Đầu xuân Quý Mão, đôi điều tản mạn về nhà giáo viết báo

22/01/2023 06:45
Minh Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khoảng 5 năm làm cộng tác viên cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi cảm thấy rất vui khi được nhiều đồng nghiệp gọi là "nhà báo".

Kể từ bài viết đầu tiên được đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam), cho đến thời điểm này, tôi đã có thời gian cộng tác với Tạp chí khoảng 5 năm.

Một bài viết của đồng tác giả nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc. (Ảnh chụp màn hình)

Một bài viết của đồng tác giả nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc. (Ảnh chụp màn hình)

Tôi biết đến Tạp chí nhờ bài báo chia sẻ trên Facebook phản ánh về việc bạn học thời sinh viên của tôi bị hiệu trưởng một trường trung học cơ sở chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn (viên chức) vì dám chống tiêu cực (năm 2017).

Bên cạnh đó, Tạp chí đã đi đến tận cùng sự việc nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về những chiêu trò của lãnh đạo trong việc chèn ép giáo viên thấp cổ bé họng ở ngôi trường này.

Kể từ thời điểm ấy, hầu như sáng nào tôi cũng dành khoảng 30 phút đọc tin, bài trên mục Giáo dục 24 giờ của Tạp chí.

Tôi nhận ra những bài viết của giáo viên làm cộng tác vì nội dung mang tính thời sự, chân thật, và điều đáng quý là các tác giả không ngại đụng chạm, dám nói thẳng, nói thật để góp ý xây dựng môi trường giáo dục.

Trong khi đó, trên diễn đàn của nhiều tờ báo, nhiều vấn đề về giáo dục thường được nói xuôi chiều, ít phản biện khiến tôi chẳng mấy mặn mà quan tâm.

Tôi cũng rất thích những bài viết của các chuyên gia được đăng tải trên mục Góc nhìn. Nội dung nhiều bài viết mang tính chuyên sâu, phản biện sắc sảo... hợp với sở thích của tôi.

Tôi nhận thấy bản thân có khả năng viết bài cho chuyên mục Giáo dục 24 giờ vì tôi am hiểu giáo dục, có nhiều nguồn tin, không ngại va chạm và muốn góp thêm tiếng nói mang tính xây dựng cho ngành.

Tôi mạnh dạn gửi một số bài cho Tạp chí và được Ban Biên tập duyệt đăng. Khoảnh khắc ấy tôi không bao giờ quên.

Sau khi bài báo được đăng, tôi đối chiếu nội dung bản thảo với nội dung bài báo xuất bản từ tiêu đề, sapo, tít phụ cho đến nội dung xem biên tập viên chỉnh sửa ra sao để học hỏi thêm văn phong báo chí.

Tôi cũng thường xuyên vào mục bình luận xem bạn đọc góp ý, khen, chê thế nào để rút kinh nghiệm cho các bài viết lần sau.

Tôi rất hạnh phúc khi được Toà soạn có lời khen ngợi qua một số bài viết. Cùng với đó, tôi cũng được Ban Biên tập động viên, góp ý, gợi ý để khai thác một số tuyến bài sâu hơn.

Mặc dù làm cộng tác viên cho Tạp chí nhưng chưa bao giờ tôi xem việc viết báo là nghề tay trái bên cạnh nghề dạy học.

Tôi luôn trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ bằng cách đọc các bài viết trên Tạp chí, đọc mục giáo dục của các báo, tạp chí khác và mua những cuốn sách dạy kĩ năng làm báo giúp việc viết bài chuyên nghiệp hơn, hay hơn.

Và một điều tôi nhận ra là, muốn viết bài phản biện, góp ý về các văn bản quy phạm pháp luật, chế độ, chính sách dành cho giáo viên thì cần nắm rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước về giáo dục và phải hiểu luật.

Tôi dành 1,5 năm tham gia học lớp Trung cấp chính trị-Hành chính để bổ túc kiến thức chuyên môn, trong đó có nhiều chuyên đề liên quan đến các bộ luật.

Nhờ viết bài cho Tạp chí, tôi nắm vững các chế độ chính sách dành cho giáo viên, vì thế tiếng nói của tôi có trọng lượng hơn khi có các góp ý với lãnh đạo trường học và ngành giáo dục ở địa phương.

Nhiều đồng nghiệp nói rằng, tôi hiểu các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục còn hơn nhiều lãnh đạo, và khi có việc cần giúp đỡ họ thường tham vấn ý kiến tôi.

Nghề báo cũng giúp tôi "đứng thẳng lưng", thể hiện bản lĩnh trước lãnh đạo đơn vị và trong công việc. Nhiều đồng nghiệp ưu ái gọi tôi là "nhà báo" có lẽ cũng vì thế.

Tôi vốn thẳng tính nên nhiều bài viết tôi để tên thật, không cần dùng bút danh. Và một số rắc rối cũng bắt đầu nảy sinh từ đó.

Bạn bè làm nghề giáo khắp các tỉnh thành cho biết, họ rất thích đọc bài viết của tôi trên Tạp chí nhưng không dám share (chia sẻ) lên trang Facebook cá nhân vì... sợ hiệu trưởng dò ra mối quan hệ giữa tác giả bài báo và giáo viên trong trường.

Thậm chí, một số bạn bè thân từ thời phổ thông vẫn không tin tôi là viên chức ngành giáo dục (họ nghĩ tôi thỉnh giảng cho trường tư thục, dạy trung tâm) vì tôi viết bài phản biện không hề né tránh, không nói xuôi chiều.

Làm giáo viên và tham gia viết báo cũng khiến tôi gặp đôi chút rắc rối và ít nhiều có dè chừng từ lãnh đạo nơi tôi công tác và một số hiệu trưởng trường khác. Điều đó khiến tôi mừng chứ không hề có chút lo lắng hay bận tâm gì, vì ít ra họ còn biết sợ báo chí mỗi khi có ý định làm trái.

Thời gian làm cộng tác cho Tạp chí, tôi thấy mình đã góp tiếng nói rất có ích cho ngành giáo dục, chẳng hạn phản ánh "sạn" trong sách giáo khoa mới, phản biện chế độ chính sách giáo viên hay lên án lạm thu trong trường học...

Tôi tâm nguyện khi viết bài cho Tạp chí phải hạn chế tối đa việc lặp lại nội dung, cố gắng khai thác các tuyến bài mới, đóng góp những tiếng nói của người trong cuộc để giúp cán bộ quản lý giáo dục nắm rõ hơn tình hình ở cơ sở. Mỗi tiếng nói thực tiễn và thực tâm xây dựng của từng giáo viên ở các trường học sẽ giúp công cuộc đổi mới sớm mang lại thành quả thiết thực cho từng học sinh, giáo viên, học sinh.

Nhân dịp Tết Quý Mão 2023, tôi kính chúc đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam dồi dào sức khoẻ, đón một mùa xuân mới an lành, hạnh phúc.

Chúc Tạp chí tiếp tục sải dài và thành công hơn nữa trên con đường phía trước!

Minh Anh