Xin bắt đầu với cuốn Xin Được Nói Thẳng của thầy Hoàng Tụy, một con người lý tưởng cho khoa học và giáo dục Việt Nam.
Suốt cuộc đời lao động, với cuốn sách trên đây thu gom trong 30 năm góp ý cho cải cách giáo dục, trong đó có hẳn 1 chương về làm thế nào để có sách giáo khoa tốt, hay những vấn nạn trong nền giáo dục Việt Nam, để nay, hơn 92 tuổi khi qua đời, nền giáo dục Việt Nam vẫn nguyên các bệnh nan y chưa cứu chữa nổi!
Điều tôi đọc được trong phần về sách giáo khoa, hóa ra lại đúng với không chỉ tình huống của Hoàng Tụy, thế hệ ông bà chúng tôi, mà nó đúng ngay cho chính chúng tôi, thế hệ bị “thử nghiệm” trong giáo dục và công nghệ giáo dục, nhằm để ai đó hướng đến “giáo dục toàn cầu” cho Việt Nam chăng?
Cuốn Xin Được Nói Thẳng của Hoàng Tụy (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Những ưu tư về sách giáo khoa, quy trình chương trình – làm sách giáo khoa – mục tiêu và phương thức sử dụng, cách tính “tối ưu” cho giáo dục và giáo trình, tất cả đều “bó tay” trước những mưu tính “tối ưu” từ lợi ích nhóm và quyền lực chính trị, từ những tham vọng lớn của ai đó, sẵn sàng “bán” tương lai Việt Nam, giáo dục Việt Nam, dữ liệu học sinh, sinh viên Việt Nam và người dân Việt Nam cho hệ thống quyền lực và tiền bạc của nước ngoài, dưới khẩu hiệu “cải cách giáo dục”.
Tâm huyết của những con người như Hoàng Tụy, cách ông chia sẻ về thực tế “những kêu gọi, âm mưu thực hiện sách giáo khoa một cách không trung thực, tìm cách chia sẻ và trục lợi trên nhân dân”, hơn 20 năm qua, ai cũng hiểu, cũng biết.
Nhưng nay, bị kêu nhiều quá, sách giáo khoa được chia ra 5 -8 đầu mối, nhưng liệu căn nguyên của vấn nạn giáo dục, kể cả trong quá trình làm nhiều bộ sách giáo khoa đấy, điểm mặt lại, có ai đáng tin cậy để viết và đánh giá về chất lượng?
Hay cũng chỉ lại là một cách để ăn chia, trong đó lại nhân danh cải cách chương trình và giáo dục để làm “hỏng thêm” chương trình và sách giáo khoa.
Nếu nhìn kỹ lại bình luận của một chủ biên gần đây trong mấy chương trình cải cách giáo dục và biên soạn sách giáo khoa của Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, đáng buồn khi đọc nhận xét sau:
“Mặc dù sau hai chuyến sang Colombia, các đoàn khảo sát chỉ mang về được sách giáo khoa một số môn học lớp 2, nhưng dựa vào mẫu của mấy quyển sách lớp 2 ấy, dự án đã liên tục tổ chức biên soạn sách của đủ các lớp tiểu học, rồi lớp 6, lớp 7…để triển khai theo kiểu “cuốn chiếu”.
Không những thế, sau này tôi còn được mời thẩm định cuốn Phương pháp dạy học tiếng Việt – giáo trình cho các trường đại học sư phạm, viết theo kiểu VNEN.
Cuốn giáo trình này cũng có phần khởi động, có phân tích mẫu, rút ra kết luận, bài tập thực hành và bài tập ứng dụng, không khác gì mô hình sách lớp 2. Nghe nói nhiều môn khác cũng biên soạn những giáo trình tương tự.
Hà Tĩnh: Sách giáo khoa VNEN đã mua có trả lại được không? |
Khi thẩm định, tôi phải kêu trời, vì dạy đại học trên 40 năm tôi chưa từng thấy một giáo trình nào trên thế giới viết như vậy.
Nhưng hội đồng thẩm định không có căn cứ để bác cuốn giáo trình này vì nhóm tác giả đã thực hiện đúng hợp đồng viết sách mà họ ký với Dự án...
Về nội dung dạy học, Dự án VNEN dựa vào chương trình và sách giáo khoa hiện hành...
Điều đáng buồn hơn nữa là sách VNEN Tiếng Việt - Ngữ văn tuy rất ít điều chỉnh nội dung sách giáo khoa hiện hành, nhưng hễ cứ điều chỉnh là không đúng". [1]
Cá nhân tôi, sau khi đọc kỹ những cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt - Ngữ Văn từ cấp 1 đến cấp 3 được gọi là “sách mới”, tôi không thấy khác gì với 30 năm trước đây cả.
Đặc biệt là những gì liên quan đến phương pháp dạy và học, theo như quảng bá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, “giáo dục thời đại 4.0!”.
Nelson Mandela có câu nói: “Điều dễ nhất để có thể hủy diệt một dân tộc, ấy chính là làm cho dân tộc đó dốt nát đi, bằng cách dối trá trong thi cử hoặc hạ thấp chất lượng giáo dục xuống”.
Tiếc thay, ở Việt Nam chúng ta dường như lại đang có cả hai và bế tắc trong những “cải cách, đổi mới”, mà được ai đó vẽ ra, thiết kế và mưu lợi trong suốt bao năm cho ai đó, nhưng nhất định không phải là người học.
Những chia sẻ của Hoàng Tụy trong Xin Được Nói Thẳng, có nhiều điều mà có lẽ ông trình bày thuần túy dưới góc độ trung thực và đạo đức của một nhà khoa học, nhưng đó cũng là lý do tại sao những đóng góp của ông bị bỏ qua vì chẳng có lợi ích tiền bạc hay quyền lực cho ai đó hoặc giả lại là lý do để ai đó “sử dụng” như một ý kiến khách quan để làm những mưu tính lớn hơn nhiều.
Hãy lấy ví dụ về bài ông viết cho “Việt Nam cần một đại học đẳng cấp quốc tế”.
Cho đến nay, chúng ta có 2 đại học quốc gia và tốn không biết bao nhiêu tiền đầu tư trong suốt chiều dài của lịch sử đất nước, ghép vào rồi lại tách ra, tách ra rồi lại hợp nhất và đến nay, với nhiều tiền ngân sách đổ vào, họ được xếp hạng Top 1000 [2], trong khi mục tiêu ban đầu là Top 200. [3]
Điều quan trọng hơn của xếp hạng quốc tế, là đẳng cấp chất lượng quốc tế, liệu dù Top 1000 đấy có thực sự đẳng cấp chưa? Dù chỉ ở khu vực này thôi?
Chứng minh điều gì với những đẳng cấp khu vực và quốc tế, khi chúng ta, lẽ ra theo những gì tối ưu, là dựa vào xếp hạng và những chuẩn mực của nó để im lặng mà học, mà nghiên cứu, mà thực hiện những gì là cần thiết cho nền tảng giáo dục đại học hiệu quả cho nhân lực cấp, thì nay chỉ chăm chăm vào xếp hạng, mà thú thật, tôi không tin mấy vào hiệu quả của xếp hạng quốc tế với chất lượng đẳng cấp quốc tế, nhất là cứ nhìn vào mấy trường đại học quốc tế nằm trong đại học quốc gia đó thì đủ hiểu.
Hơn thế nữa, chỉ một phản ánh thực tế về chất lượng dạy và học đẳng cấp ra sao, thì nhìn vào thư viện và cách thức quản trị thư viện và phương thức giáo viên, sinh viên sử dụng thư viện, có lẽ tôi cũng có thể hiểu tại sao chúng ta chỉ thích “hình thức”.
Dự án VNEN ươm mầm những điều giả dối? |
Còn nói về chương trình “tiên tiến” thí điểm trong giảng dạy và học bằng tiếng Anh tại một số đại học điển hình, thì theo như giám đốc quản lý chất lượng đại học quốc gia Hà Nội nhận xét rằng: “Như một bước đệm cho vài sinh viên khá đi học nước ngoài.
Chất lượng dạy và học của chúng ta vẫn chưa được đảm bảo và ngay chính đối tác của chương trình cũng không công nhận chất lượng chúng ta giảng dạy”. [4]
Chưa hết, để thỏa mãn thói “hình thức”, chúng ta liên kết với đủ loại giáo dục đại học quốc tế, Việt – Đức, Việt – Nhật, Việt – Pháp, Fulbright, Việt – Anh…với nhiều tiền ký nợ.
Nhưng như RMIT vào Việt Nam chả cần xếp hạng gì, chỉ trong chưa đầy 7 năm, họ trả đủ vay và lãi ròng trong gần 20 năm hoạt động tại Việt Nam, nhưng cả 5 đại học quốc tế trên đây của chúng ta thì không thấy tác dụng hữu hiệu gì đối với chất lượng khoa học quốc tế và ảnh hưởng “lan tỏa” như những chất xúc tác giúp cho Việt Nam “dạy và học” theo chất lượng quốc tế, dù đối tác quốc tế.
Hình thức lại gặp hình thức, tiền mất, tật mang và có lẽ giải quyết vấn đề “quan hệ đối ngoại quốc gia” nhiều hơn là giá trị thực sự với học thuật.
Tất cả các đại học quốc tế đó, cuối cùng, hóa ra nằm vùng chờ ở Việt Nam gần 10 năm hơn, thậm chí như Fulbright Việt Nam là hơn 20 năm có lẻ, để đến một thời khắc lịch sử mà khi tôi ở Boston vào tháng 1/2019 được nghe là người Việt được dùng như một hạt nhân được số hóa để “kết nối toàn cầu”.
Những đối tác đại học quốc tế, các quốc gia và những chiến lược đại học quốc tế, hóa ra phải chờ “đúng thời điểm”, nhưng không phải vì giáo dục, mà vì toàn cầu hóa kinh tế thương mại, vì theo thỏa thuận, các quốc gia sẽ được thực hiện kinh doanh giáo dục ở tất cả các cấp, dưới mọi hình thức (nhất là qua internet), tự do thương mại, bao gồm trong giáo dục, xuyên quốc gia với thuế bằng 0. [5]
Một nền giáo dục căn bản, phù hợp với con người Việt bị “xóa bỏ” trong 30 năm qua, do bởi quan điểm đã lạc hậu, không phù hợp với “mở cửa”, (mở nhưng nhiều sạn quá), dẫn đến hỏng cả con người và xã hội, nuôi béo một hệ thống những kẻ lạm dụng cải cách kinh tế để ăn chia tài nguyên của đất nước, trong đó làm lụn bại nền tảng về con người.
Hệ lụy là, dù được “bơm” là hổ châu Á, nhưng toàn bộ giáo dục cơ bản của Việt Nam vẫn vướng như gà mắc tóc, giáo dục đại học/nghề nghiệp vẫn không đủ để tạo ra con người có năng suất lao động và kỷ luật đáp ứng quốc tế nào cả nhưng giờ này, chúng ta dựa vào 5G và hát vang bài “công dân toàn cầu”, số hóa toàn cầu.
Chả có gì có vẻ sai trong những kế hoạch và công việc giúp cho người Việt học tốt hơn, làm việc tử tế hơn và có đời sống tốt đẹp hơn.
Nhưng tất cả những nguồn lực lớn nhất của đất nước, bao gồm cả khoản nợ lớn từ nước ngoài cho Việt Nam về giáo dục [6], đều được thực hiện những chương trình như kiểu VNEN trên đây, liệu có gì đau khổ hơn cho một người như Hoàng Tụy? Dù đã phải “Xin được nói thẳng” hơn 30 năm qua?
Gốc của giáo dục có giải quyết được không?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/VNEN--Rang-hay-cung-lam-dieu-hay-post170139.gd
[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/viet-nam-tiep-tuc-co-2-dai-hoc-lot-top-1000-the-gioi-post199566.gd
[3] http://www.sggp.org.vn/dai-hoc-viet-nam-vao-top-200-the-gioi-nam-2020-ke-hoach-bat-kha-thi-504951.html
[4] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/nhieu-chuong-trinh-tien-tien-tu-vet-sang-tro-thanh-dom-dom-349668.html
[5] https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/nhung-noi-dung-co-ban-cac-cam-ket-gia-nhap-wto-cua-viet-nam-170890.htm
[6] https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/viet-nam-chi-58-gdp-cho-giao-duc-20190122195243783.htm; https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chi-ngan-sach-cho-giao-duc-la-248118-ty-dong-20180930163940791.htm; https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hang-ti-do-la-my-di-vay-dau-tu-cho-giao-duc-the-nao-hieu-qua-ra-sao-post180936.gd
Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn của riêng tác giả.