Dù tốn kinh phí hơn, có trường ĐH chọn kiểm định nước ngoài vì thủ tục đơn giản

18/09/2024 06:11
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -"Một điểm khác biệt lớn là thủ tục hành chính của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài thường đơn giản hơn so với các tổ chức trong nước".

Theo lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học, việc lựa chọn kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hay tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước chủ yếu xuất phát từ mục tiêu, định hướng phát triển của mỗi nhà trường. Bởi hiện nay, chất lượng của 2 loại tổ chức này khá tương thích với nhau.

Trường đại học tốn nhiều chi phí hơn khi kiểm định chương trình đào tạo bởi tổ chức nước ngoài

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Quách Thanh Hải – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, giai đoạn trước kia ở Việt Nam chưa có tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước nên nhiều chương trình của nhà trường được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài như AUN-QA (tổ chức bảo đảm chất lượng của Mạng lưới các trường đại học ASEAN), FIBAA (Foundation for International Business Administration Accreditation – Quỹ Kiểm định Các chương trình Quản trị Kinh doanh Quốc tế), ...

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại trường, có chương trình được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và có chương trình được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài.

0YxMOoJj.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh).

Thầy Hải thông tin, tất nhiên việc kiểm định chương trình đào tạo bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài bao giờ cũng sẽ tốn kém chi phí hơn. Vì nhà trường sẽ phải chi khoản tiền nhiều hơn để biên soạn hồ sơ minh chứng bằng tiếng Anh thay vì tiếng Việt khi kiểm định bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước. Bên cạnh đó, chi phí đi lại cho đoàn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài cũng tương đối cao; nếu các đối tượng tham gia phỏng vấn trình độ tiếng Anh chưa tốt thì có thể phải tốn thêm chi phí thuê phiên dịch, …

Tuy nhiên, mặt thuận lợi khi kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài là chương trình đào tạo của nhà trường sẽ bám sát được với chuẩn quốc tế.

Thầy Hải bày tỏ, trên thực tế trong những năm gần đây, khi đối chiếu, nhà trường cũng thấy chất lượng kiểm định của những tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài AUN-QA là tương thích nhau khá nhiều.

Điều này cũng thể hiện sự phát triển tích cực của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước. Hơn nữa, thành viên của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước hiện cũng có một số kiểm định viên đồng thời là chuyên gia của tổ chức AUN-QA. Có thể thấy rằng, chất lượng đội ngũ chuyên gia kiểm định của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đang ngày càng gia tăng.

Cùng bàn về thực tế này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Hiền – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo Chất lượng, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, hiện nhà trường có 16 chương trình đào tạo được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài là tổ chức AUN-QA. Vừa qua, trường mới kiểm định thêm 03 chương trình đào tạo nữa.

Để có thể kiểm định những chương trình đào tạo này bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, nhà trường phải đăng ký với tổ chức đó trước một năm cũng như có kế hoạch cụ thể từ trước. Đơn cử như thời điểm hiện tại, trường đang làm hồ sơ để đăng ký cho đợt kiểm định với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài vào tháng 12/2025 và tháng 1/2026.

Thầy Hiền cho biết thêm, đối với tổ chức AUN-QA mà nhà trường đang lựa chọn, do là tổ chức cùng trong khu vực Đông Nam Á nên chi phí kiểm định cũng không đắt hơn mấy so với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước.

Tuy nhiên, có nhiều tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có chi phí cao hơn nhiều như Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục ACBSP (Hoa Kỳ) hay tổ chức AACSB (Hoa Kỳ), FIBAA,...

Lựa chọn kiểm định nước ngoài do trường có lợi thế về ngoại ngữ

Cũng theo thầy Hiền, việc lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài đối với một số chương trình đào tạo là liên quan đến kế hoạch, chiến lược phát triển của nhà trường theo định hướng quốc tế. Từ đó, những khuyến nghị của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài sẽ giúp cho nhà trường phát triển tốt hơn mục tiêu của mình.

la2-1024x683.png
Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương (Ảnh: Website nhà trường).

Bên cạnh đó, trường có lợi thế là giảng viên, sinh viên đều có năng lực tiếng Anh tốt nên khả năng đạt kiểm định của các chương trình đào tạo với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài sẽ cao. Bởi, trong quy trình kiểm định chương trình đào tạo của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài sẽ có phần phỏng vấn bằng tiếng Anh đối với giảng viên và sinh viên Nhà trường; Hồ sơ minh chứng để phục vụ công tác kiểm định cũng phải được biên soạn 100% bằng tiếng Anh.

Còn tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, hiện trường đang có 06 chương trình được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài.

Thầy Trung bày tỏ, với quy định của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, bản thân nhà trường muốn kiểm định cơ sở đào tạo cấp quốc tế thì phải kiểm định chương trình đào tạo cấp quốc tế. Đơn cử, theo quy định của tổ chức AUN-QA, cơ sở giáo dục đại học nào muốn kiểm định cơ sở đào tạo cấp quốc tế phải có tối thiểu 5 chương trình đào tạo được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cấp quốc tế.

Hơn nữa, việc lựa chọn kiểm định chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài cũng nhằm khẳng định chương trình đào tạo của nhà trường tương đương với các cơ sở đào tạo ở những quốc gia khác trên thế giới. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên nhà trường có thể học chuyển tiếp, học tập nâng cao trình độ tại các quốc gia khác, trở thành công dân toàn cầu để có thể làm việc tại nhiều quốc gia.

Ngoài ra, việc này cũng giúp nhà trường tự soi rọi được chương trình đào tạo của mình đối với các tiêu chí theo chuẩn nước ngoài ra sao. Từ đó, tìm ra những điểm còn thiếu để bổ sung nhằm đạt được chuẩn của quốc tế; nâng cao chất lượng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế.

Để được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, thầy Trung thông tin, bản thân nhà trường phải có người tham gia là thành viên của tổ chức, sau đó đăng ký và chuẩn bị để đáp ứng bộ chuẩn từ hệ thống chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, hệ thống đánh giá chất lượng, kết quả của người học, điểm thi, bài thi,...

Sau khi chuẩn bị được các nội dung thông tin trên, trường đại học sẽ viết báo cáo tự đánh giá gửi đến tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài. Tiếp đến, họ sẽ xét duyệt và ra thông báo đồng ý kiểm định hay không rồi bắt đầu xem hồ sơ minh chứng, đi thực tế và phỏng vấn các đối tượng liên quan như lãnh đạo nhà trường, giảng viên, sinh viên/cựu sinh viên và các nhà tuyển dụng.

Cũng theo thầy Trung, thực tế hiện nay, mặc dù đi sau nhưng chất lượng của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam cũng khá theo kịp quốc tế, cùng đưa ra những hướng để trường cải thiện tuy nhiên vẫn sẽ có một số khác biệt.

Đơn cử, nếu tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước chú trọng vào việc đánh giá xem các nhà trường làm đúng hay sai thì các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài sẽ chú trọng hơn vào việc đưa ra lời khuyên thế nào, xem xét sự chuẩn bị của trường ra sao để làm tốt hơn, đạt mức cao hơn nữa.

Thầy Trung bày tỏ, việc lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước hay nước ngoài thế nào thường tùy thuộc vào mong muốn của mỗi trường.

Đơn cử, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh muốn liên thông chương trình đào tạo nào với Đại học Quốc gia Singapore, tất yếu, họ cũng yêu cầu chương trình đào tạo đó của Nhà trường phải có giá trị kiểm định tương đương. Chính vì vậy, nếu chương trình đào tạo đó được kiểm định bởi chuẩn AUN-QA, việc đối sánh, đánh giá để đưa ra quyết định liên thông sẽ dễ dàng và thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Ngoài 6 chương trình được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, thầy Trung cho biết, tất cả các chương trình đào tạo khác của nhà trường được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước. Những chương trình này sẽ do nhiều tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đấu thầu, trung tâm nào đưa ra mức giá và có chất lượng phù hợp nhất sẽ trúng thầu chứ Nhà trường không được lựa chọn như khi kiểm định chương trình với những tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, tức không biết trước được tổ chức nào sẽ kiểm định mình.

Còn theo Tiến sĩ Lê Phương Trường - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Lạc Hồng, mỗi bộ tiêu chuẩn kiểm định đều có những ưu điểm riêng, phản ánh đặc trưng về văn hóa và bối cảnh của từng quốc gia. Hiện, Trường Đại học Lạc Hồng đã tham gia đánh giá chất lượng chương trình đào tạo theo cả bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, định hướng của Ban Giám hiệu và Hội đồng trường trong tương lai là xây dựng Trường Đại học Lạc Hồng trở thành một trường đại học có tầm vóc quốc tế, đồng thời mong muốn một số chương trình đào tạo của trường sẽ được công nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế trong khu vực. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người học, đặc biệt là tạo điều kiện cho việc công nhận bằng cấp lẫn nhau trong khu vực và quốc tế, giúp sinh viên dễ dàng tiếp tục học tập tại các quốc gia khác

Thầy Trường bày tỏ, đảm bảo chất lượng là một phần không thể thiếu trong việc vận hành và phát triển giáo dục đại học. Các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học cải tiến nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có việc làm và đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Đơn cử, đối với sinh viên, các trường tham gia kiểm định chất lượng thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp vốn là bên liên quan quan trọng trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo. Ngoài ra, khi sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, bằng cấp của các em được công nhận quốc tế, giúp họ có nhiều cơ hội hội nhập và học tập trong môi trường quốc tế.

Hơn nữa, đội ngũ giảng viên qua đó cũng được đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Kinh nghiệm tham gia vào quá trình kiểm định có thể mở ra nhiều cơ hội cho giảng viên tham gia vào các dự án nghiên cứu, quản lý chất lượng giáo dục, cũng như nâng cao uy tín nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục

Cũng theo thầy Trường, hiện nay, các bộ tiêu chuẩn đánh giá cấp chương trình và cấp cơ sở giáo dục ở Việt Nam chủ yếu áp dụng cách tiếp cận 'rule-based' (dựa trên quy định). Việc áp dụng cách tiếp cận này ở giai đoạn đầu là hợp lý, vì nhiều cơ sở giáo dục mới bắt đầu tham gia kiểm định nên cần có những quy định cụ thể để tuân theo. Tuy nhiên, khi văn hóa đảm bảo chất lượng đã hình thành, cách tiếp cận này có thể không còn phù hợp nữa. Hiện tại, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chuyển sang cách tiếp cận 'principle-based' (dựa trên nguyên lý) nhằm tiến tới hội nhập quốc tế. Thầy Trường cho hay, cách tiếp cận này cho phép các cơ sở giáo dục phát triển theo đặc thù và bối cảnh riêng của từng đơn vị.

Thầy Trường bày tỏ, một điểm khác biệt lớn là thủ tục hành chính của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài thường đơn giản hơn. Tuy nhiên, xét về tổng thể, quy trình đánh giá giữa hai cách tiếp cận không khác biệt nhiều.

Thông tin thêm, thầy Trường cho biết, trong thời gian tới, Trường Đại học Lạc Hồng sẽ tiếp tục tham gia các kiểm định bởi cả tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và nước ngoài, đồng thời duy trì và không ngừng cải tiến các chương trình đã đạt kiểm định. Trong tháng 9 này, Nhà trường sẽ tiến hành đánh giá thêm 4 chương trình theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA, bao gồm Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ thực phẩm, Quản trị du lịch và lữ hành, và Ngôn ngữ Trung. Đối với các chương trình khối kỹ thuật và khối sức khoẻ, đã đạt chuẩn AUN-QA, khi tái kiểm định, Nhà trường sẽ hướng đến việc áp dụng bộ tiêu chuẩn ABET.

Đối với các chương trình thuộc khối kinh tế - xã hội, Nhà trường đang nghiên cứu để lựa chọn bộ tiêu chuẩn và tổ chức kiểm định phù hợp với bối cảnh phát triển hiện tại của Trường Đại học Lạc Hồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 07 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trong nước được thành lập.

Cụ thể, 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục công lập gồm Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Đà Nẵng; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Trường Đại học Vinh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư nhân là Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục thành phố Hồ Chí Minh); Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục Hà Nội).

Bên cạnh đó, đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có tổng số 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam, gồm HCERES, AUN-QA, QAA, FIBAA, AQAS, ASIIN, ABET, ACBSP, THE-ICE, ACQUIN.

Tường San