Ngày 30/10, tại thành phố Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức “Hội thảo đánh giá 2 năm thực hiện chỉ thị 09/CT-Tg về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất và phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập”.
Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định, quận 7 thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Đắc Lắc, Hà Giang.
Ngoài ra còn có đại diện của hai trường mầm non tư thục đến từ Thừa Thiên Huế và Hà Nội.
Thiếu trường mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất
Theo Vụ Giáo dục mầm non, trong năm học 2016 – 2017 cả nước có 14.991 trường mầm non với 192.146 nhóm lớp. Tỷ lệ huy động nhà trẻ đạt 27,7%, mẫu giáo đạt 90,6%.
Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các thành phố lớn vẫn thiếu các trường mầm non. Ảnh: TL |
Tuy các trường mầm non có tăng nhưng giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt tại các tỉnh thành có khu công nghiệp các lớp mầm non vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu gửi con của phụ huynh.
Hiện tại việc phát triển mầm non tư thục còn hạn chế, khó cạnh tranh so với trường công về đội ngũ, cơ sở vật chất, học phí cao... Mức lương của công nhân không đủ để chi trả việc học của con em.
Chuyên gia giáo dục New Zealand kể về việc dạy chữ cho trẻ mầm non |
Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị 09 vào năm 2015 đã giải quyết vấn đề trường lớp, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý cơ sở ngoài công lập trong đó có mầm non ngoài công lập.
Giám sát việc thực hiện chỉ thị tại một số địa phương.
Các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lãnh đạo các địa phương đã tổ chức khảo sát nhu cầu gửi con trẻ của công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất.
Ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, thực hiện chỉ thị 09, một số tỉnh thành như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai ... đã quy hoạch phát triển nhà ở cho công nhân, xây dựng công đoàn trong đó có nhà trẻ, mẫu giáo cho công nhân.
Theo ông Minh, hơn 2 năm qua các tỉnh thành đã tập trung xây dựng các trường mầm non ở những điểm nóng về khu công nghiệp, khu chế xuất. Đến tháng 5/2017, số trường mầm non tăng 354 trường so với tháng 4/2017.
Các trường mầm non tư thục đang phát triển nhanh để giảm áp lực cho các trường công lập.
5 địa phương có tỉ lệ trường mầm non ngoài công lập cao nhất là: Đà Nẵng, Bình Dương , Thành phố Hồ Chí Minh ,Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Đắc Lắc, Nghệ An.
Tuy mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất được tăng cường cả về số lượng và chất lượng như vậy, nhưng vẫn chưa đáp ứng đúng mức yêu cầu phát triển giáo dục mầm non.
Giáo dục mầm non ngoài công lập chưa theo kịp thực tiễn
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc phát triển các trường mầm non ngoài công lập đã có bước phát triển về quy mô và chất lượng.
Những con số “biết nói” về giáo dục mầm non những năm qua |
Việc các trường mầm non công lập mở ra đã giảm bớt áp lực và tình trạng quá tải trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh.
Đánh giá về chất lượng các trường mầm non ngoài công lập, Thứ trưởng Nghĩa cho biết, các trường hiện nay chất lượng ngày càng được nâng cao, nhiều trường chuẩn bị đạt chuẩn quốc gia.
Nhiều địa phương đã hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc xây dựng hệ thống giáo dục mầm non, giải quyết vấn đề trường lớp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tuy vậy Thứ trưởng Nghĩa cho rằng việc phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập chưa theo kịp thực tiễn.
Thứ trưởng chỉ ra rằng việc xây dựng trường đòi hỏi phải có số vốn lớn nên các nhà đầu tư còn e ngại vì thời gian thu hồi vốn lâu. Việc đưa con em vào học tại các cơ sở ngoài công lập vẫn chưa được phụ huynh chú trọng.
Từ đó, Thứ trưởng Nghĩa đề nghị các địa phương quy hoạch phát triển trường lớp mầm non, xã hội hóa các chính sách giáo dục, cũng như ban hành các cơ chế để các nhà đầu tư thúc đẩy giáo dục mầm non ngoài công lập.
Các địa phương chia sẻ, sáng kiến, sáng tạo phát triển mô hình giáo dục mầm non ngoài công lập.
Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, đề xuất, kiến nghị về việc điều chỉnh thúc đẩy giáo dục mầm non.