LTS: Không biết nấu ăn, không biết nhặt rau, rửa chén, không biết giặt quần áo… là điểm chung của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay. Do được nuông chiều, bao bọc từ A đến Z, nhiều trẻ thiếu tự tin, trở nên thụ động, không thích học, không có ước mơ gì.
Cô giáo Phan Tuyết nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh cần điều chỉnh cách yêu thương con để tránh việc “nhấn chìm” tương lai của các em bởi cái bóng của bố mẹ.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.
Trong kì thi Tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, nhiều hình ảnh phụ huynh đi theo và phục vụ con như một bảo mẫu, từ việc tay xách nách mang lỉnh kỉnh đủ thứ hành lý, rồi cầm ô che nắng, quạt cho con khỏi nóng, đến việc chuẩn bị đồ ăn thức uống, giặt giũ áo quần, mắc màn bắt muỗi…đã làm nhiều người cảm động về sự lo lắng, chăm sóc con cái đến tận tình của các bậc cha mẹ.
Nhưng bên cạnh đó, cũng đã gióng lên hồi chuông nên hay không có sự bao bọc con cái quá kĩ như thế? Bởi tất cả các em đã bước vào tuổi 18, lứa tuổi của sự trưởng thành. Vậy tuổi 18 bây giờ đã thật sự lớn chưa?
Cha ông ta nói “nữ thập tam, nam thập lục” độ tuổi này, xem như đã đến trưởng thành thì 18 tuổi đã là “quá già” rồi đó.
Thời của tôi, 16 tuổi tốt nghiệp lớp 10 (học hệ 10 năm), ai ai cũng còn ngây ngô, non nớt. Nhưng nhiều bố mẹ đã tự thả con đi thi, địa điểm thi cách nhà cũng vài trăm cây số như là chuyện bình thường.
Dù ngày ấy, chưa ai ra khỏi cái cổng làng, phương tiện liên lạc chỉ dùng thư tín hoặc điện khẩn làm gì hiện đại như bây giờ muốn liên lạc với con lúc nào cũng được.
Trước hôm thi, bố mẹ chúng tôi chuẩn bị cho ít tiền, dặn dò một số ý cần thiết và dẫn con ra đường bắt xe. Cầm địa chỉ, tự tìm đến trường thi nơi được bố trí luôn chỗ ăn ở.
Thi xong 3 ngày, ra bắt xe về quê. Bố mẹ còn lo việc đồng áng, lo cho nhiều anh chị em khác tới mức không có cả thời gian hỏi thăm xem con làm được bài hay không…
Việc học và thi là bổn phận và nghĩa vụ: “Muốn sướng, muốn thoát li khỏi cảnh đồng ruộng thì gắng mà học. Thi không đỗ năm trước năm sau tao gả chồng”.
Nhiều bà mẹ thường nói thế với con. Phần lớn thấy ai cũng như mình nên không có sự so sánh giữa người này với người khác để tủi thân hay chạnh lòng.
Cha mẹ đừng lúc nào cũng nghĩ con còn thơ bé lắm nên không tin tưởng con có thể tự lập tốt (Ảnh: giadinh.net.vn) |
Ngày nay, bố mẹ bao bọc con quá kĩ, lo lắng cho con đủ thứ, trang bị từ “chân đến răng”, lúc nào cũng xem con (dù đã lớn) vẫn còn thơ bé lắm nên không tin tưởng con có thể tự lập tốt.
Bởi ngay từ nhỏ nhiều em chỉ việc học chưa từng đụng chân đụng tay vào việc gì. Có em học tới 12 nhưng chưa biết giặt đồ, nấu ăn thậm chí mắc màn đi ngủ…
Vì thế, phần lớn phụ huynh không yên tâm để con đi một mình. Với sự chăm bẵm như thế thì 18 tuổi vẫn còn non nớt lắm. Họ luôn xem con còn khờ dại và luôn thấy sợ đủ điều.
Sợ con thua bạn bè, sợ con đi đường không an toàn, sợ con không biết tìm nơi trọ, sợ lại ngủ quên không kịp giờ thi, sợ con ăn uống thất thường…trăm nỗi sợ cứ quấn vào người, ở nhà cũng không thể yên nên đi với con là yên tâm nhất.
Mặc dù bây giờ, công nghệ thông tin hiện đại. Chỉ cần ngồi một chỗ là có thể biết con đang làm gì, ở đâu? Cần nói chuyện, xem hình con là toại nguyện ngay, không chỉ gọi, còn thấy cả hình ảnh, thấy nơi ăn chốn ở…
Đừng kỳ vọng sẽ biến đổi con chỉ sau vài ngày học tập(GDVN) - Đừng kỳ vọng sẽ biến đổi con thành một người hoàn toàn khác chỉ sau ít ngày học tập vui chơi. Mà các bậc phụ huynh cần thay đổi cách nuôi dạy con cái. |
Phụ huynh không thể tin tưởng vào sự trưởng thành, tự lập của con mặc dù đã 18 tuổi, một phần cũng vì xã hội bây giờ nhiều cạm bẫy.
Khác xa ngày trước, biết bao cảnh hiếp, giết đang từng ngày hiện hữu trước mắt, bị bắt cóc, dụ dỗ... Mà tội phạm ngày càng cáo già và tinh vi.
Ngày nay, mỗi gia đình chỉ có 2 con nên các bậc cha mẹ thường dành làm hết mọi việc.
Cứ thế, không chỉ là 18 hay nhiều hơn thế, các con vẫn bị xem là chưa trưởng thành và có thể tự lập.