Đổi mới căn bản toàn diện GD rất cần nhà báo và cả nhà giáo tham gia làm báo

21/06/2023 06:46
Hướng Sáng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo ngay hôm nay, rất cần đội ngũ đông đảo những nhà báo và cả những nhà giáo cùng tham gia làm báo.

100 năm qua, giáo dục nước nhà có nhiều thay đổi. Đọc qua các bài viết từ các tờ báo còn lưu truyền, có thể nói giáo dục ngày nay cũng đã có nhiều tiến bộ.

Mặc dù vậy, có lẽ trên diễn đàn báo chí, thời nào các bài viết cũng bày tỏ mong muốn, khát vọng với giáo dục hơn nhiều so với thực tại. Và thời nào cũng hô hào cần đổi mới, cải cách, cải tổ hay phục hưng giáo dục.

Trên tờ báoThanh Nghị (1941-1945), đọc các bài báo của thầy Vũ Đình Hoè, thầy Hoàng Đạo Thuý… mới cảm nhận được tâm huyết của những người thầy lúc bấy giờ.

Các thầy không chỉ dạy cho trò trong lớp học, mà còn truyền năng lượng cho những người thầy khác, lan tỏa những giá trị cho nhân dân, kết nối với văn hoá và nguồn cội dân tộc…

Đọc sách của thầy Nguyễn Hiến Lê, thầy Nguyễn Duy Cần… càng thấy sức học, sức viết mãnh liệt, nhưng hơn hết là sự nhiệt thành làm giáo dục của những người thầy ấy.

Dù rất bận với nghiên cứu, viết sách, dạy học và mưu sinh, nhưng những nhà giáo ngày ấy luôn dành cho các tờ báo những bài viết giá trị [1] [2].

Chính những bài viết trên báo là những bài giảng lớn, có sức ảnh hưởng mạnh và đóng góp cho giáo dục thực sự hiệu quả.

Ảnh minh hoạ trên Vtv.vn

Ảnh minh hoạ trên Vtv.vn

Dù là giáo dục dưới thời thuộc địa hay trong thời chiến tranh, thời nào cũng có khó khăn, cũng nhiều lực cản và thời nào giáo dục cũng được xem là rất quan trọng.

Với những người làm giáo dục chân chính luôn đòi hỏi cao ở người học và luôn kiến nghị với chính quyền rất nhiều giải pháp để tránh tụt hậu, tránh lệ thuộc, tránh mất nước.

Các nhà giáo dục luôn đề cao văn hoá, đề cao giá trị dân tộc cũng như thông qua báo chí để kêu gọi xã hội làm giáo dục thực chất, lên án tiêu cực và những hiện tượng phản giáo dục.

Và dĩ nhiên, đôi khi “nghịch nhĩ” và gặp nhiều khó khăn…

Qua thời gian, những bài viết, những chia sẻ của những nhà giáo chân chính luôn được xã hội ghi nhận, thậm chí đến ngày hôm nay những bài viết của các nhà giáo ấy vẫn còn nguyên giá trị…

Giáo dục Việt Nam từ sau đổi mới, mặc dù luôn được quan tâm của cả hệ thống chính trị và có cũng đạt được nhiều thành tích nhất định, nhưng vẫn tồn tại không ít những bất cập, chưa được như kì vọng.

Cố nhà giáo Hoàng Tụy, nhà giáo Nguyễn Lân Dũng hay các nhà giáo hải ngoại như Trần Văn Thọ, Nguyễn Văn Tuấn luôn có rất nhiều bài viết trên các tờ báo trong nước, phản ánh, kiến nghị, góp ý rất sâu sắc.

Điều đó đã tác động lớn đến phần đông xã hội trong đó có đội ngũ nhà giáo của nước nhà.

Bên cạnh những nhà giáo "cây đa, cây đề" thì nhiều thầy cô giáo ở các cấp, các địa phương cũng tham gia chia sẻ các quan điểm, ý kiến với giáo dục và đào tạo. Cũng có những tấm gương, những cách làm hay lay động những trái tim đã được giới thiệu và lan tỏa.

Thế nhưng, trong thực tế hàng ngày trên các trang báo, những hiện tượng tiêu cực, những vấn đề bất cập… trong giáo dục nước nhà vẫn thường được phản ánh nhiều hơn.

Cả nước hiện có hàng triệu nhà giáo các cấp. Phần lớn được đào tạo từ đại học trở lên, tất cả đều được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, am hiểu chuyên môn và cả mục tiêu giáo dục.

Tất nhiên, trong hàng triệu giáo viên ấy, vẫn có những người dạy học vì mưu sinh và cũng có cả động cơ kinh tế từ dạy học, nhưng đa phần đến với giáo dục là những người vì duyên nợ với ngành, lao động vì sự nghiệp giáo dục, vì thế hệ tương lai.

Những nhà giáo ấy khát khao tiếp cận những giá trị và sáng tạo để truyền dạy cho học trò tri thức, điều hay, lẽ phải và mong trò phát triển, đóng góp cho xã hội.

Dù biết trong điều kiện sống và làm việc như hiện nay, phần nhiều các nhà giáo còn khó khăn trong việc dạy học cũng như vật vã để trang trải cuộc sống của bản thân, gia đình… nhưng giá như các nhà giáo của chúng ta dành thêm chút thời giờ chia sẻ về những việc làm sáng tạo trong giáo dục hay góp ý, hiến kế cho ngành, cho địa phương bằng những cách khác nhau, nhất là thông qua các kênh báo chí, truyền thông. Được như vậy thì những giá trị tốt đẹp sẽ thêm lan tỏa, tăng thêm động lực cũng như năng lượng tích cực cho ngành. Và khi đó, những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục sẽ dần lùi xa.

Lúc đó, môi trường giáo dục của chúng ta ngày càng lành mạnh hơn. Giáo dục sẽ thực chất hơn và tương lai chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn.

Có lẽ còn rất nhiều thứ phải làm với giáo dục ngay hôm nay. Cũng giống như thời của thầy Vũ Đình Hoè, thầy Hoàng Đạo Thuý, thầy Nguyễn Hiến Lê, thầy Nguyễn Duy Cần, thầy Hoàng Tụy trước đây, giáo dục lúc nào cũng luôn tồn tại những bất cập so với mong cầu của xã hội cả. Vì vậy, những người làm giáo dục luôn cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn.

Xã hội ngày nay rất cần phải nỗ lực để đầu tư cho giáo dục và nhà giáo rất cần được quan tâm nhiều hơn.

Nhưng ngược lại, nhà giáo của chúng ta cũng cần nỗ lực nhiều hơn để làm giáo dục. Nhiều tấm gương nhà giáo vượt qua hoàn cảnh cá nhân, điều kiện sống để tập trung làm giáo dục.

Tiêu biểu như thầy Nguyễn Ngọc Ký [3], người thầy phi thường, bị liệt cả đôi tay nhưng thầy vẫn luyện đôi chân để làm giáo dục, thầy kiên trì học, dạy, viết sách và viết báo… với tinh thần lạc quan, làm tất cả vì mục tiêu giáo dục.

Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/06), hồi tưởng lại các bài viết của các nhà giáo trên các tờ báo từ trước đến nay, thầm biết ơn các nhà báo và nhà giáo làm báo.

Chính những bài báo ấy đã cho chúng ta thấy rõ vai trò kết nối văn hoá, khoa học và giáo dục qua các giai đoạn phát triển.

Dẫu biết rằng, để một xã hội phát triển phồn vinh, hạnh phúc rất cần những thứ thật nền tảng, nhưng để những thứ đó gắn kết chặt chẽ hơn, tập trung được sức mạnh của toàn xã hội thì vai trò của báo chí càng quan trọng hơn tất cả.

Do vậy, để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo ngay hôm nay, rất cần đội ngũ đông đảo những nhà báo và cả những nhà giáo cùng tham gia làm báo.

Dĩ nhiên là, mọi hoạt động xã hội khi có lực lượng trí thức cùng tham gia, nhiều góc nhìn được mở ra và cũng gây ra nhiều tranh luận. Nhưng nếu thiếu sự tham gia của lực lượng này, chẳng khác gì ô-tô chạy thiếu cả đèn và chân thắng. Và khi đó, có thể chạy thật là nhanh, nhưng khó mà về đúng đích và an toàn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://cand.com.vn/Chuyen-dong-van-hoa/hoc-gia-nguyen-hien-le-viet-bao-i657215/

[2] https://nld.com.vn/van-nghe/tu-lieu-bao-chi-doc-dao-tu-di-cao-cua-thu-giang-nguyen-duy-can-20220717185841525.htm

[3] https://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/nho-mai-mot-nguoi-thay-i672434/

Hướng Sáng