Dự thảo Bộ luật Lao động, làm rõ về vấn đề tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm

24/10/2019 06:09
Ngọc Hân
(GDVN) - Người lao động làm trong ngành nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc độc hại thuộc nhóm nghỉ hưu hưu sớm, thậm chí có thể nghỉ sớm tới 10 năm.

Ngày 23/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã dành sự quan tâm và có những góp ý toàn diện, chất lượng cho các nhóm nội dung khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế có liên quan. Vừa qua Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã có bản bình luận dài 120 trang về bản dự thảo Luật. Theo đó, ILO đã nhận định, Bộ luật Lao động (sửa đổi) của chúng ta đã phù hợp cơ bản với các nội dung, nhất là các nguyên tắc cơ bản của ILO.

Về phạm vi đối tượng điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Bộ luật đã mở rộng đến cả đối tượng người lao động có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, khu vực chính thức và phi chính thức…

Liên quan đến nội dung về tuổi nghỉ hưu, Báo cáo tiếp thu và giải trình chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ phương án và lập luận về nhóm người lao động nghỉ hưu sớm, nhất là lao động nặng nhọc, độc hại.

Hiện nay, Bộ Lao động đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, xác định 1.810 ngành nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc độc hại. Theo đó, với điều kiện như thế, thì những đối tượng này sẽ thuộc nhóm nghỉ hưu hưu sớm, thậm chí có thể nghỉ sớm tới 10 năm.

Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình tại phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình tại phiên họp.

Về thời gian làm việc bình thường, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, giảm giờ làm bình thường là vấn đề lớn có tác động đến tất cả các chủ thể liên quan như đối với người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, nhà nước.

Đặc biệt có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách nên cần được nghiên cứu, đánh giá và lượng hóa rất cụ thể. Luật hiện hành quy định thời gian làm việc bình thường là 48 giờ/tuần, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện 40 giờ/tuần.

Qua đánh giá cho thấy: 89,6% doanh nghiệp áp dụng 48 giờ làm việc/tuần; 3,6% thực hiện 44 giờ/tuần; 6,8% thực hiện 40 giờ/tuần. Hiện nay 10 nước ASEAN thì có 8 nước bố trí thời gian làm việc 48 giờ/tuần, hai quốc gia bố trí thời gian làm việc bình thường thấp hơn là Singapore và Indonesia.

Nước càng giàu thời gian lao động càng ít, nước càng nghèo thì thời gian lao động càng tăng lên. Riêng đối với Indonesia, có dân số 270 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp 6%, họ giảm giờ làm việc để chia sẻ công việc làm với nhiều người hơn, tránh tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Ở góc độ kinh tế, nếu chúng ta giảm từ 48 giờ làm việc bình thường/tuần xuống 44 giờ/tuần, đánh giá sơ bộ cho thấy, tổng thời gian làm việc bình thường giảm đi là 208 giờ, trong khi đó Chính phủ đang xin đại biểu Quốc hội tăng giờ làm thêm; tổng chi phí lao động tăng lên 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm 20 tỷ đô/năm và quan trọng hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi 0,5%.

Chúng ta đang là quốc gia nỗ lực rất lớn không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp, các chuyên gia cho rằng, nếu muốn không rơi vào bẫy này, thì phải phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%. Nhấn mạnh vì là vấn đề hệ trọng của quốc gia phải đánh giá kỹ lưỡng, vì vậy Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng đến thời điểm thích hợp sẽ giảm giờ làm việc bình thường.

Về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, theo Bộ trưởng, đây là vấn đề rất mới và rất khó. Vừa phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đáp ứng yêu cầu dân chủ cơ sở nhưng cũng phải đảm bảo sự quản lý của nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và làm sao để đảm bảo phát triển hệ thống công đoàn, giữ vững vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn.

Chúng ta quy định trong Bộ luật 3 vấn đề có tính nguyên tắc như: việc thành lập, việc gia nhập tổ chức; điều kiện đối với ban lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức; tôn chỉ, mục đích, điều lệ của tổ chức, còn lại 2 vấn đề giao cho Chính phủ quy định là những vấn đề rất cụ thể, đó là trình tự, thủ tục, thẩm quyền đăng ký cấp phép và vấn đề chia tách, sáp nhập, giải thể và quyền liên kết của các tổ chức đại diện…

Đây là những vấn đề đòi hỏi Chính phủ phải rất thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng để có lộ trình ban hành đảm bảo mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận hôm nay để báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng tới mở rộng diện bao phủ, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng tới mở rộng diện bao phủ, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân.

Trước đó, cho ý kiến về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), từ góc độ người thực hiện chính sách, ông Được cũng cho rằng, để mở rộng vững chắc diện bao phủ về bảo hiểm xã hội thì dự thảo cần làm rõ về vấn đề tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Cần quy định thống nhất về mức đóng thấp nhất, mức đóng cao nhất đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thấp nhất phải bằng 70% thu nhập thực tế của người lao động nhận được từ người sử dụng lao động và cao nhất không quá 20 lần mức lương tối thiểu vùng.

Về tuổi nghỉ hưu, ông Được nhấn mạnh, trước hết cần nhận thức rằng, đây là quy định về “độ tuổi hưởng lương hưu” không phải “tuổi nghỉ hưu” để phân biệt với tuổi nghề và không đồng nhất tuổi nghề với tuổi hưởng lương hưu. Điều này là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ông Được cho biết, bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất phương án tăng độ tuổi hưởng lương hưu đã nêu trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ngoài quy định độ tuổi hưởng lương hưu, dự thảo cũng cần bổ sung quy định độ tuổi hưởng lương hưu xã hội cho phù hợp tương đồng (hiện nay đang quy định là 80 tuổi).

Cũng theo ông Được, việc tăng độ tuổi hưởng lương hưu cơ bản, quy định độ tuổi hưởng lương hưu xã hội sẽ kéo theo phải sửa hàng loạt các quy định trong Luật bảo hiểm xã hội như: Quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu (hiện nay đang quy định từ đủ 20 năm); cách tính tỷ lệ hưởng, tính mức lương hưu theo nguyên tắc đóng, hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ, bền vững; điều chỉnh lương hưu; quy định hạn chế hưởng bảo hiểm xã hội một lần; hạn chế nghỉ hưu trước tuổi…

Tuy nhiên, việc sửa đổi các quy định theo hướng nêu trên cần sớm được điều chỉnh trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhằm đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, hướng tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân theo Nghị quyết 28/2018-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Cùng với đó, các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành phải bám sát tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW và Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này với nhiều nội dung mới và rất phức tạp nên cần phải chủ động xây dựng kế hoạch khẩn trương triển khai thực hiện.

Ngọc Hân