Vừa qua, nhiều cư dân sống tại tòa nhà HH2A Linh Đàm do ông Lê Thanh Thản, chủ Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư đã phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về tình trạng gây khó dễ cho người dân khi vận chuyển vật tư lên nhà bằng thang máy để sửa chữa với mục đích “tận thu, bòn rút” tiền của khách hàng.
Cụ thể, người dân cho biết: "Bảo vệ tòa HH2A dở đủ trò không cho đưa đồ lên bằng thang máy, thậm chí họ còn gợi ý xin tiền người dân thì mới cho lên.
Ngoài các khoản phí (dưới tên gọi phí môi trường: làm thạch cao 500 nghìn đồng/hộ, làm sàn gỗ 500 ngàn đồng/hộ...) thì Ban quản lý còn ngang nhiên thu 1 triệu đồng nếu nhà nào dịch vị trí đặt bếp so với ban đầu. Thay nền gạch nhà vệ sinh đòi tầm 8 triệu đồng; muốn lắp công tơ nhanh mất 5 trăm đến 1 triệu đồng, nhà thầu thoải mái cắt điện của cư dân mặc dù đã có công tơ...".
Gần đây, trên mạng xuất hiện clip ghi lại cảnh một vị bảo vệ thuộc BQL tòa nhà HH2A Linh Đàm đã cố tình ngăn cản không cho người dân vận chuyển vật liệu bằng thang máy lên nhà để sửa chữa.
Cư dân bức xúc vì bị bảo vệ tòa nhà cản trở, vòi tiền |
Đoạn clip dài gần 3 phút ghi cảnh người đàn ông mặc áo trắng, xung quanh là nhiều người đang đôi co với vị bảo vệ tòa nhà vì không được đưa thạch cao lên nhà để sửa chữa, lắp đặt.
Trong đoạn clip, người đàn ông áo trắng liên tục hỏi lý do tại sao không được vận chuyển những tấm thạch cao lên nhà thì vị bảo vệ này nói: “Cái phiếu này hết rồi, 22 tấm thôi (tấm thạch cao)… Trưởng tòa (Trưởng BQL tòa nhà - PV quy định như thế. Chúng tôi là những người thi hành...”.
Hành vi phạm pháp luật nhưng BQL vẫn tận thu tiền của cư dân dưới tên gọi "phí vệ sinh". |
Trong lúc trả lời, vị bảo vệ tòa nhà liên tục nhắc tên và hướng dẫn người dân lên gặp ông Hà là trưởng tòa, nếu có sự đồng ý của ông Hà thì mới cho đi.
“Cứ lên gặp ông Hà, ông ý ra lệnh cho chúng tôi thì chúng tôi phải thực hiện, có thắc mắc gì cứ gặp ông Hà”, vị bảo vệ cho hay.
Khi bị người dân phản ứng và truy vấn nhiều quá vị bảo vệ này trả lời: “Thế thì bây giờ phải hỏi ông trưởng tòa quy định thế chứ sao lại cứ hỏi tôi nhỉ. Tôi là người thực thi dưới quyền của ông ý, ông ý bảo không cho lên thì không cho lên”.
Hiện nay, tại các sảnh của các tòa nhà HH2A, 2B, 2C luôn có nhân viên của Ban quản lý đứng ra thu tiền của cư dân dưới tên gọi "phí môi trường". Nếu không trình được phiếu đã nộp tiền, cư dân không thể đưa vật liệu lên thi công, sửa sang ngôi nhà do mình sở hữu.
Được biết, Ban quản lý các tòa nhà HH của chủ đầu tư đại gia Lê Thanh Thản vốn có "truyền thống" tận thu, bòn rút tiền của cư dân từ nhiều năm trước.
Nhiều cư dân bức xúc phản ánh. |
Cách đây 01 năm dư luận cũng rất bất bình trước việc bà Nguyễn Thúy Hiền, Giám đốc Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm đã ký thông báo gửi các căn hộ trong tòa nhà chung cư HH Linh Đàm thu hàng loạt những loại phí vô lý như: Ốp trần thạch cao: 500 nghìn đồng/căn, lát sàn gỗ: 500 nghìn đồng/căn; cải tạo xây dựng căn hộ: 2 triệu đồng/m3…
Thông báo như thế này nhưng nếu cư dân muốn làm nội thất, sửa nhà thì phải nộp phí "bôi trơn". |
Đánh giá về việc này, trong cuộc trao đổi với báo chí, Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định: "Chi nhánh Linh Đàm là đơn vị không có chức năng quản lý vận hành chung cư, vì đây là đơn vị trực thuộc chủ đầu tư. Mà chỉ là đơn vị được chủ đầu tư giao nhiệm vụ quản lý và vận hành tổ hợp chung cư HH Linh Đàm.
Tuy nhiên, trên thực tế Chi nhánh Linh Đàm không có chức năng quản lý vận hành tổ hợp chung cư, điều này thể hiện trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Chi nhánh Linh Đàm không có ngành nghề quản lý vận hành chung cư và ngành nghề vệ sinh toà nhà, thu gom rác…
Khu đô thị HH Linh Đàm là tổ hợp chung cư vừa được bàn giao cho khách hàng, do vậy chưa thành lập ban quản trị chung cư.
Theo khoản 2 - Điều 15 Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ngày 4/1/2013 về quản lý chung cư trên địa bàn TP. Hà Nội nêu rõ: “Trường hợp chưa thành lập ban quản trị, việc quản lý vận hành nhà chung cư do chủ đầu tư thực hiện hoặc do doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện theo hợp đồng ký với chủ đầu tư”.
Do vậy Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm không có tư cách pháp lý tham gia giao dịch với các khách hàng là chủ sở hữu căn hộ.
Chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành đã tự cho mình đặc quyền quyết định tất cả, kể cả phần sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ như việc sửa chữa, lát sàn gỗ, lắp trần thạch cao… theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Luật Đất đai 2013 nêu rõ, sở hữu riêng trong toà nhà chung cư bao gồm: Diện tích bên trong căn hộ của chủ sở hữu, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư bán cho riêng từng chủ sở hữu căn hộ hoặc bán cho các tổ chức, cá nhân khác; phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư; sở hữu chung gồm không gian, hành lang, cầu thang bộ, cầu thang máy, sân thượng, khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, đường thoát hiểm, hệ thống bể phốt, lối đi bộ, sân chơi chung và các phần khác không thuộc sở hữu riêng của các chủ sở hữu nhà chung cư.
Như vậy theo quy định này việc sửa chữa, lát sàn gỗ, làm trần thạch cao…. thuộc phần sở hữu riêng, chủ đầu tư cũng như đơn vị vận hành không được can thiệp, chỉ những phần sở hữu chung như hộp kỹ thuật, hệ thống bể phốt trong căn hộ khi sửa chữa nếu có thay đổi thiết kế thì phải xin phép chủ đầu tư.
Do đó việc tạo ra đặc quyền để thu các khoản phí của chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành tại dự án HH Linh Đàm là trái luật".
Vấn đề đặt ra lúc này là thế lực nào đang đứng ra bảo kê, che chắn cho doanh nghiệp của đại gia Lê Thanh Thản làm liều? Vi phạm trắng trợn các quy định của pháp luật?
Đề nghị các cơ quan chức sớm vào cuộc thanh kiểm tra, xử lý nghiêm những việc làm vi phạm nghiêm trọng pháp luật của chủ đầu tư.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục thông tin!