Những động thái trên của các tỉnh khiến nhiều người nghĩ và cho rằng “đứa con Tại chức” được sinh ra trong một hệ thống giáo dục giờ đã bị chính “bố mẹ” chúng khước từ. Dẫu biết rằng tốt nghiệp ở đâu cũng có người tài, người khá, người trung bình. Nhiều chuyên gia giáo dục đã từng nói, hệ tại chức nhiều sinh viên còn có năng lực gấp mấy sinh viên tốt nghiệp trường công.
Phân biệt hay nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?
Trước động thái một số tỉnh không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức, nhiều sinh viên, phụ huynh đã bức xúc nhưng cũng không tỏ cùng ai. Mới đây tỉnh Hà Nam cương quyết các ứng viên thi tuyển công chức phải tốt nghiệp ở các trường công lập có uy tín về đào tạo giáo viên, bằng tốt nghiệp loại khá trở lên. Đặc biệt, giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam ông Nguyễn Văn Khoát thông báo dứt khoát: “Không hợp đồng những người tốt nghiệp đại học hệ tại chức hoặc đại học chính quy theo các hình thức liên thông, liên kết, từ xa”.
Giải thích về điều này, một cán bộ đã về hưu của Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam nói trên báo Tuổi trẻ rằng, giáo viên là yếu tố quan trọng số 1 làm nên chất lượng giáo dục, bảy năm trước, khi ông này còn đương chức, chủ trương sàng lọc để tuyển giáo viên có chất lượng đã được đặt ra. Tiêu chí để sàng lọc người vào biên chế là điểm trung bình toàn khóa học, ưu tiên nhóm trường đào tạo có chất lượng tốt (tùy theo bậc học).
Trước đó, năm 2010 câu chuyện TP Đà Nẵng thông báo nói không với bằng tại chức, câu chuyện này đã làm nên nhiều cuộc tranh luận không có hồi kết. Tất cả cũng chỉ vì nhu cầu nâng cao trình độ cán bộ, công chức. Sự kiện của Đà Nẵng chưa lâu thì tỉnh Quảng Nam “nổ phát súng” tiếp tục nói không với tại chức. Mặc dù không còn chấn động như “sự kiện” Đà Nẵng nhưng chắc chắn nó củng cố thêm cho việc làm của Đà Nẵng và gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ.
Các ứng viên bức xúc trước việc Sở GD&ĐT không nhận sinh viên tốt nghiệp các trường mới thành lập của ĐHQGHN năm 2011. Ảnh Xuân Trung |
Có lẽ có một hiệu ứng vô hình nào đó, đến năm 2011, tỉnh Nam Định không chủ trương tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức. Theo thống báo này của tỉnh Nam Định, trong 256 người tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy tham gia ứng tuyển, tỉnh sẽ tuyển chọn 141 chỉ tiêu công chức thuộc 29 lĩnh vực chuyên ngành bổ sung cho đội ngũ công chức cấp huyện và tỉnh. Tiếp theo tỉnh Hải Dương cũng có chủ trương tuyển người tốt nghiệp đại học chính quy, kể cả là công lập hay dân lập. Nhưng địa phương này không tuyển tại chức. Theo lãnh đạo của địa phương này, tốt nghiệp tại chức chất lượng sẽ không thể đảm bảo được.
Đáng ngại hơn, cũng trong năm 2011 tỉnh Vĩnh Phúc còn “chê” bằng tốt nghiệp đối với sinh viên các trường công mới thành lập của ĐHQG HN, điều lý giải đơn giản của ông Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh là các trường do mới được thành lập nên chưa thể thẩm định được chất lượng đào tạo, các ứng viên muốn dự tuyển vào công chức chỉ được thi ở “nấc dưới” là vào các trường thuộc Phòng GD&ĐT các huyện mà thôi. Tuy nhiên, sau khi dư luận phản bác mạnh mẽ, cuối cùng Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc đã mở rộng đối tượng tuyển dụng vào công chức năm 2011.
Dập tắt nhiều ước mơ?
Việc một số tỉnh thành công khai trong tuyển sinh công chức không lấy người tốt nghiệp đại học tại chức hay các trường dân lập, điều đó cũng thể hiện quyết tâm “cải thiện” và “thay máu” những trường hợp không làm được việc và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đại tá Chu Lai:Thế hệ trẻ sẽ mở cuộc hành binh nếu dân tộc bị xúc phạm
Clip: Trò bị thầy phạt vẫn nhăn nhở cười
Tuy nhiên, xét ở gốc độ nào đó người học tại chức cũng có nhiều năng lực, nhiều cố gắng. Một độc giải nói trên báo Tuổi trẻ rằng, hệ tại chức chỉ là “nồi cơm” cho các trường đại học. Nói vậy không có nghĩa là đồng tình với việc tẩy chay đại học tại chức. Hệ đại học này được Nhà nước công nhận, đồng thời cũng rất cần thiết cho nhu cầu học tập, cho khát vọng vươn lên của những ai không đủ điều kiện để theo đuổi hệ đại học chính quy. Không cho các ứng viên đại học tại chức tham dự cuộc thi công chức là chặn đường phấn đấu, khiến mơ ước của biết bao con người, nhất là thế hệ trẻ, trở nên đổ vỡ.
Trả lời báo Tuổi trẻ, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, trong chương trình đào tạo chuẩn đầu ra cho các trường chưa được chuẩn, chưa có những rạch ròi về xếp hạng từng trường, thương hiệu của nhà trường là do xã hội công nhận. Các trường ĐH công lập đã được Chính phủ cho phép thành lập, nghĩa là ít nhất nó đã được xem xét về mặt pháp nhân, có sự bảo đảm nhất định về chất lượng đào tạo. Song thực tế, nhà tuyển dụng vẫn đưa ra những tiêu chuẩn để từ chối hay chấp nhận, tức họ có lý do để phân định chất lượng. “Chất lượng đào tạo thật sự chưa đồng đều khi nhiều trường ĐH địa phương đào tạo sư phạm mới vừa được nâng từ trường CĐ sư phạm của tỉnh lên” GS. TS Lộc thẳng thắn.
Sau hàng loạt các tỉnh nói không với tại chức, nhiều ý kiến tranh luận đã nổ ra. Một độc giả bức xúc: “Nhà nước, Bộ GD&ĐT khuyến khích mọi người xã hội hóa giáo dục, sau đó lại đua nhau không tuyển họ! Thiết nghĩ, không phải là hệ tại chức có vấn đề mà cả hệ đào tạo cũng có vấn đề. Tại sao khi tuyển dụng không đánh giá năng lực của họ? Ai tốt, ai giỏi thật sự thì tuyển, không cần biết họ là hệ nào đào tạo, miễn sao đó là con người giỏi để đáp ứng chuyên môn, nghiệp vụ. Chúng ta bỏ ra cho hệ tại chức hàng nghìn tỉ đồng để như thế này sao?”
Độc giả Lê Thanh Tâm nói trên báo Tuổi trẻ: “Chẳng có gì lăn tăn về chất lượng của hệ đại học tại chức hiện nay, yếu kém đã rõ. Vấn đề cốt lõi là phải chấn chỉnh, chứ không phải con hư là bỏ. Chúng ta không vì thực trạng này mà “vơ đũa cả nắm”, xô đẩy hàng ngàn con người sang bên lề đường, vừa thiếu tính nhân văn, vừa tự cắt nguồn tìm kiếm nhân tài cho đất nước. Điều cần nhấn mạnh là phải thi tuyển công chức thế nào cho công bằng, nghiêm túc và minh bạch, đừng bị chi phối những chuyện tiền bạc, quan quyền hay chạy chọt “cửa trước, cửa sau”.
Xuân Trung (Tổng hợp)