Duyệt binh ở Moscow, Tập Cận Bình phản khách vi chủ

10/05/2015 09:25
Hồng Thủy
(GDVN) - Cả Mao Trạch Đông và Hồ Cẩm Đào đều không được chủ nhà mời lên duyệt binh đài như Tập Cận Bình lần này.
Khối nghi trượng quân đội Trung Quốc tham gia duyệt binh tại Quảng trường Đỏ 9/5, ảnh: Reuters.
Khối nghi trượng quân đội Trung Quốc tham gia duyệt binh tại Quảng trường Đỏ 9/5, ảnh: Reuters.

Đa Chiều ngày 9/5 đưa tin, 9 giờ sáng hôm qua giờ Moscow, Nga tổ chức duyệt binh kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng. Ông Tập Cận Bình Chủ tịch Trung Quốc cùng Tổng thống nước chủ nhà cùng xuất hiện trên lễ đài diễu duyệt tam quân. Đội nghi trượng Trung Quốc dẫn đầu khối quân đội nước ngoài. Tập Cận Bình vốn đến Kremlin làm khách, nhưng ông cùng với Putin duyệt đội hình diễu binh ở Hồng Trường cho thấy trên thực tế Tập Cận Bình đã trở thành "một trong những chủ nhân" của cuộc duyệt binh này.

Trong bối cảnh lãnh đạo Anh, Pháp, Đức từ chối tập thể tham dự buổi lễ duyệt binh này, Putin trọng thị Tập Cận Bình ở Quảng trường Đỏ cho thấy, ông muốn phương Tây hiểu rằng Moscow không cô đơn, mà còn có sự ủng hộ rất mạnh mẽ từ Bắc Kinh.

Tâp Cận Bình không phải nguyên thủ đầu tiên của Trung Quốc tham dự duyệt binh tại Moscow. Năm 1957 Mao  Trạch Đông đã dự duyệt binh kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng 10, năm 2005 Hồ Cẩm Đào cũng có mặt ở Hồng Trường. Nhưng cả Mao Trạch Đông và Hồ Cẩm Đào đều không được chủ nhà mời lên duyệt binh đài như Tập Cận Bình lần này.

Chuyến đi Nga này, Tập Cận Bình cũng dẫn theo đoàn tháp tùng hơn 60 quan chức. Nếu như Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tháp tùng Tổng thống Putin duyệt binh, thì Tập Cận Bình cũng đem theo Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương bên cạnh. Ban đầu đáng lẽ đội nghi trượng Trung Quốc tham dự duyệt binh ở Moscow nhiều lắm không quá 70 người như các nước khác, nhưng sau khi đàm phán với Moscow, khối đội hình quân đội Trung Quốc được điều chỉnh "nhỉnh hơn", với 112 người.

Binh sĩ đội quân danh dự của Trung Quốc toàn cao trên 1,88 mét, trong quá trình xếp đội hình đồng thanh hát vang bài Kachiusa bằng tiếng Nga làm "chấn động Hồng Trường". Lần đầu tiên quân đội Trung Quốc cử lực lượng tham gia duyệt binh ở nước ngoài khiến dư luận chú ý đặc biệt. Hình ảnh Mao Trạch Đông cũng xuất hiện trong đội ngũ duyệt binh ở Moscow ngày hôm qua, lần đầu tiên kể từ năm 1949 đến nay.

Theo Đa Chiều, việc Tập Cận Bình phản khách vi chủ tại Hồng Trường ngày 9/5 và sự xuất hiện của hình ảnh Mao Trạch Đông có 3 dụng ý chủ yếu. Đầu tiên là sự thể hiện tính chính thống chính trị, bởi với nhiều người dân Trung Quốc ông Mao Trạch Đông không chỉ là vĩ nhân, mà còn là một biểu tượng về sự "tự hào lẫn kiêu ngạo" của họ, Đa Chiều nhấn mạnh. Lần này Tập Cận Bình mang theo ảnh Mao Trạch Đông sang Moscow duyệt binh ngoài dụng ý khẳng định quan hệ Trung - Nga lên đỉnh cao mới, cái ông muốn biểu đạt hơn nữa là vị thế Trung Quốc bây giờ đã khác hẳn năm xưa.

Tổng thống Nga Putin và vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo dõi các màn trình diễn vũ khí ở Quảng trường Đỏ 9/5, ảnh: AP.
Tổng thống Nga Putin và vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo dõi các màn trình diễn vũ khí ở Quảng trường Đỏ 9/5, ảnh: AP.

Mao Trạch Đông trước đây đi dự duyệt binh ở Moscow là trong thế bị động, Liên Xô chủ động. Năm 1957 Mao Trạch Đông chỉ được đứng quan sát chứ không được chủ nhà mời duyệt đội ngũ như Tập Cận Bình. Ông Bình mang ảnh Mao Trạch Đông đến Hồng Trường cho thấy chủ nhân Trung Nam Hải ngày nay vừa muốn tỏ lòng kính trọng, nhưng đồng thời cũng ngầm thể hiện mình ngang hàng với Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Đa Chiều bình luận.

Thứ hai, Tập Cận Bình muốn nhân chuyến đi này để qua tay Putin tô lại vinh quang chiến thắng trong Thế chiến II. Tập Cận Bình có mặt trên Hồng Trường ngày 9/5 thực chất là một động thái trao đổi lợi ích giữa 2 nước, bởi ngày 3/9 năm nay Trung Quốc cũng duyệt binh mừng 70 năm "chiến thắng Nhật Bản" và Putin đã nhận mời tham dự.

Hiện tại vẫn chưa rõ Trung Nam Hải có mời các chính khách phương Tây tham dự duyệt binh tháng 9 này không, ngay cả nguyên thủ láng giềng là Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có sang Bắc Kinh dịp này hay không cũng còn đang bỏ ngỏ. Trong trường hợp lãnh đạo Mỹ, Nhật, Hàn và châu Âu vắng mặt, sự có mặt của Putin ở Thiên An Môn tháng 9 này sẽ giúp chủ nhà đỡ bối rối.

Duyệt binh ở Hồng Trường dù lãnh đạo Mỹ, châu Âu không sang dự nhưng 28 quốc gia EU châu Âu đều có đại diện đến dự lễ. Đại sứ Mỹ tại Moscow cũng có mặt, bởi Nga thực sự là nước chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới II, còn Trung Quốc thì khác. Dư luận châu Á đại đa số cho rằng Mỹ mới là nước đánh bại Nhật Bản chứ không phải Trung Quốc. Việc Bắc Kinh liên thủ với Moscow cùng hỗ trợ nhau trong các hoạt động kỷ niệm chiến thắng chống phát xít thực tế chỉ nhằm "dây máu ăn phần" mà thôi.

Dụng ý thứ ba theo Đa Chiều là Trung Nam Hải muốn mượn bóng Kremlin để xoay chuyển mâu thuẫn Trung - Mỹ. Quy mô kỷ niệm chiến thắng chống phát xít ở Nga lớn bao nhiêu, tác động ảnh hưởng với phương Tây lớn bấy nhiêu. Phương Tây có lẽ cho rằng Nga thể hiện "cơ bắp" trong cuộc duyệt binh là có "dã tâm", lại còn được Trung Quốc chống lưng nên sẽ ngày càng tự tin hơn.

Mâu thuẫn Mỹ - Nga rõ ràng có lợi cho Trung Quốc. Lịch sử cũng cho thấy, mỗi khi quan hệ Mỹ - Nga xuất hiện nguy cơ hoặc xung đột, quan hệ Trung - Mỹ lại có bước phát triển biến đổi về chất.

Hồng Thủy