Giáo dục 24 giờ qua:

Giáo dục 24 giờ qua: Nữ phi công và robot đánh cờ

30/01/2013 09:42
Quay Quay
(GDVN) - Ô hay, vớ vẩn, hai chuyện này thì liên quan gì đến giáo dục?

Nhiều người sẽ đặt ngay trong đầu câu hỏi này.

Chong chóng, vung nồi

Nếu bạn là người đang đi làm và đã có con. Con bạn càng nhỏ tuổi càng tốt, giới hạn tuổi nhỏ nhất trong giả thiết của tôi là bé đã biết tự bi bô chơi, điều khiển một số thứ bằng đôi tay nhỏ đáng yêu.

Còn bạn, cứ thử hình dung mình như một vật gì đó tròn tròn, xù xì hoặc nhẵn nhụi, kết cấu đơn giản hoặc phức tạp v.v. miễn là quay được. Chẳng hạn cái chong chóng.


Hầu hết thời gian trong ngày, nhịp công việc cuốn bạn đi, giống như cái chong chóng đứng trước gió. Một lô một lốc chong chóng thì được cắm trên “cây” của một cô gái trạc đôi mươi đứng ở chân tòa tháp Vincom Hà Nội, nhưng không được đến trường như các nữ sinh. Lúc nhanh, lúc chậm, thậm chí đứng im, tùy gió! Con bạn đòi mua. Bé sẽ dùng bàn tay nhỏ bé quay nó theo chiều ngược lại với chiều quay bình thường. Con trẻ mà!

Dường như càng lớn trẻ càng ít được để cho tự chơi. Rất nhiều phụ huynh, tôi tin, nếu ngồi cạnh con đang chơi một thứ gì đó, chẳng hạn bé đang quay cái vung nồi (nguội) bạn để rơi dưới đất, quay chiều đi rồi quay chiều ngược lại (thậm chí có khi toàn quay ngược), bạn sẽ bảo: con quay thế này này (rồi quay theo chiều kim đồng hồ). Tuy vậy, bé cứ làm theo ý nó. Bạn cười sung sướng.

Nhưng chưa chắc sau này khi các bé lớn dần lên, những việc kiểu tương tự sẽ khiến người lớn cười như thế. Dĩ nhiên bao gồm cả việc học. Ví dụ: văn miêu tả bà, cô giáo bảo là tóc bạc phơ thì là tóc bạc phơ, không cãi, dù bà của con tóc còn đen nhánh; nếu không ăn điểm “trứng cuốc” v.v. và v.v.

Chẳng hạn con bạn (con trai) muốn học đàn, bạn (bố) vốn từng lẫy lừng ở ban A trường B (!) thời trung học, có thể sẽ cho rằng ước mơ “ẻo lả” quá! Phải như bố đây này! Kỹ sư 7/7 nhé! Bố từng thi Rô-bô-con đấy! Bố từng chế tạo Robot chơi cờ tướng trong lễ tốt nghiệp đại học đấy!

Hoặc nếu bạn là mẹ, từng có giọng hát ngọt như mía lùi khiến bao chàng trai trồng cây chuối, nay bạn là ca sĩ không diva cũng chẳng loàng xoàng, còn con gái thì: Mẹ ơi, con muốn học võ! Mẹ ơi, con muốn làm phi công! Choáng!

Tuy nhiên xin được nói lại, ở trên là giả định, không phải chuyện về “nữ phi công” và “Robot đánh cờ” nêu ra ở đầu bài.

Nữ phi công và Robot đánh cờ

Dĩ nhiên chỉ cần dừng lại vài giây bạn sẽ đoán ra “vô thiên lủng” các giả thiết vì sao tôi lại “tự tiện” xếp 2 khái niệm trên với chuyện về giáo dục. Chúng ta có thừa tri thức và kinh nghiệm để đưa ra những giả thiết đó. Các bạn có 6 giây để suy nghĩ và trả lời… (ai hay xem “Đấu trường 100” sẽ rất quen câu này).

Còn đây là câu trả lời, rất đơn giản thôi.

Trên Báo Thanh Niên, mục Giáo dục, ngày 29/1, viết đại ý: Để trở thành nữ phi công em phải làm thế nào – nữ sinh hỏi. Người tư vấn tuyển sinh trả lời: “Với ngành phi công và tiếp viên hàng không, học viện chỉ có chương trình đào tạo ngắn hạn, tuyển sinh riêng theo từng đợt chứ không qua kỳ thi đại học, cao đẳng. Cả hai ngành phi công và tiếp viên hàng không đều tuyển sinh cả nam và nữ. Điều kiện chung để vào học là tốt nghiệp THPT, giao tiếp tốt, có sức khỏe và ngoại hình theo quy định. Riêng trình độ tiếng Anh, với ngành phi công thí sinh phải đạt tối thiểu 450 TOEIC, ngành tiếp viên hàng không tối thiểu 350 TOEIC… Với chương trình đào tạo phi công hiện nay do học viện liên kết với trường đối tác của Pháp tổ chức, học phí trọn gói 3 năm (1 năm tại Việt Nam, 2 năm tại Pháp) là 60.000 - 70.000 USD”.

Số tiền lớn quá! Tương đương hơn 1,2 – 1,4 tỷ đồng bây giờ! Mấy ai đủ sức cho con đi học? Thôi thì... cho đi hát, kiếm vài chục triệu mỗi show là chuyện thường, tội gì!

Trên Báo VTC News, mục Giáo dục, ngày 29/1, viết kèm clip: Sinh viên Bách Khoa chế tạo robot chơi cờ tướng. “Một nhóm sinh viên thuộc bộ môn Tự động, khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Bách Khoa TP.HCM vừa hoàn thành luận văn tốt nghiệp với ý tưởng khá độc đáo: Thiết kế robot chơi cờ tướng. Sau 4 tháng lập trình và lắp ráp, robot chơi cờ tướng đã ra đời”.

Oa! Cá nhân tôi khi đọc thì chợt nghĩ: Nếu cậu em mình (từng thi Robocon) mà theo đuổi ham mê cháy bỏng của nó hồi đấy, thì có khi giờ này con robot đánh cờ là “con muỗi”.

Dĩ nhiên, “con muỗi” này so với các thành tựu của cách dạy - học ở các nước tiên tiến chỉ là… “con vi khuẩn”, thậm chí, “vi-rút”! Có khi một đề tài tốt nghiệp của sinh viên nước bạn giá trị gấp mấy một luận án tiến sĩ “giấy” ở Việt Nam.

Chân thành xin lỗi các tiến sĩ chân chính, nhưng tôi cho rằng điều này là sự thật!

Đây là bản tin tổng hợp tin tức giáo dục 24 giờ qua, trên Giaoduc.net.vn

Quay Quay