Hiện nay, các trường tiểu học của 36 tỉnh đang triển khai thí điểm dạy học cả ngày. Việc này, đòi hỏi một nguồn nhân lực và cơ sở vật chất rất lớn. Tuy nhiên, do chưa có đội ngũ riêng để phục vụ cho những sinh hoạt của học sinh tại trường nên phần lớn các giáo viên vẫn phải kiêm nhiệm luôn việc này.
Cần nâng cao chế độ chính sách đối với giáo viên dạy học cả ngày. |
Cô Hoàng Thị Bình giáo viên chủ nhiệm lớp 3A, Trường Tiểu học Yến Lạc, huyện Na Rì (Bắc Kạn) cho biết: Năm học 2012-2013, nhà trường thực hiện việc dạy học cả ngày. Để bảo đảm đúng thời gian giảng dạy, buổi sáng cô Bình có mặt tại trường lúc 6h45. Giờ làm việc buổi chiều, cô Bình phải chuẩn bị từ lúc 13h30, rồi lên lớp và kết thúc vào 17h.
Theo cô Bình, do đặc thù học cả ngày nên nhà trường tổ chức ăn trưa cho các em học sinh ngay tại trường. Chính vì vậy, vào giờ nghỉ buổi trưa cô phải kiêm luôn việc sắp xếp cho học sinh ăn trưa và bố trí chỗ ngủ cho các em. Thời gian cho việc này phải rất chính xác để không ảnh hưởng đến giờ học buổi chiều. Vì vậy, nhiều khi cô cũng không có thời gian để nghỉ ngơi trước khi vào giờ dạy buổi chiều.
Cô Nông Thị Nga, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yến Lạc cho biết, nhờ Chương trình SEQAP mà chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ 1,5 cô giáo/lớp học nên các cô giáo khá vất vả khi phải kiêm nhiệm nhiều việc. Ngoài việc dạy học, các cô phải cho các em ăn, phải kê bàn ghế để cho các em ngủ trưa.
Có những buổi các cô ăn trưa xong rồi lại dạy học buổi chiều nên không có giờ nghỉ trưa. Về lâu dài, nếu thực hiện học cả ngày gánh nặng sẽ đè lên vai các giáo viên khi phải đảm đương khối lượng công việc lớn. Theo cô Nga, nhà trường rất mong muốn được tăng chỉ tiêu biên chế, hoặc có chế độ cho các cô giáo khi phải kiêm nhiệm thêm công việc.
Ngoài vất vả do việc tăng giờ lên lớp, các cô giáo còn phải kiêm nhiệm “quản mẫu”. Tại Trường tiểu học A Túc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có 100% học sinh là người dân tộc Vân Kiều. Ngay khi áp dụng thí điểm việc dạy học cả ngày đã có nhiều vấn đề phát sinh. Mỗi học sinh ở các gia đình đều có giờ giấc ăn ngủ sinh hoạt khác nhau.
Chỉ riêng việc tổ chức cho các em ăn ngủ đúng giờ cũng mất rất nhiều thời gian của giáo viên. Một số em khác không ngủ thì đọc truyện, xem ti vi, chơi cờ vua, cờ tướng tại các khu vực khác nhau của trường nên các cô giáo vẫn phải trông các em nên không được nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến sức khoẻ và chất lượng giờ dạy buổi chiều của các cô.
Trả lời phóng viên, TS.Trần Đình Thuận, Giám đốc BQL Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học cho biết, đa số các trường học cả ngày hiện nay đều ở các vùng thuận lợi, chỉ có một số trường ở các vùng khó khăn đang được tổ chức thí điểm.
Giáo viên đến dạy học ở vùng sâu, xa, miền núi tuy được trả lương cao nhưng cũng rất ít người tình nguyện phục vụ lâu dài. Do đó, nếu triển khai học cả ngày với tất cả các trường thì vấn đề thu hút giáo viên đến với vùng khó khăn và tiền để trả lương cho họ cũng là một vấn đề nan giải.
Còn TS.Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, theo như mục tiêu mà Bộ đặt ra thì đến năm 2015 có đến 85-90% số trường trên cả nước được học cả ngày. Đội ngũ giáo viên tiểu học hiện nay trên toàn quốc có 400 nghìn người.
Như vậy, nếu theo định biên thì vẫn còn thiếu hơn 30 nghìn giáo viên. Có đến hơn một nửa số trường hiện chưa triển khai dạy cả ngày. Ngay cả ở những trường đã dạy cả ngày thì số lượng giáo viên vẫn không đủ. Nếu tăng biên chế thì ngân sách không đủ tiền chi trả lương cho giáo viên.
Vì vậy, để thực hiện dạy học cả ngày ở tất cả các trường tiểu học trên toàn quốc cần có đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng sẽ là nhân tố quyết định cho sự thành công của chương trình.
Chương trình SEQAP được khởi động từ tháng 3/2010 và kéo dài trong 6 năm. Mục tiêu của chương trình là cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học, góp phần nâng cao hiệu quả học tập của học sinh, tạo cơ hội học tập bình đẳng trong các nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế- xã hội khác nhau, tăng tỷ lệ hoàn thành cấp học. Cùng với đó, chương trình cũng hỗ trợ các trường tiểu học chuyển sang dạy học 2 buổi/ngày nhằm nâng cao hiệu quả dạy học, tăng thời lượng học tập và hiệu quả học tập tại nhà trường…