Xuất phát từ kết quả rà soát ngành ĐH, CĐ trong trường đại học từ cuối tháng 3/2013, các ngành bị dừng tuyển sinh không đáp ứng đủ điều kiện tại Khoản 1, Điều 7 của Thông tư 08 quy định về điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng. Cụ thể, với ngành đào tạo ĐH phải có ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ, ngành đào tạo trình độ CĐ cũng phải bảo đảm có ít nhất 4 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký.
Nghệ thuật không phải là Robot
Với quy định này 71 trường đã không đáp ứng được yêu cầu, trong đó có những trường có tới 15-16 ngành buộc bị dừng tuyển sinh. Khá đặc biệc, nhiều trường thuộc diện đặc thù như sân khấu điện ảnh cũng bị dừng tới 15 ngành đào tạo.
Quy định trên có thể đúng với một số ngành vì không thể để cử nhân đào tạo cử nhân, song những ngành học chuyên ngành thuộc khối năng khiếu nếu áp dụng quy định trên lại trở thành máy móc, thiếu thực tế.
Lãnh đạo, giảng viên Trường Đại học Sân khấu điện ảnh bức xúc trước việc 15 ngành của trường bị dừng tuyển sinh. Ảnh Xuân Trung |
Ngay như tiêu chí phải đủ giáo viên cơ hữu theo quy định rất không thực tế với ngành nghệ thuật. Đào tạo trong các trường nghệ thuật là dạy nghề và ai cũng hiểu thầy dạy nghề phải giỏi nghề. Một giảng viên của Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội cho biết, nhiều NSND, NSƯT là những người giỏi nghề, có thực tế có thể dạy cho sinh viên. Diễn viên giỏi, nổi tiếng, do gắn bó với nhà hát, đoàn diễn, nếu diễn viên ra trường ở lại giảng dạy thành “giảng viên cơ hữu” thì sẽ không có nghệ sỹ tài năng, nổi tiếng, giỏi nghề để dạy sinh viên. Do đó, đòi hỏi giảng viên cơ hữu với ngành nghệ thuật là thiếu thực tế.
Nếu theo quy định dừng tuyển sinh 207 ngành mà Bộ GD&ĐT vừa công bố thì Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội sẽ phải dừng tới 15 ngành đào tạo, gồm: Biên kịch sân khấu, Đạo diễn Điện ảnh – Truyền hình, Công nghệ kỹ thuật Điện, Điện tử, Biên kịch Điện ảnh – Truyền hình, Nhiếp ảnh, Công nghệ Điện ảnh – Truyền hình ,Thiết kế mỹ thuật Sân khấu – Điện ảnh, Lý luận và Phê bình ĐA – Truyền hình, Lý luận và Phê bình Sân khấu , Quay phim, Biên đạo Múa, Huấn luyện múa, Lý luận, Phê bình Múa, Diễn viên Sân khấu kịch hát, Đạo diễn Sân khấu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, cho biết nếu cần một tiến sỹ về quay phim thì 3-4 năm nữa chưa chắc đã có, và thực tế tấm bằng tiến sỹ với chuyên ngành sáng tác nghệ thuật không thể thay thế được thành tựu và kinh nghiệm sáng tác của bản thân người thầy.
Qua câu chuyện này chúng tôi xin đưa ra ví dụ cụ thể cho một ngành nghệ thuật phải chịu chung tình cảnh dừng tuyển sinh – ngành Nhiếp ảnh.
Nhiếp ảnh gia Vũ Huyến - Giảng viên khoa Nhiếp ảnh, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội cũng cho hay, ông ủng hộ việc chuẩn hóa và rà soát để có chất lượng, nhưng với những quyết định “trên trời” của Bộ GD&ĐT khiến ông cảm thấy bức xúc.
“Trên tinh thần cái chung, có những ngành, những nghề phải dẹp, nhưng có những ngành, những nghề phải bảo vệ tới cùng. Không nên biến những chỉ đạo của nhà nước về Văn hóa nghệ thuật trở thành robot, nghệ thuật không phải là một thứ máy” ông Huyến bức xúc.
Cũng theo vị nguyên là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, ngay cả Chủ tịch Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam cũng không có bằng thạc sỹ, nhưng tại sao họ lại có những tác phẩm nghệ thuật để đời?
Ông Vũ Huyến bức xúc trước cách Bộ GD&ĐT chưa hiểu rõ tính đặc thù của các ngành nghệ thuật. |
“Thầy tôi là những nhà nhiếp ảnh không có chữ nào của kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những người mà hiện nay viết câu văn chưa hay bằng tôi, đó là thầy tôi đấy. Thầy tôi là những nhà nhiếp ảnh để cho lịch sử, để cho cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, để bây giờ được giải thưởng nhà nước Hồ Chí Minh, đó là thầy tôi” ông Huyến dẫn chứng.
Ông Vũ Huyến cũng cho biết, với nhiếp ảnh không chỉ đào tạo nghề mà còn là đào tạo con người. Nếu áp dụng tiêu chí như trong Thông tư 08 thì tầng lớp như ông, hay như Chủ tịch Hội nhiếp ảnh cũng phải ra nước ngoài mới lấy được bằng.
“Tác phẩm nghệ thuật còn để đời được”
Cùng với quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Thường – Giảng viên nhiếp ảnh, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội cho biết, nếu quy định trong năm tới trường phải có tới 2 thạc sỹ, 1 tiến sỹ nhiếp ảnh để được tuyển sinh tiếp thì hơi buồn cười, người ta gọi là nghệ sỹ nhiếp ảnh, không ai mang mác tiến sỹ nhiếp ảnh.
Ông Thường kể câu chuyện, năm 1959 dưới sự giúp đỡ của CHDC Đức nhà nước ta đã cử 20 người sang đó học, trong đó có 5 người học ảnh. Hòa bình lập lại tiếp tục cử 4 người đi học nước ngoài, trong đó có 3 ảnh và 1 báo. Suốt nửa thế kỷ qua chỉ có từng ấy người đi học. Cử nhân như lớp ông Thường cũng đã có 40 năm cầm máy, đã viết rất nhiều sách giáo khoa về nghệ thuật nhiếp ảnh cho sinh viên, bản thân ông vào trường cũng chỉ vì thế hệ trẻ, không vì tư lợi, để phát triển nghề nhiếp ảnh.
Trao đổi thêm, ông Vũ Quốc Khánh – Chủ tịch Hội nhiếp ảnh Việt Nam cũng cho rằng, nhiếp ảnh hiện nay đang có tình trạng tay ngang nhiều, tay ngang thì nặng về kinh nghiệm và không được đào tạo bài bản (có được yếu tố để tạo nên một tác phẩm ảnh).
Khi được đào tạo các em sẽ hiểu được lịch sử nhiếp ảnh, bố cục, ánh sáng, đọc được ảnh và bình được ảnh, khi đó mới tham gia làm ảnh được.
Ông Khánh cho biết, nhiếp ảnh hiện nay đang rất khó khăn, có những giải thưởng cả một năm chỉ có 80 tác phẩm dự thi, bản thân ông áy náy sao tác phẩm của một quốc gia ít như vậy? Chính vì thế đào tạo nhiếp ảnh là rất quan trọng, cần phải giữ ngành này, nếu không giữ được thì ảnh luôn luôn ở dạng bình bình và chẳng có ý nghĩa gì.
Ông Lê Đăng Thực – Nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu điện ảnh, cho biết: “Trường của chúng tôi là trường dạy nghề, nhưng là dạy nghề đặc biệt, không phải là dạy lắp ráp xe đạp hay đóng bàn ghế. Dạy nghề thì cần có con người giỏi nghề. Đội ngũ cơ hữu là cần, nhưng những thầy giảng lý thuyết lâu năm cũng đã được học lý thuyết, và kết hợp vào công việc làm cụ thể nhưng không phải là tiến sỹ hay phó tiến sỹ. Bộ GD&ĐT không hiểu đặc thù này hoặc Bộ cũng có nghiên cứu những trường khác, những ngành nghệ thuật học ở trong trường đại học, ở đó không dạy nghề mà chỉ dạy lý luận cơ bản”.
Ông Thực cũng cho hay, người dạy nghệ thuật không phải dạy xong là bỏ đi mà phải theo dõi sinh viên từ khi vào cho tới lúc ra trường, để biết cá tính nghệ thuật như thế nào để để giúp tài năng người học phát triển theo sở thích. Ông cho rằng, hiện nay đang có sự không hiểu nhau, Bộ không hiểu đặc thù của trường.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc cho dừng 207 ngành đào tạo là việc làm trong kế hoạch tổng thể hàng năm. Kết quả rà soát từ năm 2010 đến cuối năm 2012 đã xử lý một loạt chuyên ngành đào tạo tiến sỹ và thu hồi giấy phép 58 chuyên ngành, năm 2012 có 61 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ không đủ điều kiện.
Năm 2014 đã công bố 207 ngành dựa trên báo cáo thống kê đội ngũ của các nhà trường. “Khi tiếp nhận báo cáo từ các trường chúng tôi đã làm việc với các trường để cân đối đảm bảo đội ngũ, đồng thời cũng tiến hành rà soát xác suất, ngẫu nhiên. Trên cơ sở báo cáo như vậy chúng tôi mới đưa ra quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo. Quan điểm của Bộ là xử lí nghiêm và cương quyết” ông Tuấn cho biết.