Đừng dùng GV phục vụ sân chơi của các công ty, thầy cô cần chuyên tâm dạy học

23/08/2023 06:40
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Bản thân tôi cũng không cho con tham gia các cuộc thi trên mạng, bởi hiện còn có nhiều điều bất cập nhưng không được xử lý triệt để", một thầy giáo cho biết.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải các bài viết băn khoăn về các vấn đề xung quanh việc tổ chức sân chơi, cuộc thi trên mạng:

Vụ Giáo dục Trung học có tham gia "tổ chức" Violympic cho Tập đoàn FPT?

Vì sao lại dùng nhân sự, trường lớp để phục vụ sân chơi Violympic của FPT?

Sân chơi của FPT, trường tổ chức mất tiền, GV mất công, sao vô lý thế?

Các bài viết trên thu hút rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc là các chuyên gia giáo dục, phụ huynh, đặc biệt là đội ngũ hiệu trưởng, giáo viên trên cả nước.

Rất nhiều ý kiến bày tỏ sự cảm ơn đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã giúp cho họ hiểu rõ hơn nhiều vấn đề về việc tổ chức sân chơi này. Nhiều hiệu trưởng, giáo viên cho biết, trước nay họ cứ làm theo các công văn chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo và cứ nghĩ đó là nhiệm vụ phải làm.

Phòng Giáo dục và Đào tạo nhiều địa phương tổ chức hội đồng coi thi cuộc thi Violympic. Ảnh: website phòng giáo dục.Phòng Giáo dục và Đào tạo nhiều địa phương tổ chức hội đồng coi thi cuộc thi Violympic. Ảnh: website phòng giáo dục.

Một giáo viên tiểu học tại Ninh Bình gửi mail về cho Tòa soạn thật thà chia sẻ: "Thực tế, các năm qua, giáo viên ở các trường khi được phổ biến công văn chỉ đạo của Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức sân chơi Violympic và một số cuộc thi giải Toán, Tiếng Anh, tiếng Việt qua mạng internet thì không mấy người biết đến đó là sân chơi của công ty nào. Bởi giáo viên được phân công thì phải làm. Nếu ai được giao mà không thực hiện có khi còn bị phê bình.

Mong rằng sắp bước vào năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có động thái cụ thể chỉ đạo để chấm dứt việc ngành giáo dục các địa phương huy động giáo viên, cơ sở vật chất đi phục vụ cho một sân chơi của công ty tư nhân. Nó là trò chơi của các công ty thì để các công ty làm, đúng nghĩa là sân chơi. Quan trọng hơn nữa, năm nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai đến lớp 4, thầy cô có rất nhiều việc phải làm. Những công việc không phải trách nhiệm của giáo viên theo quy định thì càng không có lý do gì bắt giáo viên chúng tôi làm cả"

Một thầy giáo đang giảng dạy bậc trung học cơ sở tại Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay, ngay gần nơi thầy cư trú, có trường hợp học sinh lớp 2 được nhà trường yêu cầu khi học tại trường, học sinh phải tham gia tất cả các cuộc thi trên mạng. Vị thầy giáo này thống kê sơ sơ, mỗi năm có tổng cộng khoảng 8 cuộc thi, sân chơi tổ chức qua mạng (bao gồm mất tiền và không mất tiền).

Đối với lớp vị giáo viên này tham gia giảng dạy, khi có cuộc thi diễn ra, thầy sẽ trao đổi với học sinh, phụ huynh để ai tham gia thì đăng ký, bởi đó là quyền của học sinh.

Thầy thật thà chia sẻ: "Năm học vừa rồi, học sinh trong lớp của tôi chủ nhiệm cũng đã tham gia một cuộc thi Lịch sử trên mang. Theo đó, các đáp án đã được cài mặc định nhưng kiểm soát, kiểm định chưa chặt chẽ dẫn tới một số đáp án bị sai, dù học sinh làm đúng. Điều này, khiến học sinh có thắc mắc với ban tổ chức cũng khó".

Nam giáo viên cho hay, tình trạng nghẽn mạng tại các cuộc thi trên mạng vẫn hay xảy ra, điều này ảnh hưởng đến kết quả làm bài, cũng như công sức ôn luyện của các em, khiến học sinh, phụ huynh bức xúc.

Vị giáo viên này cũng chia sẻ một thực tế, nhiều học sinh tham gia các cuộc thi trên mạng có thành tích được trao giấy chứng nhận. Phụ huynh cũng rất hào hứng đưa lên "khoe" trên mạng xã hội. Điều này cũng khiến học sinh thích "sống ảo", nhưng khi tham gia các cuộc thi chính thức của ngành giáo dục như thi học sinh giỏi các cấp lại không đạt thành tích nào khiến các em dễ bị hụt hẫng.

"Các con giờ học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải học cả sáng và chiều tại trường, đến tối về nếu dành thời gian ôn luyện cho cuộc thi trên mạng lại sao nhãng bài vở trên lớp.

Bản thân tôi cũng không cho con tham gia các cuộc thi trên mạng, bởi hiện còn có nhiều điều bất cập nhưng không được xử lý triệt để", thầy giáo này cho biết.

Nam giáo viên cũng cho rằng, những kiến thức của học sinh tham gia cuộc thi trên mạng không có nhiều tác dụng đối với các cuộc thi tại nhà trường.

Để đăng ký tham gia Violympic, người dùng phải điền thông tin cá nhân như email , số điện thoại, trường...Để đăng ký tham gia Violympic, người dùng phải điền thông tin cá nhân như email , số điện thoại, trường...

Các cuộc thi, sân chơi trên mạng không nên khai thác quá nhiều thông tin học sinh

Ngoài vấn đề băn khoăn xung quanh việc huy động nhân sự, cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục phục vụ các sân chơi, cuộc thi do các công ty triển khai thì nỗi lo về bảo mật dữ liệu của học sinh tham gia các cuộc thi này cũng được phụ huynh rất băn khoăn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Trung - Founder & CEO Công ty an ninh mạng CyStack cho hay, về nội dung bảo mật thông tin cá nhân khi người dùng đăng ký tài khoản các cuộc thi, nếu như một hệ thống bảo mật của một cuộc thi trên mạng bị kẻ xấu xâm nhập, dữ liệu người dùng có nguy cơ bị lộ rất cao. Những người bị lộ thông tin lúc này sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ.

Người dùng có thể bị spam quảng cáo, tin nhắn rác như là quảng cáo khóa học hay các chương trình đào tạo hoặc gặp những kẻ lừa đảo có kịch bản (gần đây có vụ việc lừa đảo thông báo học sinh đi cấp cứu, cần chuyển tiền viện phí. Bị quấy rối trực tiếp (qua địa chỉ nhà).

Để hạn chế tối đa các nguy cơ bảo mật và xâm phạm dữ liệu người tham gia tại các cuộc thi lớn, việc tuân thủ nghiêm ngặt các chính sách an toàn thông tin là điều mà các tổ chức phải thực hiện, trong đó cần chú ý đến: "Thu thập thông tin của thí sinh theo nguyên tắc tối thiểu, không nên yêu cầu thí sinh phải cung cấp quá nhiều thông tin không thực sự cần thiết.

Định danh tổ chức ở các nhà mạng (tức là khi người dùng nhận tin nhắn, người gửi hiển thị đúng tên tổ chức) để hạn chế các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo đến thí sinh.

Có chính sách bảo mật dữ liệu nội bộ, phân tầng mức độ quan trọng của dữ liệu và chỉ cho phép những nhân viên có thẩm quyền được truy cập tầng dữ liệu đó. Lưu trữ dữ liệu an toàn, thực hiện mã hóa các dữ liệu quan trọng", ông Trung nói.

Phụ huynh phàn nàn xung quanh các lỗi xảy ra khi con họ tham gia sân chơi Violympic. (Ảnh: FB)

Phụ huynh phàn nàn xung quanh các lỗi xảy ra khi con họ tham gia sân chơi Violympic. (Ảnh: FB)

Về tình trạng lỗi mạng trong các cuộc thi vẫn thường xuyên xảy ra, tạo nên kết quả thi thiếu công bằng khách quan, ông Trung cho hay, các hệ thống thi về bản chất là các giải pháp phần mềm, vì vậy lỗi hoàn toàn có thể xảy ra trong quá trình vận hành hệ thống. Lỗi ở đây có thể xảy ra do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Lỗi chủ quan có thể đến từ đơn vị phát triển hệ thống khi lập trình hệ thống chưa đủ tốt, kiểm soát thiếu các trường hợp ngoại lệ trong chương trình hay do hệ thống chưa được triển khai trên hạ tầng đủ sức đáp ứng với lượng thí sinh dự thi.

Bên cạnh đấy thì những lỗi khách quan thường đến từ nhà cung cấp hạ tầng hệ thống khi máy chủ và các dịch vụ liên quan gặp sự cố hoặc đường truyền Internet thiếu ổn định. Những tình huống này đòi hỏi đơn vị tổ chức cuộc thi phải có những kế hoạch dự phòng hệ thống tại những nhà cung cấp khác.

Chia sẻ thêm về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Tuân (Giám đốc trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng trực thuộc Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, thông tin từ Bộ Công an, trong hai năm 2019, 2020, dữ liệu cá nhân mua bán trái phép trên thị trường chợ đen lên tới gần 1.300 GB dữ liệu, chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân của nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước.

Việc mua bán thông tin cá nhân không chỉ diễn ra đơn lẻ giữa các cá nhân mà có sự tham gia có tổ chức của các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập thông tin cá nhân của khách hàng và cho phép các đối tác thứ ba tiếp tận thông tin cá nhân, thông tin cá nhân của khách hàng.

Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, thứ nhất là yếu tố phi kỹ thuật, do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thu thập nhiều, không bảo vệ an toàn. Chia sẻ trái phép cho bên thứ ba; lộ lọt từ nhân viên quản lý dữ liệu. Bên thứ ba cấu kết với nhân viên quản lý dữ liệu của tổ chức, doanh nghiệp.

Về nguyên nhân liên quan đến yếu tố kỹ thuật là do các hệ thống thông tin chưa phê duyệt và triển khai đầy đủ các phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ tương ứng. Các hệ thống thông tin thu thập, xử lý, lưu trữ thông tin cá nhân của người dùng nhưng không bảo đảm an toàn, an ninh mạng, dẫn đến bị tấn công, khai thác.

Ông Tuân cũng chia sẻ về những vụ lộ lọt, đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân lớn, như vào tháng 4/2021, Facebook bị lộ dữ liệu cá nhân của 533 triệu người dùng;

Tháng 9/2022, công ty viễn thông hàng đầu Úc Optus bị tấn công và đánh mất dữ liệu cá nhân của 9,8 triệu khách hàng (40% dân số). Đây được coi là vụ tấn công mạng thế kỷ ở Úc.

Tháng 10/2022, nền tảng thương mại trực tuyến Carousell của Singapore bị lộ lọt dữ liệu của 1.95 triệu người dùng.

Mạnh Đoàn