Tin tức Bành Bái ngày 19/5 đăng bài bình luận của học giả Tiêu Hà - Trợ lý nghiên cứu Viện Nghiên cứu Kinh tế chính trị thế giới thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc nhận định về chính sách đối ngoại của Việt Nam với tít bài: "Việt Nam bận rộn với ngoại giao nước lớn: Tranh thủ cột chặt quan hệ với Nga, lôi kéo Mỹ - Nhật tiếp tục can thiệp vào Biển Đông".
Tiêu Hà liệt kê một số hoạt động đối ngoại bình thường của các nhà lãnh đạo Việt Nam sau Đại hội 12 để chứng minh cho nhận định của mình về chính sách đối ngoại của Việt Nam với các nước lớn, bao gồm chuyến thăm Nga từ 16/5 đến 20/5 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chuyến thăm Việt Nam từ 23 đến 25/5 của Tổng thống Mỹ Barack Obama, sau đó là chuyến thăm Nhật Bản từ 26 đến 27/5 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tìm hiểu nhận định, đánh giá nghiêm túc của giới nghiên cứu Trung Quốc về Việt Nam nói chung, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông nói riêng thiết nghĩ là một việc cần thiết và quan trọng.
Học giả Trung Quốc Tiêu Hà, ảnh: hk.crntt.com. |
Trên tinh thần đó, chúng tôi xin giới thiệu nội dung bài bình luận của học giả Tiêu Hà, ngõ hầu rộng đường dư luận để thêm một kênh tìm hiểu cách thức ứng xử trong quan hệ quốc tế, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Nội dung dưới đây thể hiện góc nhìn của cá nhân học giả Tiêu Hà - Trung Quốc.
Phát triển kinh tế và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông là 2 trục đối ngoại chủ yếu của Việt Nam
Những động thái ngoại giao dồn dập hiện nay cho thấy có thể đây là bố cục chính sách đối ngoại mới của Việt Nam, vừa tìm cách đáp ứng một số mục tiêu yêu cầu đối ngoại thực chất, vừa đặt nền móng cho chính sách đối ngoại cơ bản trong tương lai.
Xét về tổng thể, các hoạt động đối ngoại của Việt Nam gần đây chủ yếu nhắm tới hai mục đích: Một là tranh thủ thu hút đầu tư quốc tế và mở rộng thị trường nhiều hơn nữa để phát triển kinh tế, hai là quốc tế hóa vấn đề Biển Đông đến mức tối đa có thể.
Việt Nam muốn tranh thủ ủng hộ của Nga ở Biển Đông, đảm bảo Mỹ tiếp tục can thiệp vào Biển Đông, đồng thời cổ vũ Nhật Bản thường xuyên can thiệp vào Biển Đông.
Để bổ trợ cho chính sách này, Việt Nam còn đang nỗ lực đảm bảo thống nhất lập trường ASEAN trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là hối thúc các nước thân Trung Quốc trong ASEAN như Lào, Campuchia không tiếp tục công khai bảo vệ lập trường của Trung Quốc trong các diễn đàn của ASEAN.
Đứng trên phương diện của Việt Nam, vài năm qua bất luận là về phát triển kinh tế, cải cách thể chế hay mặt trận ngoại giao, thì Việt Nam đều giành được những thành quả không tệ.
Riêng mặt ngoại giao, Việt Nam đã không ngừng tăng cường hợp tác kinh tế - chính trị với các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Nga, trở thành thành viên của TPP. Những thành tựu này sẽ khuyến khích Việt Nam tiếp tục củng cố các chính sách và thành quả ngoại giao đã có.
Trong tương lai gần, điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ một mặt ngăn ngừa nước khác có chính sách bất lợi cho Việt Nam ở Biển Đông, mặt khác tiếp tục thúc đẩy dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Nói cách khác, phương thức hoạt động chủ yếu của ngoại giao Việt Nam là tiếp tục đẩy mạnh quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Việt Nam không dựa vào Nga trong vấn đề Biển Đông
Việt Nam có quỹ đạo của riêng mình |
Quan hệ Việt - Nga có truyền thống hữu nghị lâu đời, nền tảng vững chắc từ thời Liên Xô. Trong Chiến tranh Việt Nam, Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều. Ngày nay cho dù Liên Xô không còn tồn tại, nhưng tình hữu nghị ấy vẫn được tiếp tục trong quan hệ giữa Việt Nam với Liên bang Nga.
Mặt khác do hai nước ở xa nhau, nên giữa Việt Nam và Nga không có những ân oán và tranh chấp phức tạp do lịch sử hay do yếu tố địa chính trị để lại như Trung Quốc với Nga hay Trung Quốc với Việt Nam. Moscow và Hà Nội cũng không có xung đột lợi ích trực tiếp, đó là nền tảng để duy trì và phát triển quan hệ Việt - Nga.
Kết quả thăm dò của trung tâm Pew cho thấy, dù Nga đang sa lầy trong khủng hoảng Ukraine, nhưng vẫn có 75% số người Việt Nam được hỏi có thiện cảm với Nga. Hợp tác Việt - Nga trong lĩnh vực quân sự quốc phòng và năng lượng phát triển một cách khá ổn định và bền vững.
Đáng lý ra, Nga nên duy trì lập trường trung lập, không nghiêng về bên nào trong vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên trong họp báo chung giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 29/4 tại Bắc Kinh, Nga lại phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, một cử chỉ được dư luận xem như ngầm ủng hộ lập trường của Trung Quốc.
Sự kiện này đã có ảnh hưởng nhất định đối với Việt Nam. Sau sự kiện này, về cơ bản Việt Nam vẫn tiếp tục chính sách phát triển quan hệ hợp tác chiến lược mật thiết với Nga và củng cố ràng buộc lợi ích giữa hai bên mà không để phát biểu của ông Lavrov ảnh hưởng đến quan hệ tổng thể giữa hai nước.
Tuy nhiên phát biểu của ông Lavrov cũng sẽ khiến Việt Nam nhận ra rằng, riêng trong vấn đề Biển Đông mà tiếp tục kỳ vọng, trông chờ vào sự ủng hộ của Nga là điều không thực tế. Do đó, cùng với việc thắt chặt quan hệ hợp tác song phương Nga - Việt, Việt Nam cần tìm kiếm sự đảm bảo từ các nước lớn khác trong vấn đề Biển Đông như Hoa Kỳ hay Nhật Bản.
3 trụ cột trong chiến lược quốc tế hóa Biển Đông
Việt Nam có thể khai thác được gì từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ? |
Chiến lược của Việt Nam quốc tế hóa vấn đề Biển Đông có 3 trụ cột chính. Thứ nhất là đảm bảo sự ổn định trong can thiệp của Hoa Kỳ vào Biển Đông; Thứ hai là tăng cường mức độ can thiệp của Nhật Bản; Thứ ba là đảm bảo lập trường thống nhất của ASEAN, đặc biệt là 3 nước Đông Dương trong vấn đề Biển Đông.
Trong 3 trụ cột của chiến lược này quan hệ Việt - Mỹ là quan trọng nhất. Đầu tiên Việt Nam hy vọng Mỹ sẽ không vì thay đổi Tổng thống sau bầu cử mà thay đổi chính sách đối với Việt Nam hay lập trường về Biển Đông.
Chuyến thăm Việt Nam tuần tới của Tổng thống Obama rõ ràng là để khẳng định cam kết của Mỹ trong chính sách xoay trục, cũng như thành quả quan hệ Việt - Mỹ trong 8 năm cầm quyền của ông Obama.
Tiếp đến Việt Nam hy vọng, trong vài tháng cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ của ông Obama có thể triệt để bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ thông qua việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, mặc dù Nhà Trắng cũng muốn làm điều này để thanh toán nốt những di sản mặt trái trong quan hệ Việt - Mỹ, nhưng sẽ không lập tức tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm mà sử dụng nó để thúc đẩy Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế, nhân quyền.
Đồng thời Nhà Trắng có khả năng sẽ linh hoạt thẩm định từng dự án bán vũ khí cho Việt Nam một cách phù hợp, trên thực tế động thái này đã đủ đáp ứng yêu cầu hợp tác quân sự song phương.
Về lâu dài, quan hệ Việt - Mỹ sẽ không chỉ phát triển hợp tác kinh tế hay an ninh toàn diện, mà ngay cả về lợi ích chiến lược và hình thái ý thức, hai nước cũng ngày càng xích lại gần nhau. Điều đó cho thấy trong quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, Việt Nam ngày càng coi trọng Mỹ.
Nhật Bản vẫn là bạn bè đối tác ổn định
Ngoài Mỹ ra thì Nhật Bản cũng đang dần trở thành đối tác chống lưng mới cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là kể từ khi Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe thông qua Luân An ninh mới. Nhật Bản bắt đầu cung cấp các trang bị, khí tài quân sự cho Việt Nam và tham gia vào các hoạt động quân sự chung.
Truyền thông Trung Quốc bình luận việc Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam |
Tính đến quan hệ Trung - Nhật ngày càng xấu đi do tranh chấp chủ quyền ở Hoa Đông, đứng trên cương vị của Việt Nam có thể thấy rằng vai trò và ảnh hưởng của Nhật Bản ở Biển Đông có xu hướng ngày càng kiên quyết hơn Hoa Kỳ. Nhật Bản là một đối tác và bạn bè ổn định.
Quan hệ Việt - Nhật gần đây cũng ngày một tốt đẹp. Tháng 4 năm nay Việt Nam cho phép 2 tàu hải quân Nhật Bản cập cảng Cam Ranh, trong tháng 5 Việt Nam công khai cổ vũ Nhật Bản tham gia vào Biển Đông. Ngược lại, Nhật Bản cũng mời Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh G-7, cho dù Trung Quốc tiếp tục phản đối quốc tế hóa Biển Đông.
Ngoài Việt Nam, Nhật Bản còn mời Indonesia, Lào, Srilanka, Bangladesh tham gia hội nghị thượng đỉnh G-7, trong khi những nước này được cho là ủng hộ Trung Quốc. Cạnh tranh Trung - Nhật trong khu vực Đông Nam Á đang ngày càng rõ rệt.
Đồng thời Nhật Bản còn là nhà đầu tư lớn và bền vững của Việt Nam, quan hệ Việt - Nhật trong tương lai tiếp tục phát triển toàn diện là điều có thể trông thấy và một trong những thành quả có thể dự đoán, đó là nó sẽ cổ vũ Việt Nam tiếp tục quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc vẫn giữ thế chủ động
Xét về tổng thể do sự đặc thù của bối cảnh quốc tế hiện nay, chính sách quốc tế hóa Biển Đông được Việt Nam xác định là phương hướng chủ yếu của hoạt động đối ngoại đã giành được không ít thành quả từ phía Nhật Bản và Hoa Kỳ, đồng thời cũng không cản trở gì đến quan hệ Việt - Nga.
Chính vì những hiệu quả thực tế ấy, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục kiên trì quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Còn đối với Trung Quốc mà nói, sở dĩ Việt Nam có thể tả xung hữu đột trong các hoạt động đối ngoại với các nước lớn hay các nước láng giềng trong khu vực, không phải là vì Việt Nam có thực lực hùng mạnh hay chính sách thâm diệu.
Ngược lại, chẳng qua là Việt Nam biết tận dụng xu thế, cục diện và bầu không khí chính trị quốc tế hiện nay. Do đó về thực chất trên Biển Đông thì Trung Quốc vẫn đang chiếm thế chủ động chứ không phải Việt Nam.
Nhận thức được điều này, Trung Quốc sẽ tìm ra đối sách "ứng phó" phù hợp với chiến lược quốc tế hóa vấn đề Biển Đông mà Việt Nam đang theo đuổi, Tiêu Hà kết luận.