Loạn nghề... "ghế nóng"

17/09/2014 13:43
Quốc Khánh
(GDVN) - Khi những người “cầm cân nảy mực” cũng không cần biết đến chuyên môn thì những “tài năng” mà họ tìm được sẽ đi đến đâu khi bước ra khỏi cuộc thi đó!

Các chương trình truyền hình thực tế mở ra như nấm sau mưa, tạo nên sự sôi động chưa từng có của showbiz Việt. Nhiều cuộc thi tất nhiên sẽ cần nhiều người “cầm cân nảy mực”. Chính vì vậy, giám khảo đã trở thành một nghề hot thu hút được rất nhiều nghệ sỹ từ trẻ đến già. Đặc biệt, nó trở thành một trong những nghề “nguy hiểm” nhất trong làng giải trí.

Loạn... ghế nóng

Đã có không ít cuộc thi trên sóng truyền hình hỗn loạn và nực cười ngay từ khâu chọn giám khảo. Nhiều nghệ sỹ không hề am tường ở lĩnh vực nào đó nhưng cũng “tự tin” ngồi ghế nóng và “phán” như những chuyên gia.

Chuyện đạo diễn Lê Hoàng (ông vốn học quay phim nhưng đi làm đạo diễn) làm giám khảo ở hàng chục cuộc thi trong mọi lĩnh vực: Từ khiêu vũ, ca nhạc, ẩm thực… đã trở thành một giai thoại. Dường như sự nổi tiếng, hài hước và đanh đá của ông chính là tiêu chí để người ta mời ông vào "ghế nóng". Và khi điện ảnh đến thời điểm vãn hồi, Lê Hoàng chuyên tâm ngồi với nghề này hơn. Chẳng thế mà có thời kỳ khán giả bắt gặp giám khảo Lê Hoàng kiên tục trong các buổi tối thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.

Ngoài việc nhận xét về "đam mê", Hà Tăng không còn biết nói gì ở Vua đầu bếp
Ngoài việc nhận xét về "đam mê", Hà Tăng không còn biết nói gì ở Vua đầu bếp

Mới đây nhất, diễn viên Tăng Thanh Hà được ngồi vào "ghế nóng" cuộc thi Vua đầu bếp trên sóng VTV3. Vì không có kiến thức về chuyên môn nên Hà Tăng cũng chỉ có thể nhận xét về “nồng độ” đam mê của các thí sinh gửi vào trong các món ăn của mình. Và khi, không “ngửi thấy” sự đam mê trong đó thì dù món ăn đó có ngon đến đâu cô cũng sẵn sàng loại thí sinh một cách không thương tiếc. Cũng may, Hà Tăng nhanh chóng rút lui khỏi chương trình, nếu không có lẽ cô sẽ còn tiếp tục nhận “gạch đá” từ cộng đồng mạng.

Chuyện đạo diễn đi chấm thi ca nhạc, người trang điểm (mà các cuộc thi “nâng tầm” lên thành chuyên gia) đi chấm trình diễn thời trang, hay ca sỹ đi chấm thi khiêu vũ đã trở thành chuyện thường ngày trong làng giải trí Việt. Thậm chí, một người không có kỹ thuật thanh nhạc, không am tường về nhạc lý vì vừa bước ra từ cuộc thi The Voice Kids như Phương Mỹ Chi cũng được mời ngồi vào "ghế nóng".

Một cô bé 12 tuổi như Phương Mỹ Chi cũng có thể ngồi vào ghế giám khảo "cho vui"
Một cô bé 12 tuổi như Phương Mỹ Chi cũng có thể ngồi vào ghế giám khảo "cho vui"


Những lựa chọn tréo ngoe ấy đang tạo nên sự hỗn loạn trong “nghề giám khảo” của showbiz Việt. Nhiều người băn khoăn tự hỏi: Vậy, tiêu chí nào để có thể ngồi vào ghế nóng?

Nổi tiếng hoặc dám… tạo sóng

Tiêu chí để có thể ngồi vào ghế nóng là sự nổi tiếng. Bất cứ một giám khảo nào cũng cần có sự nổi tiếng. Bất kể sự nổi tiếng đó có được bằng cách nào thì đó cũng là tiêu chuẩn “cứng” để được ngồi vào ghế nóng.

Một cô bé 12 tuổi như Phương Mỹ Chi cũng có thể được mời ngồi vào ghế nóng vì bé rất nổi tiếng. Tất nhiên, ngay cả nhà tổ chức cũng khẳng định Mỹ Chi chấm điểm chỉ để “cho vui” điều đó cũng có nghĩa, cái chương trình mà bé ngồi ghế giám khảo cũng chỉ hơn một trò mua vui cho trẻ con chút ít.

Đã có thời kỳ, Lê Hoàng được mệnh danh là ông vua giám khảo trong showbiz, ông chấm tất cả các lĩnh vực của làng giải trí...
Đã có thời kỳ, Lê Hoàng được mệnh danh là ông vua giám khảo trong showbiz, ông chấm tất cả các lĩnh vực của làng giải trí...

Thậm chí, một cô gái “bội thực” scandal như Angela Phương Trinh cũng được các nhà tổ chức sự kiện mời ngồi vào ghế nóng. Dường như sự nổi tiếng của Mỹ Chi hay Phương Trinh đều là yếu tố cần thiết và là tiêu chuẩn mang tính sống còn để ngồi vào ghế nóng.

Ngoài nổi tiếng, các giám khảo còn phải biết cách tạo "sóng" dư luận hoặc biết biến mình trở thành dị biệt so với người khác. Chẳng hạn, giám khảo nam phải dám “mặc váy” lên sóng truyền hình, còn giám khảo nữ phải thực sự “nam tính”…

Không chỉ thế, một số giám khảo còn sẵn sàng hi sinh bản thân trở thành những “con tốt” cho những toan tính của các nhà tổ chức. Họ phải sẵn sàng nhận gạch đá từ dư luận để tạo sức hút của chương trình hoặc phải biết khóc sao cho “cảm xúc” nhất trên sóng truyền hình. Có thế, chương trình mới có sức hút và người xem mới có thể xúc động.

Sự nổi tiếng và sự “xả thân” là tiêu chuẩn quan trọng nhất để trở thành giám khảo. Còn trình độ chuyên môn dường như thừa thãi với không ít người đang ngồi ghế nóng hiện nay.

Khi những người “cầm cân nảy mực” cũng không cần biết đến chuyên môn thì người ta đủ hiểu những “tài năng” mà họ tìm được sẽ đi đến đâu khi bước ra khỏi cuộc thi nào đó!

Quốc Khánh