Ukraine đang đối mặt với mối đe dọa ly khai lần thứ hai sau khi những người biểu tình ủng hộ Nga đã chiếm tòa nhà chính phủ tại thành phố Donetsk và tuyên bố độc lập khỏi Kiev, chuẩn bị trưng cầu dân ý gia nhập Nga.
Người biểu tình Donetsk chiếm trụ sở chính quyền thành phố. |
Những người biểu tình đã tuyên bố thành lập "cộng hòa nhân dân" Donetsk hôm 7/4 và kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi "quân đội gìn giữ hòa bình" đến hỗ trợ họ.
Những người biểu tình tại Donetsk đang lên kế hoạch tuyên bố độc lập hay ly khai khỏi Ukraine trước khi gia nhập Liên bang Nga, tương tự như sự kiện Crimea.
Trong khi đó, Ukraine cáo buộc Nga kích động tình trạng bất ổn tại quốc gia này và Nhà Trắng cũng đã yêu cầu Moscow ngừng "làm mất ổn định tại Ukraine" và đe dọa trừng phạt.
Quyền tổng thống của Ukraine Oleksandr Turchynov cáo buộc lực lượng đặc biệt Nga đứng đằng sau các cuộc nổi dậy và đang lặp lại kịch bản Crimea tại nước này. Ông đã lệnh tăng cường lực lượng an ninh tới khu vực biên giới phía đông đang rộ phong trào biểu tình đòi ly khai.
"Những hành động này có nghĩa là để làm mất ổn định đất nước, lật đổ chính phủ Ukraine, tấn công các cuộc bầu cử và xé nước ta thành từng mảnh," Turchynov cho biết trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia.
Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ những cáo buộc trên và gọi là rắc rối mới nhất của Ukraine là một dấu hiệu của sự thiếu khả năng và sự không chính danh của các nhà lãnh đạo Kiev được phương Tây hậu thuẫn.
Lãnh đạo biểu tình chống chính phủ tại Donetsk tuyên bố thành lập nhà nước độc lập. |
Bộ Ngoại giao Nga đã đáp trả bằng một tuyên bố yêu cầu Kiev "dừng chỉ tay vào Nga, đổ lỗi cho Moscow về tất cả các vấn đề tại Ukraine hiện nay".
Nhưng Nhà Trắng đặt trách nhiệm này trở lại Moscow bằng cách mô tả những diễn biến mới nhất "là kết quả của sự tăng áp lực của Nga đối với Ukraine."
"Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Putin và chính phủ của ông chấm dứt những nỗ lực để gây bất ổn cho Ukraine," phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi người đồng cấp Nga thảo luận về việc tổ chức các cuộc đàm phán giữa Mỹ, Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu.
Ông Kerry đã đàm thoại với Ngoại trưởng Lavrov. Tuy nhiên, "Nga đã công khai chối bỏ đứng sau các hoạt động ly khai, phá hoại và khiêu khích" ở Ukraine, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong tuyên bố sau đó.
Trụ sở chính quyền Donetsk hôm 7/4 vẫn bị bao vây bởi 2000 người biểu tình, một số trong đó có mang theo vũ khí. Họ cũng đã chiếm trụ sở lực lượng an ninh khu vực một thời gian ngắn trong đêm qua.
Chính phủ Kiev xem vụ chiếm giữ tòa nhà chính phủ tại Donetsk, Luhansk, Kharkiv là sự tái diễn các sự kiện ở Crimea.
Nguyễn Hường