“Hiệp sĩ đường phố” đi bắt cướp bị các đối tượng chống trả dẫn đến thiệt mạng là một điều đáng tiếc khi mọi người tiếp nhận thông tin này.
Hành động giúp người của các “hiệp sĩ” là niềm tiếc thương đối với người dân cả nước và được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện bằng hành động.
Lực lượng chức năng phong toả hiện trường, điều tra vụ việc. (Ảnh: Báo Tiền Phong) |
Ngày 18/5, Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản yêu cầu các trường học thông qua tiết sinh hoạt dưới cờ, tổ chức tuyên truyền giáo dục học sinh, sinh viên tinh thần dũng cảm của các "hiệp sĩ".
Văn bản nêu, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày qua, dư luận rất bàng hoàng trước vụ án 5 "hiệp sĩ" bị đâm thương vong vào ngày 13/5 trên địa bàn quận 3.
Nhằm tuyên truyền giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên về tinh thần dũng cảm hy sinh vì người khác. Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị thủ trưởng các đơn vị thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, thông qua tiết sinh hoạt dưới cờ, các hoạt động của nhà trường tổ chức tuyên truyền giáo dục học sinh, sinh viên tinh thần dũng cảm của 5 "hiệp sĩ" trong việc truy bắt tội phạm.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã vận động các tổ chức đoàn thể nhà trường tự nguyện quyên góp giúp đỡ nhằm động viên, chia sẻ kịp thời đối với các hiệp sĩ và gia đình vơi đi những khó khăn trước mắt…
Văn bản đã gây ra những tranh cãi trái chiều về việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh, sinh viên.
Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh giải thích, “hiệp sĩ” theo giải thích của Đại từ điển tiếng Việt có nghĩa là người có sức mạnh và lòng hào hiệp.
“Hiệp sĩ” hay bênh vực cho kẻ yếu, chống kẻ cường bạo. Chính vì thế, những người có tính “hiệp sĩ” hay thực hiện các hành vi cứu người.
Luật sư Lễ nói, “hiệp sĩ” được xã hội hiểu là những hành động chống lại kẻ cướp để cứu người, bắt kẻ trộm trả lại tài sản cho người bị trộm...
Đối với việc phát hiện người có dấu hiệu tội phạm thì ai cũng có quyền tố giác tội phạm theo qui định của Điều 5 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Nếu trong khả năng thì có thể hợp tác với những người có trách nhiệm để khống chế, bảo vệ hiện trường, tạm giữ tội phạm chờ bàn giao cho tổ chức có thẩm quyền xử lý.
Đối với người tố giác, theo qui định của Điều 484 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là những người được pháp luật bảo vệ.
Luật sư Hồ Nguyên Lễ nhấn mạnh, nếu với tính tự phát, tự thành lập đội nhóm đông người, tự hành động độc lập, tự sử dụng công cụ hỗ trợ, tự tạm bắt giữ người, tự tạm giữ tài sản tang vật... là vi phạm hàng loạt các qui định của pháp luật.
Những hành vi này vi phạm về các tội: Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; hoặc cũng có thể gây ra các tai nạn đáng tiếc khác như: Chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội...
Các tội trên được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Luật sư Lễ phân tích, bởi lẽ các “hiệp sĩ” chưa qua các trường lớp đào tạo bài bản như một chiến sĩ công an về các điều kiện cần và đủ để hành động săn bắt cướp, bắt trộm, bắt tội phạm.
“Hiệp sĩ” chưa được nhà nước thừa nhận, phân công chức năng nhiệm vụ chính quy hoặc bán chính quy cụ thể.
Phó Thủ tướng Thường trực chỉ đạo làm rõ vụ nhóm “hiệp sĩ” bị sát hại |
Nếu một đội nhóm tự phát hoạt động dù vì nghĩa hiệp nhưng không được nhà nước quản lý thì cũng không thể kiểm soát được hành động của đội nhóm đó.
Các đội nhóm này không thể biết hoạt động như thế nào là đúng chuẩn mực pháp luật quy định, thế nào là hành động của đội nhóm tự quy định, thế nào là cá nhân tự quy định...
Luật sư Hồ Nguyên Lễ đặt câu hỏi, những hoạt động này liệu có phù hợp pháp luật để tồn tại và điều chỉnh trong xã hội hay không? Lần này hiệp sĩ hy sinh thì được đề nghị phong liệt sĩ?
Lần sau hiệp sĩ lỡ tay đánh chết nghi can thì hiệp sĩ có phạm tội hay không phạm tội hay vô tội?
Luật sư Hồ Nguyên Lễ. (Ảnh: H.L) |
Sự mong manh ranh giới của hành động hiệp sĩ giữa “cái tâm” và “lạm quyền, thể hiện cá nhân” rất khó phân biệt.
Hành động của các hiệp sĩ là xuất phát từ tâm tốt, vì thấy sự bất bình mà ra tay cứu giúp người thế yếu... nhưng phải hành động đúng pháp luật khi quyết định xâm phạm đến tính mạng, thân thể, sức khỏe của người khác.
Luật sư Lễ nói, nhà nước phải xem xét có nên hay không cho phép sự tồn tại tự phát của các đội nhóm hiệp sĩ hay không? Nếu có thì quy chế, hành động, giới hạn hoạt động mức nào, tiêu chuẩn hiệp sĩ ra sao, khen thưởng, kỷ luật thế nào là phù hợp qui định pháp luật?
Đặc biệt, nếu hiệp sĩ bị thương tật hoặc hy sinh thì ai đền đáp, bồi thường, người thân được hưởng chế độ gì?
Có thể, các hiệp sĩ nói họ hành động hoàn toàn tự nguyện nhưng đã được pháp luật thừa nhận thì phải qui định cụ thể rõ ràng, tránh lạm dụng, nhầm lẫn hoặc hư cấu hành động.