Đọc tên học sinh chưa đóng tiền liên tục là tội lỗi

17/09/2019 07:00
Lê Mai
(GDVN) - Không nên sử dụng phương pháp “tuyên dương” học sinh chưa đóng tiền, để gây sức ép, buộc các em phải đóng.

Dù đã có nhiều “đổi mới”, thế nhưng cuộc họp phụ huynh đầu năm vẫn là “nỗi ám ảnh” của cả giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh. 

Không ít phụ huynh, nhìn giấy mời họp đầu năm là ngao ngán. Cuộc họp với họ, chỉ phục vụ duy nhất một vấn đề: đóng tiền. 

Người có điều kiện, vài triệu bạc là chuyện nhỏ, nhà trường nói đóng bao nhiêu, họ đóng tất, không băn khoăn. 

Bên cạnh đó, người viết từng chứng kiến, có những phụ huynh, đóng tiền học cho con bằng những đồng bạc lẻ, lấm mồ hôi. Nhìn là biết, họ đã dành dụm khó nhọc lắm. 

Một buổi họp phụ huynh (Ảnh mang tính minh hoạ: Baovanhoa.vn)
Một buổi họp phụ huynh (Ảnh mang tính minh hoạ: Baovanhoa.vn)

Cuộc họp phụ huynh đầu năm nay, diễn tiến trơn tru, đến phần ý kiến đóng góp của phụ huynh; cô giáo mời năm lần bảy lượt, chả ai phát biểu.

Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh đành đứng lên, thay mặt cả lớp cảm ơn cô giáo, đặt niềm tin vào sự quan tâm, dìu dắt của cô trong năm học mới. 

Cô giáo chuẩn bị tuyên bố bế mạc, góc lớp, một phụ huynh đứng lên xin phát biểu. 

Dáng người nhỏ nhắn, gầy gò, khó nhọc lắm chị mới nói được “Xin cô đừng … nhắc tên cháu trước lớp”. 

Một phụ huynh như đọc được ánh mắt của mọi người, liền đứng lên phân bua “Nhà T. chỉ trông chờ vào tiền của thằng lớn đang đi làm ở thành phố, dăm ba tháng, nó mới gửi về; khi có, khi không. 

Năm trước, thằng “Ủn” con chị chưa đóng tiền, ngày nào giáo viên chủ nhiệm cũng nhắc, có khi còn nhắc trước lễ chào cờ; có tiết cô chủ nhiệm là nó trốn, không vào lớp, nên lưu ban. 

Có nhiều kiểu “tự nguyện” trong nhà trường khiến phụ huynh…băn khoăn!
Có nhiều kiểu “tự nguyện” trong nhà trường khiến phụ huynh…băn khoăn!

T. nghèo, nhưng khí tính, nhường suất hộ nghèo cho người khác.

Cô giáo cứ thư thư, để cháu học, trước sau gì nhà nó cũng đóng. Đừng nhắc tên cháu suốt, nó xấu hổ, bỏ học, tội”.  

Thấy hoàn cảnh của chị T., trưởng ban đại diện phụ huynh lớp đã vận động, người ít, người nhiều, gom lại, gần đủ các khoản đầu năm; còn thiếu bao nhiêu…cô chủ nhiệm ủng hộ.   

Nhiều trường, ngoài khoản thu bắt buộc, còn có kế hoạch vận động tài trợ.

Về nguyên tắc, kế hoạch tài trợ phải được các cấp duyệt, Ban tiếp nhận tài trợ mới được thu tiền.

Khoản đóng góp này tùy tâm, ai đóng bao nhiêu thì tùy, không bổ đầu.

Thế nhưng, phần lớn các hiệu trưởng đã “khéo léo” tính toán dự thu cho mỗi học sinh. Phụ huynh nghe xong, đều muốn đóng “cho xong chuyện”. 

Các khoản “tài trợ tự nguyện” nhiều khi gấp nhiều lần so với các khoản đóng bắt buộc. 

Với “cơ chế”, giáo viên chủ nhiệm là người “đòi nợ thuê” bất đắc dĩ, không ít học sinh ngậm ngùi bỏ học, vì áp lực ngày nào cũng được “tuyên dương”. 

Nên thu tiền học sinh như thế nào cho đảm bảo tính nhân văn? 

Các trường, tuyệt đối không bắt buộc giáo viên chủ nhiệm thu tiền. Việc thu tiền không nên dồn một cục; có thể chia thành quý hoặc thành kỳ.

Với các khoản vận động tài trợ, tuyệt đối không bổ đầu học trò, thực hiện nghiêm túc Thông tư 16/2018. 

Thực tế, có học sinh hoàn cảnh khó khăn, nhưng không phải là đối tượng miễn giảm; giáo viên chủ nhiệm cần có kế hoạch báo cáo nhà trường, vận động tài trợ, giúp đỡ, miễn giảm.

Không nên sử dụng phương pháp “tuyên dương” học sinh chưa đóng tiền, để gây sức ép, buộc các em phải đóng.

Đọc tên học sinh chưa đóng tiền liên tục là … tội lỗi. Tuyệt đối không để học sinh không có tiền đóng, mà bỏ học. 

Ai sinh ra cũng mong muốn được giàu có, nghèo không phải là cái tội; thông cảm, sẻ chia với học trò nghèo, động viên các em vượt qua nghịch cảnh cũng là nhiệm vụ của thầy cô giáo.

Lê Mai