LTS: Thông tin về Đề án Ngoại ngữ Quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 đặt mục tiêu thí điểm tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật như ngoại ngữ thứ nhất (tiếng anh) đang trở thành tâm điểm bàn luận của toàn ngành giáo dục.
Bàn về vấn đề này, thầy Lê Xuân Chiến (giáo viên trường Trung học Cơ sở Huỳnh Thúc Kháng, Quảng Nam) cho rằng nếu “cứ loay hoay thay đổi phần ngọn, đề án dạy học ngoại ngữ 9.400 tỷ đồng chỉ là tham vọng bất khả thi”.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Thực trạng này không thể giải quyết được bằng việc thay đổi Sách giáo khoa, sử dụng một vài phần mềm, lắp đặt một số “bảng thông minh” hay thay đổi cách kiểm tra, đánh giá.
Cứ loay hoay thay đổi phần ngọn, Đề án dạy học ngoại ngữ 9.400 tỷ đồng chỉ là tham vọng bất khả thi.
Cái lý của đề án
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố từ năm 2017 sẽ đưa môn Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc (cùng với Tiếng Anh) làm ngoại ngữ thứ nhất, tức ngoại ngữ bắt buộc đối với học sinh.
Năm tới sẽ bắt đầu triển khai đối với học sinh lớp 3, công bố này lập tức bị dư luận phản ứng gay gắt từ các nhà nghiên cứu đến giáo viên, phụ huynh, sinh viên, học sinh.
Ngày 22/9/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình đây là việc tiếp tục thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” theo Quyết định 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (gọi tắt là Đề án). [1]
Theo đó, thời gian tới học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất, thực hiện từ lớp 3 đến lớp 12.
Tiếng Anh học còn không ra hồn, nói gì đến tiếng Nga, Trung |
Ngoài ngoại ngữ thứ nhất, học sinh tự chọn một trong 3 ngoại ngữ thứ hai gồm tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Đức, thực hiện từ lớp 6 đến lớp 12.
Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn phá vỡ tính độc tôn của tiếng Anh, tạo sự đa ngôn ngữ trong hệ thống giáo dục.
Mục tiêu của đề án này nhằm đảm bảo người học khi hoàn thành chương trình Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông đạt được các chuẩn đầu ra quy định theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đã được ban hành.
Tham vọng tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai (ngôn ngữ chứ không phải ngoại ngữ) ở Việt Nam (như Singapore, Ấn Độ, Philippines) đã được đặt ra. Tức là xây dựng một lộ trình để tiến đến trong giao tiếp hành chính ở trường học, bệnh viện, công sở đều dùng tiếng Anh.
Liệu có khả thi?
Đặt ra vấn đề khả thi hay không, hãy nhìn lại 8 năm thực hiện Đề án 9.400 tỷ này.
Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 có mục tiêu là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường, để “đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, Cao đẳng và Đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam”.
Đề án có tổng kinh phí gần 9.400 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2008-2010 là 1.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 gần 4.400 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 4.000 tỷ đồng. Nhưng sau 8 năm thực hiện, đến nay Đề án này đạt hiệu quả đến đâu?
Tăng cường đầu tư thiết bị phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 (Ảnh minh họa trên vov.vn). |
Xin thưa, trong kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2016 vừa qua, môn Tiếng Anh có phổ điểm thấp nhất. Khả năng giao tiếp là một trong những điểm yếu của học sinh, sinh viên Việt Nam. [3]
Học ngoại ngữ thay vì học kỹ năng nghe - nói trước tiên thì ở Việt Nam ngược lại, chỉ thiên về học ngữ pháp, kỹ năng nghe - nói rất yếu, phương tiện nghe nhìn rất hạn chế, môi trường giao tiếp thực tế hầu như không có.
Thay vì chọn một bộ Sách giáo khoa tiếng Anh của nước ngoài có uy tín, Sách giáo khoa tiếng Anh của Việt Nam do người Việt soạn, do vậy không chuyển tải được các khác biệt văn hóa làm nền tảng cho việc đọc hiểu được.
Cách thức dạy học ngoại ngữ hiện nay chẳng khác gì biến một “sinh ngữ” là một “tử ngữ”.
Học tiếng Anh 10 năm ở Tiểu học và phổ thông, cộng thêm 4 - 5 năm ở Đại học nữa, nhưng nhiều người không có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh ở mức độ thông thường.
Không mấy người có thể nghe đài, đọc báo tiếng Anh; gặp người nước ngoài như “câm”, như “điếc”, mình không thể nói để người ta hiểu, người ta nói mình cũng không hiểu gì.
Hạn chế chưa thể khắc phục được của việc dạy, học ngoại ngữ hiện nay ở Việt Nam là thiếu người bản ngữ phụ trợ, làm cho việc phát âm sai lệch rất nhiều dẫn đến nghe sai. Có một sự thật ngoài ý muốn của giáo viên người Việt dạy ngoại ngữ là phát âm không chuẩn.
Tôi trải nghiệm không ít từ tiếng Anh, xưa nay giáo viên mình đọc nhưng tra trên những trang đáng tin cậy hay nghe người bản xứ đọc (cả giọng Anh hoặc giọng Mỹ), cách dạy của giáo viên Việt không chuẩn.
Cũng không thể trách giáo viên hay trách học trò, chỉ tiếc rằng, khi thiếu môi trường giao tiếp - thực hành, học ngoại ngữ hoàn toàn không có hiệu quả.
Về chất lượng đội ngũ giáo tiếng Anh, năm 2015, qua kỳ kiểm tra trình độ giáo viên của 30 tỉnh, thành do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, chỉ 3% giáo viên Trung học Phổ thông và 7% giáo viên Trung học Cơ sở đạt chuẩn theo yêu cầu đề án ngoại ngữ quốc gia. [4]
Đề án thi quốc gia riêng của TP. Hồ Chí Minh không có cơ sở để thực hiện |
Vậy chỉ riêng Tiếng Anh, qua 2/3 chặng đường (8/12 năm) của Dự án, từng ấy cũng đủ dự báo tính khả thi của toàn Dự án nói chung và giai đoạn 2016-2020 nói riêng.
Cũng rất nhiều ý kiến người dân cho rằng, chỉ mỗi một ngoại ngữ là tiếng Anh, học sinh học chưa xong, nay Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng thêm tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Pháp làm gì?
Tiếng Anh phải là ngoại ngữ ưu tiên trên hết vì đó là ngôn ngữ thông dụng và phổ biến nhất trên thế giới hiện nay; vậy không thể đưa tiếng Nga, tiếng Trung hay tiếng Pháp lên cùng vị trí “ngoại ngữ thứ nhất”, ngang hàng với tiếng Anh được.
Hơn nữa không vì thế mà bắt buộc học sinh phải học tiếng Nga, tiếng Trung hay tiếng Pháp. Bộ Giáo dục và Đào tạo và địa phương các tỉnh, thành cần tôn trọng quyền lựa chọn của học sinh, không áp đặt trường kia, lớp kia phải học ngoại ngữ gì.
Môi trường giao tiếp, thực hành ngoại ngữ không có, chất lượng giáo viên không đạt chuẩn; người học không có nhu cầu tự thân, chẳng qua học để thi.
Thực trạng này không thể giải quyết được bằng việc thay đổi Sách giáo khoa, sử dụng một vài phần mềm, lắp đặt một số “bảng thông minh” hay thay đổi cách kiểm tra, đánh giá.
Cứ loay hoay thay đổi phần ngọn, đề án dạy học ngoại ngữ 9.400 tỷ đồng chỉ là tham vọng bất khả thi.
Duy ý chí
Hàng chục thập kỷ qua, dạy học một môn ngoại ngữ bắt buộc (tiếng Anh) đã chưa xong, lại bắt học sinh học thêm ngoại ngữ khác (tiếng Nga, Trung, Pháp, Hàn, Nhật, Đức) để làm gì?
Trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay như vậy là duy ý chí, nếu không muốn nói là ảo tưởng khi cho rằng học càng nhiều ngoại ngữ càng tốt; không thể so sánh Việt Nam mới Singapore, Ấn Độ được.
Trình độ kinh tế, điều kiện văn hóa, xã hội của Việt Nam bất lợi hơn họ nhiều, nếu không muốn nói là thua xa cả một trời một vực.
Việt Nam không phải là quốc gia đa ngôn ngữ, người nước ngoài rất ít, du học sinh nước ngoài học tại Việt Nam cũng rất hiếm.
Qua hơn 9 năm gia nhập WTO, chúng ta hội nhập đến đâu?
Liệu trong 5, 10 năm nữa, các công ty liên doanh với nước ngoài có cần tất cả mọi người đều nói tiếng Anh (hoặc tiếng Nga, Trung, Pháp) trong giao tiếp hay chỉ cần một người phiên dịch hay 5, 3 người biết nói tiếng Anh là đủ?
"Dạy ngoại ngữ đừng làm ồ ạt rồi báo cáo thành tích ảo" |
Vậy đào tạo đa ngôn ngữ ở cấp Tiểu học, phổ thông để làm gì?
Đối với tiếng Nga, Trung, Pháp chỉ cần đào tạo ở bậc Đại học là đủ, nếu không yên tâm về chất lượng, có thể tăng thời gian đào tạo thêm 1 - 2 năm, siết đầu ra cho thật chặt.
Tiếng Nga, Trung, Pháp chỉ nên xếp vào ngoại ngữ thứ 2 (tự chọn, không bắt buộc), khuyến khích học sinh tự nguyện học, theo nguyện vọng của phụ huynh và các em.
Đừng nói từ “thí điểm” ở đây, đề án đã phê duyệt từ 8 năm trước, “thí điểm” cái gì nữa?
Đối với ngành giáo dục từ trước đến nay, trên thực tế chưa bao giờ có chuyện “thí điểm” mà sau đó không làm thật, dù nhiều thứ rất không ổn như chương trình phân ban trước đây, bây giờ là mô hình VNEN, sắp tới là bài thi tổ hợp trong kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia và đưa tiếng Nga, Trung, Pháp vào “thí điểm” đối với học sinh lớp 3.
Dẫu biết ngành giáo dục “làm dâu trăm họ”, vì việc của ngành liên quan đến người học, đến toàn dân.
Những dự án đổi mới giáo dục không chỉ cần được người dân quan tâm mà còn cần được chia sẻ, ủng hộ.
Nhưng giáo dục là quốc sách hàng đầu, tác động đến vận mệnh tương lai của đất nước, vì vậy cách “đổi mới” theo “tư duy tiểu nông, nay làm chỗ này, mai sửa chỗ khác thì nền giáo dục không thể nào phát triển được”. [5]
Học sinh, giáo viên, phụ huynh đang “tẩu hỏa nhập ma” vì nạn dạy thêm, học thêm, chương trình quá tải, mô hình VNEN, đổi mới thi cử xoành xoạch mỗi năm một kiểu, bây giờ lại thêm “siêu dự án” dạy học ngoại ngữ, đưa tiếng Nga, Trung, Nhật làm ngoại ngữ bắt buộc đối với học sinh.
Một khi không được người dân ủng hộ, chẳng có việc nào thành, đừng để Đề án dạy học ngoại ngữ thành tham vọng bất khả thi!
Tài liệu tham khảo:
[1] http://thoidai.com.vn/giao-duc/bo-giao-duc-giai-trinh-ve-ke-hoach-thi-diem-day-tieng-nga-va-tieng-trung-he-10-nam_t114c20n32035
[2] http://vtv.vn/giao-duc/bo-gddt-noi-gi-ve-thi-diem-day-tieng-nga-trung-quoc-20160922220256318.htm
[3] http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20111224/ngoai-ngu-day-mai-sinh-vien-van-kem/470754.html
[4] http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hoc-tieng-anh/chi-3-giao-vien-thpt-dat-chuan-tieng-anh-3329032.html
[5] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dung-lam-chuong-trinh-sach-giao-khoa-bang-tu-duy-tieu-nong-post171049.gd