Báo Nhật khuyến khích Hoa Kỳ tăng cường ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông

10/08/2015 07:51
Đông Bình (nguồn Tin tức Tham khảo)
(GDVN) - Mỹ cần tăng cường cảnh giới, giám sát, áp dụng hành động cụ thể ở Biển Đông, kiềm chế Trung Quốc, nhưng có khá nhiều nước ASEAN lệ thuộc vào Trung Quốc.

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 9 tháng 8 dẫn tờ "Sankei Shimbun" Nhật Bản ngày 8 tháng 8 cho rằng, Trung Quốc lại tiếp tục không thèm để ý đến sự lo ngại của ASEAN và Nhật Bản, Mỹ.

Từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 8 năm 2015, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) đến thăm Việt Nam
Từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 8 năm 2015, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) đến thăm Việt Nam

Theo bài báo, tại hàng loạt hội nghị của ASEAN tổ chức ở Kuala Lumpur, tham vấn xoay quanh tình hình Biển Đông có thể khái quát như sau: Trung Quốc lấn biển xây đảo nhân tạo, xây đường băng, thúc đẩy tiến hành xây dựng căn cứ quân sự trên đảo đá ở Biển Đông, loại hành động đơn phương này không có ai chấp nhận.

Trung Quốc nếu dùng thực lực quân sự và thực lực kinh tế ra để đọ thì ASEAN đương nhiên không thể đối chọi. Để ngăn chặn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ cần đi đầu hơn, Nhật Bản cũng cần dành sự ủng hộ mạnh mẽ đối với điều này.

Theo bài báo, trước khi một loạt hội nghị của ASEAN được tổ chức, Vương Nghị - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết, không cho phép bất cứ nước nào "phá rối" (hành động bành trướng của Trung Quốc ở) Biển Đông.

Để bác bỏ quan điểm của Trung Quốc coi khu vực xung quanh đảo nhân tạo là "lãnh hải", Mỹ cho biết sẽ điều máy bay quân sự và tàu chiến đến vùng biển liên quan, nhưng vẫn chưa triển khai hành động.

Vương Nghị - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc
Vương Nghị - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc

Trong hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry yêu cầu Trung Quốc "chấm dứt lấn biển, xây dựng quy mô lớn và xây dựng căn cứ quân sự", nhưng chỉ dựa vào lời nói thì không thể xua tan được sự nghi ngờ của các nước trong khu vực.

Sau khi phân tích các hình ảnh vệ tinh, cơ quan nghiên cứu Mỹ đã cho rằng, Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng đường băng mới trên các đảo nhân tạo khác. Ngoài ra, vào cuối tháng trước, Trung Quốc tổ chức một cuộc diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn nhất ở Biển Đông (để đe dọa vũ lực đối với láng giềng).

Theo bài báo, Trung Quốc đơn phương tuyên bố có chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Vào tháng 6, Trung Quốc cho biết "hoàn thành lấn biển (bất hợp pháp)", nhưng nó đã kiên trì nói có "chủ quyền" thì có lý do để thi công trở lại, thúc đẩy quân sự hóa bất cứ lúc nào.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao các nước có "tranh chấp chủ quyền" Biển Đông với Trung Quốc như Philippines, Việt Nam đã "gia tăng lên án" Trung Quốc để tranh thủ được nhiều người ủng hộ hơn, nhưng, tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN chỉ coi sự lo ngại "lấn biển" là cách nhìn của "một số Bộ trưởng".

Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở các hòn đảo, đá ngầm đã xâm chiếm của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở các hòn đảo, đá ngầm đã xâm chiếm của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Theo bài báo, Trung Quốc đề xuất tiến hành hợp tác xây dựng hạ tầng cơ sở với các nước ASEAN, "đã khéo léo làm lung lay sự đoàn kết của ASEAN" (tìm cách chia rẽ ASEAN để phục vụ cho mưu đồ đen tối: yêu sách "đường lưỡi bò").

Bài báo cho rằng, Biển Đông là tuyến đường giao thông trên biển quan trọng của Nhật Bản và Mỹ. Mỹ cần tăng cường cảnh giới, giám sát, áp dụng hành động cụ thể, điều này không thể thiếu đối với sự đoàn kết của ASEAN.

Ngoài ra, tờ "Asahi Shimbun" Nhật Bản ngày 7 tháng 8 đưa tin, Diễn đàn khu vực ASEAN ngày 6 tháng 8 tổ chức ở Kuala Lumpur. Về tình hình Biển Đông, Mỹ đã đưa ra yêu cầu "3 chấm dứt" đối với Trung Quốc. Nhưng, Mỹ cũng để lộ ra ý hy vọng tránh xảy ra đối đầu nghiêm trọng với Trung Quốc.

Theo bài báo, tối ngày 6 tháng 8, sau khi kết thúc tham vấn với ASEAN và Trung Quốc, tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết: "Hiện nay, tình hình thực sự cần thiết là chấm dứt toàn bộ việc lấn biển xây đảo, xây dựng quy mô lớn và xây dựng căn cứ quân sự".

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra yêu cầu "3 chấm dứt" đối với Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra yêu cầu "3 chấm dứt" đối với Trung Quốc

Nghe nói, tại Diễn đàn khu vực ASEAN, đối với yêu cầu "3 chấm dứt" do Mỹ đưa ra về vấn đề Biển Đông, có vài nước lập tức bày tỏ đồng ý. Ông John Kerry cũng cho biết: "Nếu một số nước coi thường yêu cầu này, tiếp tục tiến hành xây dựng công trình, nước khác cũng không có lý do chấm dứt", qua đây để kiềm chế Trung Quốc - nước đang cấp bách xây dựng đường băng và cảng đậu tàu cỡ lớn.

Tuy nhiên, khi ngăn cản hành động của Trung Quốc, Mỹ cũng có mặt kiềm chế sử dụng thực lực.

Theo bài báo, Quân đội Mỹ nhấn mạnh, để bảo vệ tự do hàng hải, tàu chiến và máy bay Quân đội Mỹ "bất kể lúc nào ở đâu đều có thể đến", bao gồm trong phạm vi 12 hải lý của đảo đá do Trung Quốc tiến hành lấn biển xây dựng (bất hợp pháp).

Nhưng, nghe nói, chính quyền Obama còn chưa cho phép Quân đội Mỹ đi vào phạm vi 12 hải lý của các đảo đá này.

Bài báo cho rằng, các nước trong ASEAN bị lệ thuộc vào sức mạnh kinh tế của Trung Quốc tương đối nhiều, Mỹ cho dù muốn phát huy vai trò lãnh đạo thì cũng không đưa ra được biện pháp có hiệu quả, đây là hiện trạng ngày càng rõ ràng. 

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ
Đông Bình (nguồn Tin tức Tham khảo)