Đức tính khiêm nhường và tình thương bao la của Người là sự kế thừa, phát triển sáng tạo giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đạt đến đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp đời sống văn hóa dân tộc, nâng chủ nghĩa nhân văn Việt Nam lên tầm cao mới.
Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh vẫn đau đáu nỗi niềm chăm lo cho nhân dân. Trong Di chúc, Người viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.
Đức tính khiêm nhường cao quý và tình thương bao la của Hồ Chí Minh là những phẩm chất, chuẩn mực thể hiện riêng trong con người Bác.
Đó là sự tôn kính lớp người đi trước, kính trọng nhân dân, giản dị, thanh đạm, thanh cao trong sinh hoạt hằng ngày; là cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, rất quý trọng thời gian, không ham muốn danh lợi riêng.
Đó là tình thương yêu con người hòa quyện với tình yêu thiên nhiên tạo nên tinh thần lạc quan.
Đức tính đó không chỉ tác động đến nhận thức mà còn có sức cảm hóa, lay động, truyền cảm hứng mạnh mẽ.
Bác Hồ nói chuyện với đồng bào xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội, sau buổi trồng cây mùa xuân, ngày 31/1/1965. Ảnh tư liệu |
Phong cách Hồ Chí Minh là phong cách của một vĩ nhân nhưng không xa lạ, không khác thường, mà rất gần gũi, ai ai cũng có thể học tập và làm theo.
Bác không bao giờ coi mình là lãnh tụ, là lãnh đạo mà chỉ tự nhận mình là người lính vâng lệnh quốc dân đồng bào để phục vụ nhân dân.
Sự phục vụ càng tận tâm, tận tụy thì càng đón nhận được sự kính trọng, giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân và bè bạn quốc tế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Khi Bác thăm Indonesia, Tổng thống Indonesia ngưỡng mộ Bác và tặng Bác ''Bằng Tiến sĩ danh dự”, đồng thời mời Bác nói chuyện với các giáo sư, tiến sĩ và sinh viên một trường đại học lớn ở thủ đô Jakarta của Indonesia.
Bác có bài phát biểu rất giản dị và khiêm nhường: "Tôi không có may mắn được học hành đầy đủ như các bạn.
Tôi chỉ tự học. Cuộc sống là người thầy vĩ đại của tôi. Thực tiễn đem lại cho tôi những tri thức về xã hội và nhân văn".
Bài phát biểu của Bác được cả hội trường chăm chú lắng nghe, ấn tượng sâu sắc và dành cho Bác sự đánh giá, ngưỡng mộ về tri thức, trí tuệ, đạo đức và nhân cách của bậc vĩ nhân.
50 năm thực hiện Di chúc của Bác và thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam |
Trước khi có ý định làm một công việc gì, bao giờ Bác cũng hỏi ý kiến của các bậc tiền nhân với sự kính trọng và khiêm nhường.
Với nhân dân, Người luôn coi đó là một trường học lớn...
Trong suốt cuộc đời, Người luôn là mẫu mực của đức khiêm nhường, đồng thời rất quan tâm giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên về đức khiêm nhường.
Hồ Chí Minh luôn phê bình thái độ của một số cán bộ “cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân.
Quên rằng, dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”.
Vì vậy, Người căn dặn cán bộ: “Đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật... Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc Tết đồng bào tỉnh Hà Bắc (Xuân Đinh Mùi, ngày 9/2/1967). Ảnh tư liệu |
Bằng sự khiêm nhường, Bác không chỉ thu phục được nhân tâm, hấp dẫn, lôi cuốn được mọi tầng lớp trong xã hội đi theo, cống hiến cho cách mạng đến trọn đời mà còn dành trọn được sự kính trọng, tin yêu, ủng hộ của nhân dân và bạn bè quốc tế đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Ký giả Petghi Đaphơ người Pháp viết: “Cụ Hồ xem khinh mọi vinh hoa và quyền cao chức trọng.
Cụ sống không phải trong Chủ tịch phủ mà trong một căn nhà nhỏ bằng gỗ. Cụ mặc bộ quần áo ka-ki bạc màu, đi dép lốp cao su”.
Tổng thống Cộng hòa Ai Cập cho rằng: “Thiên thần thoại của Cụ Hồ là cuộc sống giản dị và khiêm tốn.
Cụ bằng lòng với những sự giản dị đó, và không bao giờ lóe mắt vì những chuyến đi khắp thế giới...
Khi sống trong rừng núi cũng như khi làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Cụ đều luôn luôn giản dị và thanh bạch”.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, “công việc đối với con người” luôn là mối quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh.
Người luôn đề cao nhân tố con người trên tất cả các lĩnh vực của sự nghiệp cách mạng.
Mọi cách ứng xử của Hồ Chí Minh là ứng xử dựa trên cơ sở của tình người, yêu thương con người, là lòng nhân đạo, là tính nhân văn, là sự khoan dung độ lượng trong cuộc sống.
Theo Hồ Chí Minh, mọi sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại phải tới cái đích cuối cùng là giải phóng con người.
Tình thương bao la của Hồ Chí Minh còn biểu hiện ở sự khoan dung và nhân ái.
Đến thăm bất cứ nước nào, khi ở địa vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người đều dành thời gian tiếp xúc với nhân dân lao động, các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Hồ Chí Minh yêu thương con người không chỉ là sự quan tâm mà đó còn là sự hy sinh tất cả vì con người.
Suốt cuộc đời Hồ Chí Minh chỉ phấn đấu cho việc chung, vì lợi ích chung của cả dân tộc, của đất nước.
Trong Di chúc, Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Trong bài thơ “Theo chân Bác”, nhà thơ Tố Hữu viết: Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa/ Chỉ biết quên mình, cho hết thảy/ Như dòng sông chảy, nặng phù sa.
Học tập, làm theo đức tính khiêm nhường và tình thương bao la của Hồ Chí Minh chính là xây dựng cho mình một bản lĩnh và trí tuệ, tình thương và lòng bao dung, độ lượng với con người, với đồng chí, đồng đội, là đức khiêm tốn, sự cầu thị tiến bộ, ý chí quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời xứng đáng là người “đày tớ” thật trung thành và tận tụy của nhân dân.
Trung tướng LƯƠNG ĐÌNH HỒNG
Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Quốc phòng