh6n0uelrk0y-frq0zcshln4pjhtpaackorkaku8tg9xcdgbjbtv-1727.png](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/ihubnataungyr/2025_02_14/ad-4nxf16b0lqmk-x-wgf6igqqfozwdisxwhzxe1r63iirliuenicmih4llzbcdmus6tjwhp-sz-wdvihhxtl2sdmh6n0uelrk0y-frq0zcshln4pjhtpaackorkaku8tg9xcdgbjbtv-1727.png)
“Mỗi hoạt động, chương trình workshop để lại cho tôi những kỉ niệm riêng. Qua đó, tôi được gặp gỡ những người bạn có cùng niềm đam mê làm đồ thủ công, những người trẻ sống xanh.
Khi mới tham gia workshop, có những bạn chưa từng cầm kim khâu, cũng chưa từng cắt vải may vá nhưng vẫn cố gắng hoàn thành một sản phẩm thủ công hoàn chỉnh nhất. Nhìn thấy sản phẩm của các bạn thành hình chính là niềm vui, là điều thúc đẩy tôi tổ chức thêm nhiều hoạt động workshop hơn nữa”, chị Yến chia sẻ.
Cũng theo chị, ngoài việc tạo ra sản phẩm tái chế đẹp, chị còn mong muốn những chiếc túi tái chế không chỉ được coi là một món đồ thông thường mà còn giúp thay đổi thói quen sử dụng đồ dùng của khách hàng, giúp họ nhận thức được về lợi ích của việc sử dụng sản phẩm bền vững thay vì thời trang nhanh. Mỗi sản phẩm túi tái chế như một "đại sứ môi trường" giúp lan tỏa tinh thần sống xanh tới cộng đồng.
Sau gần 6 năm làm việc trong lĩnh vực tái chế đồ jean, chị Yến nhận thấy sự thay đổi lớn trong nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải thời trang.
“Khi tôi mới bắt đầu theo đuổi công việc này, khá ít người biết đến việc tận dụng tái chế đồ jean nói riêng cũng như sản phẩm quần áo cũ nói chung để tạo thành sản phẩm mới có ích. Nhưng giờ đây, cùng với sự phát triển của truyền thông, nhiều người đã nhận thức được tầm quan trọng của việc tái chế và giảm thiểu rác thải, từ giới trẻ cho đến những người trung niên, lớn tuổi. Điều này cũng là niềm tự hào của những người làm đồ tái chế jean như tôi”.
Trong tương lai, chị Yến dự định mở rộng thêm các sản phẩm tái chế từ jean, chẳng hạn như đồ decor, hoa trang trí sự kiện và kết hợp chất liệu jean với các chất liệu dân tộc để tạo ra sản phẩm đa dạng hơn. Bên cạnh đó, chị cũng hy vọng sẽ tổ chức thêm nhiều buổi workshop để những người yêu thích tái chế có cơ hội trải nghiệm.
![Hoạt động workshop của chị Yến không chỉ có sự tham gia của các bạn trẻ mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều du khách nước ngoài, các em nhỏ đến trải nghiệm. (Ảnh: NVCC) ad-4nxe7tiyvadardzqbl3k-v0hzykmpnbpxqg9qsmflc9os3sd6zmtwo3uzpdehu2clrw0bgrezcuxludr3q-7ziht5thijjwszdnoysldtndpc7pbhurnkrsk8o9flqvfj-x7iogkzw-5324.png](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/ihubnataungyr/2025_02_14/ad-4nxe7tiyvadardzqbl3k-v0hzykmpnbpxqg9qsmflc9os3sd6zmtwo3uzpdehu2clrw0bgrezcuxludr3q-7ziht5thijjwszdnoysldtndpc7pbhurnkrsk8o9flqvfj-x7iogkzw-5324.png)
Với mục tiêu bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải thời trang, chị Hải Yến khuyến khích những bạn trẻ có đam mê tái chế hoặc đang ấp ủ dự án tái chế hãy mạnh dạn thực hiện: "Đừng ngần ngại, các bạn hãy bắt tay thực hiện nếu có ý tưởng và đam mê. Tôi rất tâm đắc với câu nói: “Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi”. Vậy nên, có thể dự án các bạn ấp ủ sẽ thành một con đường tiên phong của riêng bạn. Hãy làm việc bằng cả con tim và sự tử tế, tôi tin rằng các bạn sẽ thành công”.