Dư luận bàn tán ầm ầm về Tiếng Việt 1 Cánh Diều, vì sao giáo viên im lặng?

12/10/2020 06:39
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy cô giáo nào mạnh dạn nêu lên chính kiến của mình cũng khó lọt qua vòng trường (hoặc có lọt ) cũng khó qua nổi cửa ải của phòng, sở để đến nơi cần đến.

Một người bạn của chúng tôi đã đặt câu hỏi thế này: “Giáo viên đang ở đâu trong cuộc tranh luận về sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1? Tại sao không thấy (hoặc rất ít) thầy cô giáo nào lên tiếng?

(Ảnh minh họa VTV)(Ảnh minh họa VTV)

Quả thật, trong các cuộc tranh luận, phản biện về chất lượng sách giáo khoa hiện nay, ít thấy sự góp mặt của những nhà giáo đang giảng dạy trong hệ thống các trường công lập.

Thầy cô là những người đang trực tiếp giảng dạy bộ sách ấy. Chính họ phải là người am tường nhất. Thế nhưng, thầy cô chỉ luôn đóng vai trò làm người quan sát.

Đừng nói là lên tiếng, chỉ cần comment hay bấm like hoặc thả tim vào các trao đổi, các bài viết về sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 trên mạng xã hội đa phần các nhà giáo còn không dám thì lấy đâu mà dám lên tiếng?

Người ngoài đặt câu hỏi thắc mắc: Ai đã lệnh cho các cơ sở giáo dục quán triệt giáo viên im lặng? để triệt tiêu ý kiến cá nhân? Buộc giáo viên phải đứng ngoài công cuộc đổi mới của ngành mà thầy cô chính là chủ thể?

Giáo viên phải ủng hộ chủ trương lớn đổi mới của ngành

Ai ra lệnh cho giáo viên im lặng thì không biết, chỉ biết rằng trong các cuộc họp hội đồng, người thường xuyên nhắc nhở giáo viên không được chia sẻ, like, bình luận vào những bài viết về những tiêu cực của ngành giáo dục là những hiệu trưởng các trường học.

Người viết bài trước đây đã không ít lần được hiệu trưởng nhà trường “mời lên phòng uống nước” sau mỗi một bài viết phản ánh tiêu cực trong ngành giáo dục đăng trên báo.

Có hiệu trưởng đã gay gắt buộc không được viết bài, có hiệu trưởng lại khá nhẹ nhàng phân tích đừng làm gì để ảnh hưởng đến uy tín nhà trường.

Người lại tỏ ra vô cùng cảm thông và nói rằng bản thân họ không muốn thế nhưng cứ sau mỗi bài viết của mình, họ lại bị lãnh đạo bên trên gọi điện quở trách đã để giáo viên làm như vậy.

Và, đã có lần người viết bài được “mời thẳng lên phòng giáo dục uống nước” vì đã có những bài viết phân tích những hạn chế của Thông tư 30 khi triển khai rộng rãi trong toàn ngành.

Vị lãnh đạo phòng đã nói như vỗ vào mặt kiểu giáo viên chỉ nhìn qua cái cổng trường biết gì mà viết với lách? Nhiệm vụ đi dạy thì lo dạy dỗ cho tốt đi.

Vị lãnh đạo khác cũng lên tiếng, là giáo viên phải ủng hộ những chủ trương lớn của ngành chứ sao lại cứ thích vạch áo cho người xem lưng?

Vì những suy nghĩ của lãnh đạo như thế nên dù không đồng tình với một số công văn, thông tư của ngành, giáo viên đa phần luôn im lặng và nhẫn nại thực hiện

Không phản ứng nhưng chẳng nhiều người dám làm trái những nhắc nhở của cấp trên. Có giáo viên đã chia sẻ, mở màn hình trang báo đọc đầu tiên là giaoduc.net.vn vì có nhiều bài viết hay về ngành giáo dục.

Thế nhưng, chỉ đọc thôi chứ không bao giờ dám bày tỏ quan điểm vì mình còn công việc, còn cả gia đình.

Họ sợ bị để ý, bị làm khó trong giảng dạy. Người đang phấn đấu lại sợ bị lọt vào tầm ngắm thì dù có dạy tốt, công tác nhiệt tình cũng chẳng ai chú ý đến.

Vậy là gần như cả tập thể nhà giáo đều chỉ im lặng quan sát, tự xem mình là những người ngoài cuộc. Thế nhưng trong các buổi café, các cuộc họp vỉa hè những suy nghĩ thật, những bức xúc mới được dịp tuôn trào.

Và, chỉ nay mai thôi, chắc chắn ngành sẽ tổ chức lấy ý kiến góp ý của giáo viên về chương trình và sách giáo khoa lớp 1.

Chắc chắn cũng chỉ nhận được những lời góp ý chung chung kiểu (đồng ý, nhất trí) hoặc những góp ý chủ yếu là mang tính tán dương như những lần góp ý phương pháp Bàn tay nặn bột và Trường học mới VNEN.

Cả 2 phương pháp giảng dạy bị giáo viên phê phán, chỉ ra biết bao nhiêu tồn tại (đương nhiên chỉ nói bên lề cuộc họp). Thế nhưng khi lấy ý kiến góp ý gần như là những ca tụng phương pháp tích cực, giúp học sinh tự tin chiếm lĩnh kiến thức…

Hầu như chẳng thấy hoặc rất ít dòng chữ nói đến những khó khăn, tồn tại khi triển khai 2 phương pháp dạy học đó.

Nếu có thầy cô giáo nào đó mạnh dạn nêu lên chính kiến của mình cũng khó có thể lọt qua vòng trường (hoặc có lọt qua) cũng khó qua nổi cửa ải của phòng, sở để đến được nơi cần đến.

Phan Tuyết