Tham dự buổi gặp mặt là những gương mặt tiêu biểu đại diện cho trí tuệ và sức sáng tạo của quần chúng nhân dân trên khắp cả nước, có đóng góp cho cộng đồng và xã hội nhiều sản phẩm giá trị, từ các thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp (máy sạ hàng, máy gặt đập, máy tuốt lúa…) đến những sản phẩm có kết cấu phức tạp, có thể ứng dụng trong những lĩnh vực đặc biệt như máy nâng hạ.
Nhiều sản phẩm trong số đó đã được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp.
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá rất cao, biểu dương và chúc mừng các nhà sáng chế không chuyên, những người đại diện cho sức mạnh sáng tạo của quần chúng nhân dân đã lao động thầm lặng, kiên trì theo đuổi ước mơ, hoài bão nghiên cứu sáng tạo để có các đóng góp giá trị cho cộng đồng và xã hội.
“Kết quả không phải tự nhiên mà có. Những thành tựu mà đất nước đạt được ngày hôm nay có thể nói luôn gắn liền với trí tuệ Việt Nam. Chính bằng trí tuệ, bằng sức sáng tạo của nhân dân, đất nước, dân tộc chúng ta đã vượt qua được vô vàn thử thách, khó khăn” - Thủ tướng đánh giá.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên. ảnh: VGP. |
Thủ tướng cho rằng, để xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất, chủ nghĩa xã hội; để thực hiện được mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, không có cách nào khác là phải dựa vào và phát huy tài nguyên trí tuệ Việt Nam, năng lực sáng tạo của nhân dân - nguồn tài nguyên vô tận mà càng khai thác, sử dụng thì càng thêm giàu có, phong phú.
“Đảng, Nhà nước luôn coi trọng, phát huy tiềm năng sáng tạo trong nhân dân ta và coi đây là nguồn tài nguyên giá trị nhất” - Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cũng cho biết, Đảng và Nhà nước, một mặt tập trung phát triển giáo dục - đào tạo để nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực - nền tảng cơ bản để phát huy trí tuệ và sáng tạo của người dân; mặt khác không ngừng đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của từng sản phẩm dịch vụ; nâng cao sức mạnh quốc phòng, an ninh để bảo vệ Tổ quốc; và góp phần cải thiện đời sống người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu thì một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định là phải nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của quốc gia, của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm.
“Trong kinh tế thị trường, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh gay gắt thì sản phẩm nào tốt hơn, rẻ hơn thì sản phẩm đó thắng, tiềm lực khoa học công nghệ của quốc gia nào tốt hơn thì quốc gia đó thắng” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu, đề xuất để xây dựng và trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động sáng tạo, sáng chế của nhân dân.
Nhà nước sẽ bảo đảm và hỗ trợ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; thương mại hóa sản phẩm; phổ biến, quảng bá các sáng tạo sáng chế cũng như các chính sách khuyến khích về thuế, tiếp cận vốn, đất đai, mặt bằng…
Thủ tướng cho biết: “Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng và ban hành những cơ chế, chính sách mới để khuyến khích hơn nữa, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sáng tạo, sáng chế của nhân dân; và mỗi sáng tạo, sáng chế của người dân phải được trân trọng và phát huy”.
Thủ tướng mong muốn sự nghiệp nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế trong nhân dân tiếp tục được phát huy, nhân lên mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới; đồng thời mong muốn các nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiếp tục niềm đam mê của mình, tiếp tục có những sáng tạo, sáng chế mới hữu ích để phục vụ xã hội, cộng đồng và phục vụ chính cuộc sống của gia đình.