Đổi mới hay chấn hưng giáo dục (2)

30/07/2018 07:28
Xuân Dương
(GDVN) - Muốn chấn hưng giáo dục thì giáo dục phải thu về một mối, do một cơ quan duy nhất quản lý và vị tư lệnh ngành phải có “quyền hành” và “lực lượng”.

(Tiếp theo kỳ 1)

4. Quan điểm chỉ đạo

Sinh thời, Hồ Chủ tịch dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục, quan điểm rõ ràng, nhìn xa trông rộng của Người đúc kết trong câu:

Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”.

Trước lúc đi xa, người không quên căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".

Muốn có những con người xã hội chủ nghĩa, muốn bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau thì phải có đội ngũ nhà giáo giỏi chuyên môn và tận tâm với nghề, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục am hiểu pháp luật, đủ tâm và đủ tầm.

Muốn chấn hưng giáo dục thì giáo dục phải thu về một mối. Ảnh minh hoạ: Chinhphu.vn
Muốn chấn hưng giáo dục thì giáo dục phải thu về một mối. Ảnh minh hoạ: Chinhphu.vn

Thực tế cho thấy trong nhiều thập niên, Nhà nước chưa dành sự quan tâm đúng mực tới công tác đào tạo nhà giáo từ bậc mầm non, phổ thông đến bậc đại học và sau đại học.

Công tác nhân sự có quá nhiều bất cập thể hiện qua hàng loạt sự kiện “Cả họ làm quan”, “Con ông cháu cha”, “Mua quan bán chức”,… và nhân sự trong ngành Giáo dục cũng không phải là ngoại lệ.

Vậy có nên đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu % con ông cháu cha trong ngành Giáo dục?”.  

Thói giả dối trong một bộ phận gọi là trí thức, trong đội ngũ khá đông đảo cán bộ, công chức phát triển mạnh và đã lây lan sang cả lớp học sinh, sinh viên?

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục (2) ảnh 2Giáo dục, những bất thường và … bình thường!

Một nghiên cứu được công bố năm 2008 cho thấy tỷ lệ nói dối tăng theo độ tuổi, học sinh ở cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50% và cấp 3 là 64% và sinh viên đại học là 80%. [3]

Nếu số liệu nghiên cứu trên là chính xác thì càng học hành lên cao người ta càng nói dối nhiều hơn.

Phải chăng vì thế, nạn “đạo văn”, “lò tiến sĩ”,… thường xuất hiện ở những nơi được xem là đầu đàn về văn hóa, giáo dục như Học Viện, Đại học đầu ngành,…? 

Báo Laodong.vn ngày 28/9/2017 dẫn ý kiến Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Phó ban thứ nhất Ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, chỉ kiểm tra trong một năm (2002) đã phát hiện 10.000 trường hợp sử dụng bằng giả.

Bài báo kết luận: “Nạn gian dối chính là một thứ bệnh hoạn của xã hội, do chính những người có chức, có quyền lực tạo ra”. [4] 

Dù đã được báo động từ năm 2002, được nhắc lại vào năm 2008 song hình như vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào dành riêng cho việc trừng phạt nạn dùng bằng giả và đạo văn trong cán bộ, công chức.  

Nạn "đạo văn", "lò tiến sĩ" lại xuất hiện ở những nơi được xem là đầu đàn về văn hóa, giáo dục. Ảnh minh hoạ: Tienphong.vn
Nạn "đạo văn", "lò tiến sĩ" lại xuất hiện ở những nơi được xem là đầu đàn về văn hóa, giáo dục. Ảnh minh hoạ: Tienphong.vn

Thiếu một chế tài nghiêm khắc, không quyết tâm tiêu diệt nạn bằng giả cũng đồng nghĩa với việc dung túng cho sự dối trá và những gì xảy ra ở ở Hà Giang, Sơn La chỉ là hậu quả đã được báo trước cho cách chỉ đạo, quản lý hiện tại. 

“Dối trá”, “đạo văn”, “bệnh thành tích” là “ba mũi giáp công” vào lòng lòng trung thực và vì vậy thất bại của giáo dục là khó tránh khỏi.

5. “Hoa thơm mỗi người hưởng một tí”

“Xé lẻ Giáo dục” thành các mảnh ruộng phần trăm chia cho các bộ - ngành, tỉnh - thành phố, đoàn thể quần chúng quản lý không phải là chủ trương do ngành Giáo dục đề xuất.

Địa phương quản lý tiền và con người (giáo viên), Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chương trình, sách giáo khoa và một số cơ sở giáo dục bậc đại học.

Đây chỉ là “chia để quản lý” hay ẩn chứa phía sau là quyền chi nguồn ngân sách khá lớn dành cho Giáo dục?

Với cán bộ quản lý giáo dục địa phương phạm pháp như vụ Sơn La, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có thể đề nghị địa phương xử lý, Bộ làm gì có quyền “đưa ra khỏi ngành” những người đó như ý kiến được công bố gần đây! 

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục (2) ảnh 4Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại

Sau thời kỳ chia ruộng cho nông dân nay đến thời kỳ “cánh đồng mẫu lớn”, thời kỳ tích tụ ruộng đất, vậy Giáo dục còn chia năm xẻ bảy đến bao giờ?

Nếu không sớm thống nhất bộ máy quản lý, đừng nói đến chấn hưng giáo dục.

Thứ hai, bộ máy quản lý

Giáo dục không chỉ manh mún ở tầm vĩ mô, số liệu thống kê tại các địa phương càng cho thấy rõ hơn sự manh mún này.

Tính đến đầu năm 2018, Việt Nam có 11.162 đơn vị hành chính cấp xã, 713 đơn vị hành chính cấp huyện [5] cùng thời kỳ này cả nước có 15.052 trường tiểu học; 10.155 trường trung học cơ sở;

Tính bình quân mỗi xã/phường có 2,25 trường nghĩa là có hai Ban Giám hiệu, hai đội ngũ nhân viên phục vụ trong khi bình quân học sinh mỗi trường (cả tiểu học và trung học cơ sở) chỉ là 518 người. [6]

Theo Baochinhphu.vn cả nước hiện có 6.191/11.162 xã không đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, dân số, phải chăng số trường bị chia nhỏ kéo theo lực lượng quản lý, phục vụ cồng kềnh là do phụ thuộc vào địa bàn hành chính?

Ở cấp cao hơn, năng lực quản lý của lãnh đạo đang đặt ra nhiều câu hỏi.

Có thể lấy ví dụ qua không ít văn bản Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhưng bị dư luận phê phán hoặc kiến thức pháp luật yếu của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo qua vụ việc liên quan đến công tác tuyển sinh lớp 10 các trường ngoài công lập Hà Nội hè năm 2018.

Giáo dục là quá trình diễn ra thường xuyên, liên tục, chính sách giáo dục phải nhất quán trong một khoảng thời gian đủ dài (nhưng không quá dài).

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục (2) ảnh 5Quốc sách và sự nhẫn nhịn của Giáo dục

Nếu vị Bộ trưởng mới nhậm chức lại phản bác ngay quan điểm của người tiền nhiệm thì giáo dục sẽ chỉ mang tính nhiệm kỳ.

Liệu điều này thể hiện tư duy đổi mới hay đang “phá nát quy hoạch giáo dục” - như cách nói của lãnh đạo Hà Nội về quy hoạch thủ đô.

Một số trường hợp lãnh đạo bộ được điều động thẳng từ đại học lên làm Thứ trưởng, Bộ trưởng có phải là cách làm hợp lý?

Phải chăng ai cũng có thể làm Bộ trưởng miễn là được đề cử và được phê duyệt?

Liệu các giáo sư, tiến sĩ Việt Nam có tài năng toàn diện đến mức lãnh đạo bộ nào cũng làm được, kiểu gì cũng làm tốt?

Trong khi xã hội dị nghị về trình độ của đa số người tốt nghiệp chuyên tu, tại chức thì những người vừa làm việc vừa học lấy bằng “Quản lý hành chính nhà nước”, “Lý luận chính trị cao cấp” có phải là hệ “chính quy” hay cũng chỉ là tại chức?

Nhìn ra thế giới, một trong những trường được liệt vào hàng “thanh thế” nhất nước Pháp là Trường Quốc gia Hành chính Pháp.

Mỗi năm trường này chỉ đào tạo khoảng 80-90 sinh viên và hầu hết số sinh viên này đều tốt nghiệp xuất sắc tại các trường đại học ưu tú nhất nước Pháp.

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục (2) ảnh 6Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ

Tại Việt Nam, chỉ công chức có ý định hướng đến một vị trí cụ thể nào đó trong bộ máy công quyền mới theo học các chương trình Quản lý hành chính nhà nước và Lý luận chính trị và thực tế là không ít cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện cầm trong tay tấm bằng cử nhân tại chức chứ không phải là sinh viên ưu tú nhất của các đại học tiếng tăm nhất! 

Thực tế trên với ngành Giáo dục có thể chỉ đúng một nửa, nghĩa là các văn bằng chuyên môn là chính quy còn văn bằng khác thì vừa làm việc vừa học.

Vấn đề là thực ra, ai chính thức là tư lệnh ngành Giáo dục?

Trong loạt bài “Giáo dục - đến lúc phải nói cho ra nhẽ”; “Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại”; “Giáo dục - vấn đề không nằm ở Hà Giang” người viết đã phân tích khá nhiều câu hỏi này.

Quyền lực - như Hồ Chủ tịch diễn giải: “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” - bao gồm “quyền hành” và “lực lượng”.

Một vị tư lệnh ngành phải có đủ “quyền hành” và “lực lượng” mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bộ máy quản lý giáo dục hiện nay đứng đầu là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ được trao một nửa, tức là “quyền” ban hành văn bản quy phạm pháp luật, còn “lực” tức là tiền và người do địa phương nắm giữ.

Xảy ra vụ việc ở Hà Giang, Sơn La thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ có thể “đề nghị các địa phương kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ sai phạm” chứ không thể làm gì hơn!

Nếu vụ việc xảy ra trong hệ thống trường đào tạo nghề, cao đẳng nghề thì cơ quan giải quyết là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chứ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Muốn chấn hưng giáo dục thì giáo dục không thể chia năm xẻ bảy, giáo dục phải thu về một mối, do một cơ quan duy nhất quản lý và vị tư lệnh ngành phải có “quyền hành” và “lực lượng”.

Thứ ba, cơ sở pháp luật

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục (2) ảnh 7Giáo dục - “bú tí” mãi bao giờ mới lớn?

Nền giáo dục Việt Nam hiện được điều chỉnh bởi ba bộ luật là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp, ngoài ra còn bị điều chỉnh bởi khá nhiều văn bản dưới luật do các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành.

Luật Giáo dục 2005 có 120 điều, Luật Giáo dục đại học (2012) có 73 điều; Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014) có 79 điều, tổng cộng là 272 điều.

Việc áp dụng các Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp luôn phải tham chiếu Luật Giáo dục trong khi việc sửa đổi, bổ sung các luật này lại không cùng thời điểm, dẫn tới khó khăn khi áp dụng.

Phải chăng vì nền giáo dục manh mún nên luật cũng phải chia nhỏ cho phù hợp?

Thống nhất quản lý toàn bộ nền giáo dục nước nhà trong một bộ và gộp cả ba bộ luật làm một mang lại lợi ích hay khó khăn cho người điều hành?

(còn nữa)

Xuân Dương