Ngày 17/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã họp với các đơn vị triển khai giai đoạn 2016-2020 của đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”.
Sau khi lắng nghe 12 ý kiến góp ý từ 6 điểm cầu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tóm lược một số nội dung cần thực hiện càng nhanh càng tốt.
Thứ nhất, Ban Quản lý đề án phối hợp với Ban Quản lý đề án địa phương đặc biệt là các trường chuyên ngữ rà soát lại chuẩn giáo viên.
“Đối với giáo viên trường sư phạm ngoại ngữ cũng phải có chuẩn, chứ không phải cứ tiến sĩ là có chuẩn. Ví dụ nhiều thầy cô có bằng cấp Tiến sĩ tiếng Anh nhưng lại ít am hiểu về dạy cho phổ thông nên các thầy các cô dùng lý thuyết nhiều”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Các đơn vị cần rà soát các thầy cô đang đứng lớp ở các theo 6 bậc chuẩn của khung tham chiếu Châu Âu. Bên cạnh đó, các đơn vị sẽ đối chiếu đội ngũ giáo viên hiện có với chuẩn.
“Đây là việc làm cần thiết xây dựng được cơ sở chuẩn để làm căn cứ cho xây dựng đào tạo bồi dưỡng. Tôi đề nghị việc này chậm nhất 31/10 phải có kết quả báo cáo. Căn cứ vào số liệu này trung tâm đào tạo ngoại ngữ sẽ có số liệu đào tạo bồi dưỡng”, Bộ trưởng Nhạ cho biết.
Còn kế hoạch mời giáo viên bản ngữ, Bộ GD&ĐT đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ là trong khi chưa sửa được Nghị định 73 về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thì Chính phủ cho phép điều chỉnh điều kiện để thu hút giáo viên bản ngữ.
Tiêu chuẩn đối với giáo viên bản ngữ sẽ giảm so với trước kia.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị ngày 17/9 (Ảnh: Thùy Linh) |
Đối với dạy đại học thì chỉ cần bằng đại học và chứng chỉ ngoại ngữ. Dạy trung cấp và các trung tâm thì chỉ cần bằng cao đẳng.
“Tới đây tôi đề nghị các vụ bậc học đặc biệt là vụ Hợp tác quốc tế, cục Đào tạo nước ngoài tăng cường mở rộng giao lưu hỗ trợ các địa phương để có giáo viên bản ngữ.
Trong khi chúng ta chưa ra được nước ngoài thì chúng ta học từ người nước ngoài vào nước ta. Vấn đề không chỉ là ngôn ngữ phát âm mà cả văn hóa. Như thế mới tạo được sự giao thoa”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Thứ hai, đối với người học, Bộ trưởng Nhạ đề nghị dạy tiếng Anh hệ 10 năm. Hiện tại, môn tiếng Hàn, tiếng Nhật hiện đang có 2,3 địa phương đang thí điểm. Một số địa phương như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội đang dạy cả tiếng Nhật, tiếng Hàn.
Bộ trưởng Nhạ gợi ý nên đưa vào các môn học dùng được tiếng Anh, nhưng không nhất thiết phải viết giáo trình tiếng Anh mà nghiên cứu nước nào có chương trình chuẩn thì thí điểm dạy dần.
Những con số "biết nói" của giáo dục phổ thông năm học 2015-2016(GDVN) - Năm học 2015 - 2016, ngành Giáo dục nỗ lực thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. |
“Đối với bậc đại học và học nghề, tôi khuyến khích đẩy nhanh những môn khoa học công nghệ, kỹ thuật.
Chúng ta nhập giáo trình về, cả thầy và trò cùng dịch để trong quá trình dạy chính là quá trình học để làm sao sinh viên tốt nghiệp ngành trọng điểm, trường trọng điểm tiếng Anh ngon lành”, Bộ trưởng Nhạ lưu ý.
Các môn Khoa học Tự nhiên cần thiết dạy bằng tiếng Anh bởi “môn Toán của Việt Nam không thể khác Toán của Singapore”. Còn các môn khoa học xã hội thì sẽ triển khai từ từ.
Vì vậy, sách giáo khoa sắp tới cũng không phải yêu cầu các thầy “tự biên tự diễn”.
"Có rất nhiều môn phải sử dụng được những thành quả của công nghệ giáo dục thế giới để đưa vào. Tránh tình trạng các thầy lập trại để ngồi viết đề cương tất cả các môn”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Mục tiêu cuối cùng của chúng ta không phải là thi nhưng thực tế hiện nay cho thấy nếu không thi thì học sinh không học.
Và một trong những nhược điểm của chúng ta học sinh phổ thông chỉ học thuộc là chủ yếu.
Cho nên, chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm tới lớp 12 của khóa học 2016-2017 thông qua việc sớm công bố bài thi trắc nghiệm Tiếng Anh minh họa để học sinh, giáo viên được làm quen.
Qua các phương tiện thông tin cho biết học sinh ngay từ đầu chỉ học những môn mà thi thôi dẫn đến tốt nghiệp phổ thông lệch ngay từ đầu, lệch các môn chính môn phụ.
“Các thầy cô môn chính không bao giờ hết việc rồi dạy thêm học thêm. Nhiều cô thầy dạy môn học sinh không thi thì không có việc. Đối với phổ thông phải toàn diện, cần hướng đến thi tốt nghiệp là 13 môn chứ không phải 6 môn để thầy cô nào cũng phải có trách nhiệm.
Môn ngoại ngữ cũng vậy, các thầy các cô phải chú ý có dạng thức đề thi, làm sao để các thầy cô có thời gian quen với phương thức này. Chúng ta đưa ra những chuẩn cơ bản thì chất lượng thi sẽ tốt hơn nhiều”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Thứ ba, về chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh. Bộ trưởng đề nghị chọn lựa một bộ sách giáo khoa chất lượng của một nước nào đó rồi về chỉnh sửa cho phù hợp rồi thống nhất đưa vào chương trình dạy từ tiểu học cho đến lớp 12.
Và đối với các trường Đại học, Cao đẳng, Bộ cũng khuyến khích dùng luôn giáo trình đó. Bộ sẽ quy hoạch những chuyên ngành và trường trọng điểm, tăng cường dạy tiếng Anh tiếp cận chuẩn quốc tế.
Dùng SGK số thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020(GDVN) - Các Giáo sư, chuyên gia nước ngoài góp ý cần áp dụng SGK số trong giảng dạy để nâng cao việc học và dạy Ngoại ngữ trong Đề án 2020. |
Qua quá trình làm việc với một số Nhà xuất bản của Hàn Quốc, Singapore, Bộ GD&ĐT nhận thấy các đơn vị này có những học liệu hỗ trợ, những video clip rất hay đưa lên mạng. Vì vậy, các đơn vị phải tăng cường đưa công nghệ hỗ trợ việc học mọi lúc mọi nơi.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị giám sát chặt chẽ chất lượng trung thực với năng lực để trình độ B1 đúng là B1 chứ không phải bằng B1 nhưng thực tế trình độ chỉ đạt A1.
Thứ tư, Bộ trưởng Nhạ lưu ý vấn đề khảo thí. Thực tế, chúng ta có khảo thí nhưng nội dung, chương trình lại không thống nhất giữa các cơ sở và vênh với chương trình quốc tế.
Vừa qua, ban quản lý đề án đã giao cho các trường đại học ngoại ngữ làm bản tham chiếu 6 bậc với khung Châu Âu được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao.
“Tôi đề nghị chúng ta phải rà soát vào chương trình, thống nhất cho toàn quốc. Và giữa khảo thí với chương trình giảng dạy phải phù hợp, không được rơi vào tình trạng học một đằng, khảo một kiểu; việc khảo thí là đo lường đánh giá liên tục”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Trong khảo thí chia làm 2 nhóm, nhóm 1 là căn cứ vào khung 6 bậc đo cấp chứng chỉ. Nhóm 2 là Bộ sẽ khuyến khích một số trung tâm ETS hay British council, ai có nhu cầu thi IELTS hoặc TOEFL thì vào đây.
Còn hệ thống quốc gia là khảo thí thống nhất theo các bậc học này, và duy nhất một hệ thống là trung tâm khảo thí quốc gia để tránh tình trạng mỗi trường một “khảo”, quản lý không nghiêm túc.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ thẩm định, ban hành định dạng đề thi, xây dựng và phát triển các định dạng đề, ngân hàng đề.
Trong kế hoạch triển khai, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý đến tạo môi trường cho người học bằng các giải pháp như: tổ chức thi tiếng Anh trực tuyến, thi học sinh giỏi tiếng Anh, sinh hoạt trong các câu lạc bộ tiếng Anh, tổ chức trại hè, giao lưu tiếng Anh quốc tế.
Bây giờ, Bộ sẽ tập trung về các đầu mối là trung tâm ngoại ngữ của các trường Đại học ngoại ngữ, họ sẽ xây dựng chuẩn/quy chuẩn, nội dung chương trình. Căn cứ vào đó, họ “đo” giáo viên đang có để đào tạo lại theo chuẩn. Bộ sẽ chỉ đạo tăng cường công nghệ thông tin để có thể đào tạo trực tuyến.
Ví dụ, để đạt trình độ nhất định cần có 300 giờ đào tạo thì trong đó 250 giờ học trực tuyến (giáo viên có thể ngồi học tại chỗ sau khi vừa giảng bài trên lớp xong), 50 giờ học trực tiếp.
Thứ năm, để cho đất nước nâng cao trình độ tiếng Anh, việc phổ cập tiếng Anh tốn rất nhiều tiền bạc, nếu chúng ta chỉ nhìn vào ngân sách thì sẽ thất bại ngay từ đầu.
Bộ chủ trương là không đầu tư dàn trải, phân tán dẫn đến lãng phí mà tập trung vào những vấn đề cốt lõi.
“Vì vậy chúng ta phải sử dụng có hiệu quả, ngân sách nhà nước tập trung cho những nội dung mà tôi nêu. Còn các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học... khi cử giáo viên đi phải bỏ tiền ra.
Đặc biệt là trông cậy vào xã hội hóa, khi xã hội thấy hiệu quả, mọi người sẽ tự học”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh những nội dung quan trọng đã nêu, người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhắn nhủ thêm với các vị đại biểu nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, truyền thông và nâng cao đội ngũ cán bộ quản lý.