Đề án thi quốc gia riêng của TP. Hồ Chí Minh không có cơ sở để thực hiện

26/09/2016 09:39
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Dù đề án tổ chức thi riêng có hợp lý đến đâu thì cũng không có cơ sở để thực hiện, không đảm bảo nguyên tắc thống nhất chung của giáo dục.

LTS: Mới đây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có gửi văn bản xin thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Đề án thi và xét tốt nghiệp năm 2017”, thành phố muốn tự xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

Bàn về đề xuất này, thầy giáo Trần Trí Dũng cho rằng cho dù đề án tổ chức thi riêng của thành phố Hồ Chí Minh có hợp lý đến đâu thì cũng không có cơ sở để thực hiện, không đảm bảo nguyên tắc thống nhất chung của giáo dục.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Theo thông tin từ Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 22/9/2016 Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa có tờ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đề án thi, xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông riêng của thành phố bắt đầu từ năm 2017.

Theo đó, nếu được thông qua, bắt đầu ngay từ năm 2017, kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia sẽ được thành phố Hồ Chí Minh thực hiện riêng theo từng giai đoạn:

Nếu đề án thông qua, học sinh thành phố Hồ Chí Minh sẽ có kỳ thi Trung học Phổ thông riêng (Ảnh: thanhnien.vn).
Nếu đề án thông qua, học sinh thành phố Hồ Chí Minh sẽ có kỳ thi Trung học Phổ thông riêng (Ảnh: thanhnien.vn).

Giai đoạn 1, trong năm 2017: Việc thi và xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ tuân thủ theo quy chế thi của Bộ Giáo dục ban hành, bổ sung thêm một số điểm như sau:

a. Thí sinh thi 3 môn là Toán, Văn và Ngoại ngữ vào 2 ngày 2, 3/6/2017. Thí sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi bằng môn thay thế môn Ngoại ngữ; thời gian thi Văn, Toán là 120 phút, còn Ngoại ngữ là 90 phút.

Nội dung nằm trong chương trình Trung học Phổ thông hiện hành, chủ yếu vẫn là chương trình lớp 12.

Mỗi câu hỏi thể hiện rõ điểm số; mỗi môn thi sẽ có cả đề chính thức và đề dự bị, mức độ tương đương nhau cả về yêu cầu và nội dung. Đề thi sẽ có cả hướng dẫn chấm và đáp án kèm theo.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đảm bảo tính chính xác, khoa học, đánh giá được trình độ của học sinh thể hiện qua đề thi.

b. Thí sinh tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ phải thi 3 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ. Việc xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông được thực hiện theo công thức: {(Tổng điểm 3 bài thi + tổng điểm khuyến khích - nếu có)/ 3 + điểm trung bình cả năm lớp 12}/ 2 + điểm ưu tiên (nếu có).

c. Công nhận các trường hợp Tốt nghiệp Trung học Phổ thông, áp dụng đối với học sinh được miễn thi, và phải đủ điều kiện dự thi theo quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục, thi đủ bài, không bị kỷ luật ở mức hủy bài thi trở lên, bài thi phải đạt trên 1 điểm, có điểm xét tốt nghiệp từ 5 điểm trở lên.

Bên cạnh đó thành phố Hồ Chí Minh đề nghị mở rộng các trường hợp miễn thi Trung học Phổ thông Quốc gia đối với một số đối tượng cụ thể.

Giai đoạn 2 (từ năm 2018 trở đi): Việc thi, nội dung đề thi, đối tượng miễn thi cũng áp dụng như giai đoạn 1. Ngoài 3 môn thi như cũ, giai đoạn này sẽ áp dụng thi thêm môn tích hợp với thời gian làm bài 120 phút.

Cách tính điểm để xét tốt nghiệp trong giai đoạn này sẽ áp dụng như sau: Tổng điểm các bài thi cộng tổng điểm khuyến khích (nếu có) chia cho tổng số môn; cộng thêm với điểm ưu tiên (nếu có).

Đề án thi quốc gia riêng của TP. Hồ Chí Minh không có cơ sở để thực hiện ảnh 2

Khi nào Việt Nam thành quốc gia liên bang thì hãy nghĩ đến phương án thi riêng

Tổng số môn thi, áp dụng cho hệ Trung học Phổ thông là 4 môn và hệ giáo dục thường xuyên là 3 môn (không thi Ngoại ngữ).

Cũng giống như trong giai đoạn 1, ở giai đoạn 2 điểm xét tốt nghiệp cũng sẽ lấy đến 2 chữ số thập phân, do phần mềm máy tính tự động thực hiện.

Điểm thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông này sẽ có thể được dùng để xét tuyển vào các trường trung cấp nghề, Cao đẳng và Đại học trên cả nước, phụ thuộc vào kế hoạch tuyển sinh của từng trường riêng biệt.

Thông tin này, cùng với việc thành phố Hồ Chí Minh đã từng xin làm Sách giáo khoa riêng lập tức gây được sự chú ý.

Nhiều chuyên gia giáo dục đã bày tỏ lo ngại về một "quốc gia giáo dục riêng" ở thành phố phương Nam.

Vì thế, với đề án của thành phố Hồ Chí Minh đã đặt ra vấn đề cần thiết phải xem lại những vấn đề về pháp lý cũng như các chủ trương, quy định hiện hành trong giáo dục, đặc biệt là đối với bậc Trung học Phổ thông.

Một trong những đặc trưng quan trọng nhất của Giáo dục nói chung là tính thống nhất và ổn định, đặc trưng này được thể hiện đối với mỗi nền giáo dục của mỗi quốc gia nhất định. Vì thế, luật Giáo dục Việt Nam ban hành năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã quy định rõ:

"Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn nhà giáo, quy chế thi cử, hệ thống văn bằng, chứng chỉ; tập trung quản lý chất lượng giáo dục, thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục" (điều 14).

Như thế, trong quy định này có thể hiện tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục nhưng không có nghĩa là là giao hoàn toàn. Vì thế, nhìn từ góc độ này thì đề án mà thành phố Hồ Chí Minh đề nghị được tổ chức thi Trung học Phổ thông riêng là thiếu căn cứ.     

Mặt khác, theo Nghị định số 32/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/3/2008 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì:

"Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các cơ sở giáo dục khác về các lĩnh vực: mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch, chất lượng giáo dục và đào tạo; tiêu chuẩn nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh; hệ thống văn bằng, chứng chỉ; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; quản lý Nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật" (điều 1).

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo:

"Ban hành các quy chế thi và tuyển sinh, chế độ cử tuyển; tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng giáo dục; quy định về đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục; quy định về điều kiện thành lập, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; quy định chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục ở từng cấp học và trình độ đào tạo thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ; chỉ đạo kiểm định chất lượng giáo dục" (điều 2).

Như thế, theo những quy định này thì Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ sở duy nhất có chức năng và thẩm quyền quyết định việc tổ chức, ban hành quy chế chế thi và tuyển sinh đối với tất cả mọi vùng miền trong phạm vi cả nước.

Vì thế, cho dù đề án tổ chức thi riêng của thành phố Hồ Chí Minh có hợp lý đến đâu đi chăng nữa cũng không có cơ sở để thực hiện, không đảm bảo nguyên tắc thống nhất chung của giáo dục.

Bên cạnh đó, luật giáo dục còn quy định:

"Học sinh học hết chương trình Trung học Phổ thông có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) cấp bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông" (điều 31).

Quy định này đảm bảo quyền lợi của người học được hưởng nền giáo dục tập trung, thống nhất của Nhà nước ta.

Ngoài ra, luật Giáo dục chỉ quy định về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường trung cấp, trường Cao đẳng, trường Đại học (điều 60) chứ không có quy định về tính tự chủ của các địa phương đối với giáo dục nói chung. Vì thế, một lần nữa có khẳng định việc thành phố Hồ Chí Minh muốn tổ chức thi Quốc gia riêng là không có căn cứ.

Tuy nhiên, sau đề nghị "vượt rào" này của thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần thiết phải xem lại quy chế thi Quốc gia hiện hành, sớm hoàn thiện quy chế cho kỳ thi năm 2017 và lấy đó làm tiền đề cho những năm tiếp theo.

Đề án thi quốc gia riêng của TP. Hồ Chí Minh không có cơ sở để thực hiện ảnh 3

Chi tiết đề án thi quốc gia riêng của Thành phố Hồ Chí Minh

Trên thực tế, dự thảo phương án xét tuyển và tuyển sinh năm 2017 theo tôi là cũng đã có những hợp lý nhất định.

Với hình thức thì gồm 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân) đã thể hiện yêu cầu về tính toàn diện kiến thức đối với học sinh.

Việc dự thảo quy định mỗi tỉnh có một cụm thi cũng là hợp lý, nhưng cần quy định thêm theo hướng để học sinh có thể thi ngay tại trường mình từng học, như thế vừa thuận tiện, đỡ tốn kém và tạo ra sự ổn định đối với các em.

Bởi lẽ, với địa bàn trải rộng thì việc các em đến các cụm thi trong tỉnh để thi cũng là vất vả, gây không ổn định và tốn kém cho xã hội.    

Trên đây là một số quan điểm và ý kiến xung quanh vấn đề thành phố Hồ Chí Minh xin tổ chức thi riêng, tác giả mong muốn cùng bạn đọc tham khảo và trao đổi.                                                                                                       

Trần Trí Dũng