Với mục tiêu bảo vệ an toàn cho người lao động tránh khỏi những ảnh hưởng của những yếu tố nguy hiểm có hại và tạo ra điều kiện làm việc thuận lợi nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phần góp phần thúc đẩy quá tŕnh phát triển chung của đất nước, việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là một chính sách kinh tế -xã hội lớn của Đảng và Nhà nước, là một phần quan trọng, là bộ phận không thể tách rời của chiến lược phát triển kinh tế xă hội của nước ta. Nội dung về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được quy định trong rất nhiều văn bản luật như: Bộ luật Lao động, Luật Hóa chất, Luật Khoáng sản, Luật Công đoàn, Luật Hợp tác xã… và một số chỉ thị, hướng dẫn do Chính phủ ban hành nhằm bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn và bệnh nghề nghiệp đối với người lao động.
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp. |
Thực hiện tốt an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người lao động, góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất và đời sống xã hội. Đây là hoạt động mang ý nghĩa rộng lớn gắn với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn bảo hộ lao động với bảo vệ môi trường và văn hóa trong sản xuất.
Chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời gian tới là: Khuyến khích phát triển các dịch vụ an toàn lao động, vệ sinh lao động để đáp ứng ngày càng tốt hơn đến việc chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo an toàn cho người lao động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bộ luật Lao động 2012 cũng đã cụ thể trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động như: Đối với người sử dụng lao động: Lấy ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động khi xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động (Điều 138); Phải cử người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sử dụng từ 10 lao động trở lên thì người sử dụng lao động phải cử người có chuyên môn phù hợp làm cán bộ chuyên trách về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Người làm công tác chuyên trách về an toàn lao động, vệ sinh lao động phải được huấn luyện: Xây dựng phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp và định kỳ tổ chức diễn tập (Điều 140); Phải thanh toán phần chi phí chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị (Điều 144); Phải thông tin đầy đủ về tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các yếu tố nguy hiểm, có hại và các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động (Điều 151).
Hàng năm người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ theo Điều 152 cho các đối tượng là người lao động (kể cả người học nghề, tập nghề tại đơn vị). Đồng thời, một số lao động đặc thù sau phải được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 06 tháng một lần: lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản; người làm công việc nặng nhọc, độc hại; người khuyết tật; người lao động chưa thành niên và cao tuổi.
Đối với người lao động: Báo cáo kịp thời khi phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động, gây độc hại hoặc sự cố nguy hiểm, tham gia cấp cứu và khắc phục hậu quả tai nạn lao động khi có lệnh của người sử dụng lao động; Chấp hành các quy định, quy trình, nội quy về an toàn lao động, vệ sinh lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao; Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, các thiết bị an toàn lao động, vệ sinh lao động nơi làm việc.
Bên cạnh những quy định mới đã được bổ sung vào Bộ luật Lao động 2012 thì những quy định từ các Thông tư, Nghị định cũng được đưa vào Bộ luật. Trong nền kinh tế thị trường, muốn duy trì và phát triển sản xuất, muốn cạnh tranh thì phải đảm bảo ATVSLĐ, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng, hiệu quả. Thực tế cho thấy, khi tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra, người lao động và thân nhân của họ không những bị mất mát về con người, suy giảm sức khỏe mà khả năng làm việc, thu nhập cũng bị giảm sút, dẫn đến đói nghèo và những đau đớn về thể xác, tinh thần.
Đối với người sử dụng lao động, khi tai nạn lao động xảy ra sẽ gây thiệt hại về chi phí sửa chữa máy móc, thiết bị, nhà xưởng; chi phí về y tế, giám định thương tật, bệnh nghề nghiệp và bồi thường, trợ cấp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thân nhân của họ; Uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng; Hoạt động sản xuất bị gián đoạn do phải ngừng việc để khắc phục hậu quả, điều tra nguyên nhân gây tai nạn, gây tâm lý lo lắng, căng thẳng cho cả người sử dụng lao động và người lao động, ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động, doanh thu của doanh nghiệp bị giảm sút, thậm chí có thể bị phá sản.
Để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đảm bảo ATVSLĐ cần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là vai trò của người lao động trong việc tự bảo vệ mình và đồng nghiệp, tránh các nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động, cũng như tăng cường các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tổ chức huấn luyện, hướng dẫn, thông báo cho người lao động về những quy định, biện pháp làm việc an toàn, những tai nạn lao động cần đề phòng; trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật bảo hộ lao động. Đồng thời phải xây dựng văn hóa an toàn, ưu tiên và coi trọng biện pháp phòng ngừa, bảo đảm công tác ATVSLĐ gắn liền với công tác bảo vệ môi trường.