Dương Chí Dũng bỏ trốn vì một cuộc điện thoại từ người thân?

13/12/2013 13:33
Quyết Nguyễn
(GDVN) - Sau khi nhận được một cuộc điện thoại từ người thân cho biết, Cơ quan điều tra đã khởi tố và có lệnh bắt đối với mình, Dương Chí Dũng đã lập tức bỏ trốn.

Quanh co chối tội

Sáng nay, TANDTP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử vụ án Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.

Tại phiên xét xử, việc các bị can bị khởi tố về hành vi Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng, bị cáo Dương Chí Dũng thừa nhận: “Bị can thừa nhận mình có sai. Nhưng đó là sai về quá trình triển khai, thủ tục đầu tư như phê duyệt dự án khi chưa được phép. Vấn đề này, các anh em cấp dưới làm, nhưng tôi cũng đã ký vào các văn bản. Là Chủ tịch HĐQT nhưng tôi đã không giám sát công việc của cấp dưới và để xảy ra sai phạm. Điều này là tôi có trách nhiệm, tôi thừa nhận.”

Dương Chí Dũng cũng khai nhận, Dũng được bổ nhiệm là Chủ tịch  HĐQT Vinalines. Dũng không quản lý tài sản của đơn vị này. Trong quá trình làm lãnh đạo Vinalines, Dũng không ban hành bất cứ văn bàn nào dưới tư cách cá nhân, mà đều có sự thống nhất của HĐQT.

Dương Chí Dũng tại phiên tòa sáng nay.
Dương Chí Dũng tại phiên tòa sáng nay.

Liên quan đến tội Tham ô tài sản, Dương Chí Dũng khẳng định là bị cáo không tham ô tài sản. Trước đó, bị cáo Trần Hải Sơn đã khai nhận 1,666 triệu USD tiền “lại quả” từ vụ mua ụ nổi 83M rồi chia cho Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người 10 tỷ đồng. Sơn đưa tiền cho Dũng làm 2 lần, Phúc 3 lần.

Liên quan đến số tiền 1,666 triệu USD mà Sơn đã nhận từ Công ty AP nói trên, bà Trần Thị Hải Hà, Giám đốc Công ty Phú Hà và cũng là em gái của Trần Hải Sơn cho biết tại tòa: “Điều này là đúng sự thật. Khi đó anh Sơn có nói với tôi là có một người bạn ở bên Singapore cho mượn ít tiền nên đã hỏi tôi mượn tài khoản đề nhận tiền. Anh ấy bảo nhận rồi khi nào cần thì anh ấy nhờ rút hộ.”

Liên quan đến một số giấy tờ để hợp thức việc chuyển tiền mà HĐXX hỏi, bà Hà cho biết: “Vì là chỗ anh em, anh ấy nhờ thì tôi ký giúp chứ không nắm được nội dung những giấy tờ đó.”

Bà Hà cũng khẳng định rằng, Công ty Phú Hà không có quan hệ làm ăn gì với công ty AP. Vào thời điểm giúp Dũng chuyển nhận tiền, Hà không biết Công ty AP là công ty nào.

Về việc được Sơn cho 2 tỷ đồng, bà Hà nói: “Năm 2009, anh tôi có cho tôi 2 tỷ đồng và tôi đã nhận. Nhưng tôi không biết đó là tiền của Vinalines. Trong quan hệ gia đình, có lúc ấy cho tôi, có lúc tôi cho anh ấy. Việc anh ấy cho tôi 2 – 3 tỷ là chuyện bình thường..”

Theo trình bày của bà Hà, bà cũng có biết một lần Sơn đem tiền chuyển cho Dũng: “Tôi cũng đã gặp bác Dũng nhiều lần. Khoảng giữa năm 2008, anh Sơn bảo tôi là có các sếp Tổng sắp và TP Hồ Chí Minh công tác và bảo tôi chuẩn bị 5 tỷ. Sau đó, anh ấy đã đem tiền đến khách sạn Victory để anh ấy đưa cho bác Dũng (tức Dương Chí Dũng).”


Dương Chí Dũng từ chối khai người thân gọi điện báo tin

Tại phiên xét xử sáng nay, HĐXX cũng đề cấp đến vấn đề tại sao Dương Chí Dũng bỏ trốn. Theo đó, Dũng khai rằng, khoảng 6h00 tối ngày 17/5/2012, Dũng đã nhận được một cuộc điện thoại từ người thân. Nội dung cuộc điện thoại này nói rằng: “Anh hãy tạm lánh đi đâu đó một thời gian. Cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố và có lệnh bắt anh rồi!”

Dương Chí Dũng khẳng định, việc bị can bỏ trốn là do hoảng sợ sau khi nhận được cuộc điện thoại nói trên chứ không có suy nghĩ trốn đi để tránh tội.

“Sau khi nghe vậy, tôi hoảng quá, vội vàng bỏ đi luôn mà không suy nghĩ gì cả. Tôi bỏ đi không phải vì sợ tội và để trốn tránh trách nhiệm. Nếu không có cuộc điện thoại đó thì tôi không bao giờ bỏ đi,” Dũng khẳng định.

Theo lời khai của Dũng, trước đó bị can đã được Cơ quan điều tra mời lên làm việc liên quan đến những sai phạm trong việc đầu tư dự án nhà máy đóng tàu phía Nam và việc mua ụ nổi 83M của Vinalines. Dũng cũng khẳng định rằng, trong thời gian Dũng bỏ trốn, Dũng đã sử dụng tiền có sẵn của mình mà không có ai đưa tiền cho bị can.

HĐXX hỏi ai là người đã báo tin trong cuộc điện thoại nói trên, Dũng nói: “Điều này bị can đã khai với Cơ quan điều tra trong một vụ án khác rồi. Nếu tòa yêu cầu bị can phải khai thì bị can sẽ khai. Nhưng nếu không, bị cáo xin phép được không nói ở đây, vì ở đây, bị cáo đang khai về vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản. Hơn nữa, nói ra điều này ở đây có thể tạo dư luận không tốt.”

Quyết Nguyễn