Dự án KidSkills lọt top 100 sáng kiến đổi mới giáo dục toàn cầu có gì đặc biệt?

12/11/2021 06:30
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không chỉ khó khăn về nguồn tài chính để trang trải hoạt động, suốt thời gian thực hiện dự án KidSkills cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh.

Thực hiện dự án trong thời gian dịch bệnh Covid-19 căng thẳng

Mới đây, dự án hỗ trợ giáo viên mầm non dạy kỹ năng sống (KidSkills) của Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương đã xuất sắc trở thành đại diện Việt Nam duy nhất lọt top 100 Sáng kiến đổi mới giáo dục toàn cầu 2022, do Tổ chức phát triển giáo dục quốc tế HundrED vinh danh.

Trưởng nhóm dự án này là cô Nguyễn Thị Phương, giảng viên khoa Công nghệ Thông tin - Giáo dục nghề nghiệp, Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương, cho biết: “Ban đầu KidSkills chỉ là dự án nhỏ mà cô trò cùng làm để học tập, sau đó tôi đã phát triển tiếp dự án và được lọt vào top 50 quốc gia “Diễn đàn đổi mới giáo dục sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” do Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp cùng Mocrosoft tổ chức.

Đến tháng 11/2020 được nhà trường và các anh chị bạn bè giúp sức, tôi và nhóm đã đưa dự án đến với quốc tế. Khi được công bố vào vòng shortlisted (danh sách rút gọn - PV) chúng tôi đã vui lắm rồi. Đến khi biết dự án lọt vào top 100 sáng kiến đổi mới toàn cầu thì niềm vui này như nhân lên gấp bội vì nó là thành tích phấn đấu của toàn đội.

Thật ra, trước khi chính thức bắt đầu tham gia vào thực hiện dự án thì trước đó, các giáo viên cũng đã có nhiều hoạt động liên quan để nghiên cứu về nội dung chương trình này rồi. Cụ thể là các nhóm chuyên môn như: nhóm chuyên về chăm sóc - giáo dục trẻ mầm non, nhóm chuyên về nội dung, nhóm xây dựng kịch bản...Tất cả đều có một quá trình rèn luyện trước.

Cô Nguyễn Thị Phương, Trưởng nhóm dự án KidSkills cho biết, trong 2 năm thực hiện dự án là quãng thời gian dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam bùng phát mạnh nhất. Ảnh: Trung Dũng

Cô Nguyễn Thị Phương, Trưởng nhóm dự án KidSkills cho biết, trong 2 năm thực hiện dự án là quãng thời gian dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam bùng phát mạnh nhất. Ảnh: Trung Dũng

Với vai trò là trưởng nhóm, nên để cân đối được giữa công việc gia đình với việc giảng dạy ở trường và thời gian dành cho dự án, ban đầu với tôi nó cũng là điều rất nan giải. Tuy nhiên, chúng tôi có được sự ủng hộ, tạo điều kiện từ Ban Giám hiệu nhà trường trong việc bố trí thời gian làm việc, để nhóm có được thời gian chủ động nhất. Bên cạnh đó, các giảng viên trong Khoa Giáo dục mầm non khi nhận được lời mời tham gia thì họ cũng rất sẵn sàng và nhiệt tình đóng góp, nên khó khăn cũng dần lùi về phía sau.

Bằng việc thực hiện dự án “Tăng cường năng lực giảng dạy kỹ năng sống cho giáo viên mầm non dưới sự hỗ trợ của khoa Công nghệ thông tin”, tôi và nhóm dự án đã cùng nhau thực hiện trong thời gian gần 2 năm. Trong thời gian này, nhóm đã thực hiện được một số sản phẩm: kho học liệu bao gồm 300 học liệu, chia theo 12 chủ đề (bộ tư liệu), mỗi bộ gồm có giáo án, bài giảng, tranh ảnh, bài thơ, bài hát, poster, tạp chí.

Hiện tại, chúng tôi duy trì được 1 nhóm zalo với hơn 800 cán bộ quản lý và Giáo viên mầm non để sinh hoạt chuyên môn, với hơn 9 buổi webinar đã được tổ chức, thu hút gần 3.500 lượt giáo viên mầm non tham gia

Trong tương lai, nhóm dự án chúng tôi mong muốn được phát triển tiếp dự án, chia sẻ với các trẻ mầm non khắp 3 vùng miền, tạo một hệ thống quản lý học tập LMS có các bài giảng E-Learning giảng dạy về Kỹ năng sống, dễ dàng chia sẻ với sinh viên, giáo viên mầm non trên toàn quốc để mọi người có thể học được bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào”.

Cô Phương cũng chia sẻ cho chúng tôi những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình thực hiện dự án.

“Có thời gian, chúng tôi dù đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để làm clip. Tuy nhiên, vì dịch bệnh bùng phát bất ngờ, có những lúc dù đã đầu tư mọi thứ đầy đủ hết nhưng đến ngày quay video thì bất ngờ cơ sở làm việc phát hiện có F0, nằm trong vùng phong tỏa, học sinh ngừng học, vậy là mọi dự định lỡ dở hết, không quay được hình ảnh để đẩy bài.

Ngoài ra, lúc mới bắt tay vào thực hiện dự án, hầu như chúng tôi phải làm việc trực tuyến. Có thời điểm không chuẩn bị được phòng zoom nên không thể nào thu hút được hết một lượng giáo viên tương đối lớn tham gia. Trong khi dự án này mang tính cộng đồng nên rất cần sự sẻ chia, tương tác, đóng góp và tham gia xây dựng học liệu của rất nhiều giáo viên trong khắp cả nước".

Chia sẻ về ý nghĩa của dự án với học sinh và phụ huynh, cô Phương cho biết thêm: “Những bài giảng được chúng tôi đăng tải trên wedside dự án là: kidskills.edu.vn thì phụ huynh có thể tải về để xem và tham khảo. Qua đó, các giáo viên cũng muốn lồng ghép để gửi gắm đến các bậc cha mẹ nhiều kỹ năng cần thiết cho trẻ mầm non.

Với một số kỹ năng cơ bản: kỹ năng rửa tay, đánh răng rửa mặt, rồi quy trình vứt rác ra làm sao, dọn dẹp nhà cửa như thế nào..v.v. Tuy nhiên, việc truyền tải các thông điệp này được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông qua các video, hình ảnh sinh động, cuốn hút trẻ nhỏ nên mức độ truyền thụ và sự thấu hiểu của trẻ cũng cao hơn.

Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi cũng phải thông qua nhà trường để liên hệ rất nhiều cơ sở giáo dục trong và ngoài nước, kể cả các trường công lập và ngoài công lập. Trong đó, ở quốc tế cần có các cơ sở giáo dục của 3 đến 4 nước nữa hỗ trợ, còn ở Việt Nam thì có 4 đến 5 trường mầm non nữa".

Các giáo viên đã dành nhiều tâm huyết cho đứa con "tinh thần"

Cô Trịnh Thị Xim - Hiệu phó Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương bảy tỏ niềm vui với thành công của dự án.

“Chương trình giáo dục mầm non dựa trên nền tảng công nghệ thì ở Việt Nam chưa có một sản phẩm nào, vì vậy chúng tôi cho rằng, đây là ý tưởng mới mẻ và có thể tạo ra một xu hướng, có tính chất lan tỏa.

Hơn nữa, chúng tôi cũng nhận thấy dự án có ý nghĩa khi nó ra đời đúng vào thời điểm những vấn đề về chuyển đổi số trong giáo dục cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm. Bên cạnh đó, với trẻ mầm non hiện nay thì việc dạy kỹ năng sống cho trẻ là rất cần thiết. Trong lúc dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, hầu như trẻ mầm non đều phải học trực tuyến thì việc đưa nền tảng số vào chương trình giáo dục mầm non lại càng có ý nghĩa hơn nữa”.

Đại diện Trường cao đẳng Sư phạmTrung ương cho rằng, từ thành công của dự án của mà cô Phương phụ trách, sẽ là động lực cho các giảng viên trong trường tiếp tục cố gắng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đại diện Trường cao đẳng Sư phạmTrung ương cho rằng, từ thành công của dự án của mà cô Phương phụ trách, sẽ là động lực cho các giảng viên trong trường tiếp tục cố gắng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nói về sự hỗ trợ từ phía nhà trường với việc thực hiện dự án của các giảng viên trong trường, cô Xim chia sẻ thêm: “Để dự án này được triển khai thực hiện và lọt vào top 100 toàn cầu như hiện nay thì quả thật nó tốn kém không ít về chi phí và công sức, trải dài suốt trong 2 năm qua.

Vì thế, trong quá trình thực hiện, Ban Giám hiệu nhà trường cũng rất chia sẻ và tạo mọi điều kiện để những thành viên tham gia dự án là những giáo viên trong trường được yên tâm thực hiện.

Ngoài ra, Ban Giám hiệu cũng đóng vai trò là định hướng, lên kế hoạch và có những cuộc họp với các thành viên thực hiện dự án để trao đổi cụ thể về kế hoạch thực hiện sẽ gồm những công việc gì, xúc tiến ở thời điểm nào và kết nối với các đối tác ra sao.

Riêng về kinh phí dành cho việc thực hiện dự án, nói thật là chúng tôi không tính được con số cụ thể, bởi có những sản phẩm nhóm tác giả đã phải đầu tư rất nhiều và các giáo viên họ phải chủ động bỏ tiền túi của mình để thực hiện. Cái căn bản vẫn là sự tâm huyết rất lớn của những thành viên trong nhóm với “đứa con” tinh thần của mình.

Suốt trong thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến nay, đều nằm trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 trong nước và thế giới diễn biến căng thẳng nhất. Trong điều kiện trẻ mầm non đều phải học trực tuyến thì việc triển khai thực hiện dự án càng khó khó khăn hơn so với lúc các con được học trực tiếp.

Chưa kể, rất nhiều thành viên của dự án là sinh viên, lại ở các vùng miền khó khăn, điều kiện làm việc trực tuyến cũng không đảm bảo. Nhìn lại mới thấy, khi tham gia vào dự án này tất cả mọi người đều đã rất cố gắng vượt qua các trở ngại, khó khăn”.

Cô Xim chia sẻ thêm: “Sắp tới, có thể chúng tôi sẽ tổ chức những buổi lấy ý kiến về việc bản quyền và sở hữu trí tuệ cho dự án này, vì nó là tâm huyết của rất nhiều người. Tùy vào tình hình thực tế, mức độ dự án phát triển đến đâu thì chúng tôi sẽ có các kế hoạch cụ thể đến đó.

Trước mắt, khi dự án đã được lọt top 100 toàn cầu thì nhà trường cũng đang chuẩn bị các công tác để khen thưởng, động viên cho nhóm vì đây cũng là niềm tự hào của nhà trường và các thầy cô trong trường. Từ những tấm gương như thế này thì lan tỏa mạnh mẽ tinh thần sáng tạo đổi mới trong giáo dục”.

Trung Dũng