Xác định phương pháp học tập để thành công khi du học

01/04/2012 10:40
Nguyễn Quốc Vỹ (CHLB Đức)
(GDVN) - Du học đã và đang trở thành một xu thế phổ biến. Bên cạnh những cơ hội được mở ra, khó khăn lớn nhất mà hầu hết các bạn du học sinh gặp phải chính là phương pháp học tập, nghiên cứu ở môi trường mới.
Trên bước đường để tiếp thu tri thức và mong muốn thành công của mỗi du học sinh, chắc chắn mỗi người phải trải qua thật nhiều khó khăn và thử thách. Những bỡ ngỡ trong thời gian đầu để làm quen với môi trường mới, rồi cả việc sinh hoạt, đi lại, ăn uống, ngôn ngữ, thời tiết...ít nhiều sẽ làm cho chúng ta mệt mỏi, thậm chí có lúc chán nản và chông chênh. Trong những khó khăn ấy, với sức trẻ, với sự năng động thì dần dần các bạn trẻ cũng có thể vượt qua, hòa nhập với cuộc sống mới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà hầu hết các bạn du học sinh gặp phải chính là phương pháp học tập, nghiên cứu ở môi trường mới.
Nụ cười ngày tốt nghiệp (ảnh minh họa - nguồn internet)
                               Nụ cười ngày tốt nghiệp (ảnh minh họa - nguồn internet)
Ở Việt Nam, phần lớn vẫn còn những giảng đường với phương pháp sử dụng chủ yếu là đọc – chép hoặc chiếu – chép. Ngoài ra, hệ thống thư viện chưa được đầu tư đúng mức cộng với việc “chốt” kiến thức vào buổi cuối cùng nên đã tạo tâm lý ỷ lại của nhiều học sinh, sinh viên trong việc học tập và nghiên cứu. Khi sang nước ngoài, nhiều bạn đã “quen” với phương pháp học tập ở nhà nên rất khó theo kịp với việc học tập chủ động, khai thác tài nguyên, tự tìm hiểu của sinh viên ở nước sở tại. Không những thế, với việc tự chủ trong học tập và nghiên cứu, giảng viên không điểm danh...đã “góp phần” vào kết quả không mấy khả quan của nhiều du học sinh.
Các học sinh, sinh viên nước sở tại đã được học từ nhỏ tính chủ động, có môi trường để phát huy và quen với những gì đang diễn ra. Nhưng, với nhiều tác động, trở ngại trong giao tiếp, xa gia đình, không chịu sự quản lý của gia đình...đã khiến nhiều bạn du học sinh đến từ Việt Nam “trượt dài” trong những ngày tháng ở nước ngoài. Thay vào những buổi lên giảng đường là những ngày “ngồi đồng” trước máy tính với các trò chơi trực tuyến hoặc ngủ vùi trong phòng khi mùa đông lạnh giá.
Do đó, việc lập kế hoạch và xác định cho mình một phương pháp học tập, nghiên cứu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Khi đã có chiến lược rõ ràng và cụ thể thì sẽ dễ hơn rất nhiều cho các bạn du học sinh. Là người đã trải qua những “thời điểm” khó khăn khi học tập ở nước ngoài, hiện đang tiếp tục con đường mình đã lựa chọn trong môi trường nghiên cứu, tác giả bài viết chia sẻ  năm trải nghiệm của chính mình cùng với các bạn đã, đang và sẽ du học .
1. Nên đến giảng đường thường xuyên, theo lịch học cho dù có những nội dung ta chưa hiểu, hoặc bài giảng ấy giảng viên không điểm danh. Ngồi trong giảng đường, mỗi người sẽ thấy một “không khí” học tập hơn và dần hình thành “thói quen” đến trường. Không những thế, khi nghe giảng, mỗi người có thể dần hoàn thiện ngoại ngữ của chính mình qua việc nghe, giao tiếp.
2. Phần lớn mỗi môn học ở giảng đường sẽ có kèm theo các Seminar. Seminar thường giới hạn số lượng sinh viên và việc trao đổi, tìm hiểu kỹ hơn các vấn đề sẽ dễ dàng hơn. Chính thời gian trong các Seminar này, mỗi bạn có thể tận dụng tối đa thời gian để thu thập tài liệu từ các nguồn khác nhau, chuẩn bị báo cáo, bài tập và học hỏi những báo cáo từ những sinh viên khác cùng nhóm. Từ đó, nội dung của môn học sẽ không còn khó khăn khi đã qua hai lần tiếp thu.
3. Thời gian trên giảng đường hay trong các Seminar không nhiều bằng thời gian tự học còn lại của mỗi người. Và chính lúc này, thư viện sẽ là “người bạn” “người hướng dẫn” ta trong quá trình học tập. Hầu hết các trường đại học, các viện nghiên cứu ở các nước tiên tiến trên thế giới đều có hệ thống thư viện hoàn hảo với tài liệu được cập nhật thường xuyên. Một môi trường yên tĩnh, sạch sẽ và nguồn tri thức dồi dào sẽ góp phần cho việc học tập cũng như nghiên cứu thêm thuận lợi.
4. Ở các trường Đại học, hầu hết các giáo sư đều có những lịch hẹn với sinh viên hàng tuần hoặc sau khi đã thỏa thuận qua Email. Tuy vậy, không phải là khó khăn trong việc tiếp tục mà ngược lại là đằng khác. Ngoài những cuộc hẹn ấy, mỗi bạn có thể tự tin, mạnh dạn để trao đổi trực tiếp hoặc qua thư điện tử với các thầy cô tại bộ môn, người phụ trách các Seminar...về vấn đề mình chưa rõ. Chắc chắn, các bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình và từ những định hướng, những góp ý ấy, mình sẽ hoàn chỉnh hơn từng bài tập, từng báo cáo.
5. Cuối cùng, khó khăn về ngôn ngữ sẽ làm cho nhiều du học sinh khó khăn hơn trong học tập. Nhiều du học sinh vẫn đem rất nhiều tự điển lên giảng đường hoặc thu âm lời giảng của giáo sư. Nhưng, điều này rất khó để giúp cho việc học tập tốt hơn khi mà thời gian tra từ mới sẽ không thể theo kịp bài giảng hoặc nghe toàn tạp âm khi thu âm. Những file, giáo trình của bài giảng, chúng ta hoàn toàn có thể in ra và đọc kỹ hơn trước cũng như sau buổi giảng. Ngoại ngữ chỉ có thể hoàn hảo các kỹ năng khi chúng ta có một chiến lược rõ ràng trong học hập và rèn luyện.
Điểm nóng
Sôi động đêm Pháp ngữ "Soirée de gala 2012"

Phương pháp dạy tiếng Nga mới dành cho các du học sinh của "Stankin"
Hội thảo hướng nghiệp lần thứ 2 – 2012 tại Pari, Pháp
Nguyễn Quốc Vỹ (CHLB Đức)