LTS: Bàn về dự thảo chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, thầy giáo Thanh An cho rằng với cách đánh giá, bổ nhiệm hiệu trưởng như hiện nay thì chuẩn nào thì hiệu trưởng vẫn đạt mức năng lực tốt nhất.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông cũng là một bước tiến bộ nhằm hướng tới hoàn thiện một đội ngũ lãnh đạo nhà trường có đủ khả năng để lãnh đạo, quản lí và xây dựng đơn vị trong tình hình mới.
Song, theo chúng tôi, nếu vẫn duy trì cách bổ nhiệm, đánh giá như hiện nay thì bộ chuẩn nào cũng không phát huy được tác dụng.
Cuối cùng thì việc đánh giá hiệu trưởng vẫn đạt ở mức cao nhất mà năng lực quản lí vẫn chẳng thay đổi được bao nhiêu.
Chúng tôi không “vơ đũa cả nắm” nhưng phải nói thẳng rằng những hiệu trưởng có năng lực, tâm huyết với ngành giáo dục, với đơn vị mình quản lí hiện nay không nhiều.
Ảnh minh họa trên Báo Giáo dục và Thời đại |
Khi chưa làm lãnh đạo thì họ phần nhiều họ những giáo viên tích cực, gương mẫu, sống hòa đồng cùng anh em, đồng nghiệp.
Thế nhưng, khi làm lãnh đạo thì môi trường làm việc làm cho họ thay đổi.
Thay đổi cả tâm tính và cách sống vốn có của mình với đồng nghiệp để quay sang trân quý lãnh đạo của họ.
Nhiều người quay lại hạch sách, gây khó dễ với giáo đồng nghiệp, thậm chí có lãnh đạo còn gây áp lực cho thầy cô giáo cũ đã từng dạy dỗ mình.
Điều đáng buồn nhất của lãnh đạo nhà trường hiện nay là có rất nhiều những lãnh đạo nhà trường sau nhiều năm không đứng lớp nên rất lơ mơ về chuyên môn vì thế họ không đặt vấn đề chuyên môn lên trên hết.
Đầu năm học, họ chỉ biết áp chỉ tiêu cho từng tổ chuyên môn nhưng để làm sao có chất lượng giảng dạy tốt, làm sao để nâng cao chất lượng thì lãnh đạo không có một giải pháp nào cụ thể.
Ngay cả họp Đại hội công, viên chức, họp Hội đồng sư phạm đầu năm cũng không hề thấy Ban giám hiệu đặt vấn đề làm thế nào để đạt được chỉ tiêu chất lượng.
Chỉ thấy phải thế này, phải thế khác theo một cách áp đặt, mệnh lệnh quen thuộc, nhàm chán.
Phải nói rằng công tác bổ nhiệm Ban giám hiệu ở các địa phương hiện nay đang được thực hiện theo đúng qui trình.
Tuy nhiên, cái “qui trình” thực hiện của chúng ta đang áp dụng đã bộc lộ rất nhiều hạn chế. Đâu đó vẫn có người đi lên không phải bằng năng lực của bản thân.
Chân dung Hiệu trưởng tương lai qua phác thảo của Bộ Giáo dục |
Khi được bổ nhiệm thì một số lãnh đạo nhà trường cứ yên vị ngồi mãi ghế lãnh đạo đến hàng mấy chục năm tạo nên sự chán ngán cho giáo viên, đôi lúc nó trở thành lực cản cho sự phát triển đơn vị và không trở thành động lực phấn đấu cho một bộ phận lãnh đạo đứng đầu các đơn vị giáo dục.
Nhiều người họ bằng lòng với vị trí hiện tại và tìm mọi cách làm lợi cho bản thân hay làm lợi cho một số người.
Những ai theo mình, ủng hộ quan điểm của hiệu trưởng thì được “tạo điều kiện”, được xuề xòa những thiếu sót, hạn chế, những ai có ý kiến trái quan điểm chỉ đạo thì xem là chống đối, tìm cách chèn ép…
Theo qui định hiện hành thì hiệu trưởng không tại vị quá 2 nhiệm kì liên tục tại một đơn vị trường học.
Thế nhưng, trước khi làm hiệu trưởng thì các vị này cũng từng đảm nhận 1-2 nhiệm kì phó hiệu trưởng nhà trường, khi được bổ nhiệm hiệu trưởng thêm 2 nhiệm kì nữa thì quả là một sự ngao ngán cho giáo viên và cũng khó tạo được sức bật cho đơn vị.
Môi trường làm việc quen thuộc, cách làm việc quen thuộc nên không tạo được sự bứt phá cho nhà trường.
Bởi thực tế, có một số thầy cô làm lãnh đạo một đơn vị đến hàng chục năm trời, thậm chí còn lâu hơn nữa thì nói gì đến sự đổi mới giáo dục.
Chúng tôi không phủ nhận, nhiều lãnh đạo làm tốt vai trò của mình và đưa những ngôi trường mà họ lãnh đạo đi lên.
Nhưng, phần lớn là khi công tác mãi ở một môi trường, một vị trí thì sự đột phá gần như không có, họ vẫn quen cách nghĩ, cách làm cũ để chỉ đạo, vận hành.
Trong khi, ngành giáo dục lại luôn rất cần thay đổi và liên tục thay đổi.
Chúng ta đã nói nhiều đến chất lượng giáo dục, đã chứng kiến nhiều những Hiệu trưởng và các thành viên trong Ban giám hiệu nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.
Chỉ có điều, những chuyện như vậy không còn là chuyện hiếm nữa mà nó được “phủ sóng” trên một diện rộng của ngành giáo dục.
Năm nào vào đầu năm học chúng ta cũng thấy báo chí vào cuộc, phanh phui những tiêu cực.
Chỉ tiếc, hình thức kỉ luật hiện nay ở một số địa phương chưa đủ sức răn đe cho một số cá nhân vi phạm.
Chủ yếu là hình thức rút kinh nghiệm, khiển trách hoặc luân chuyển công tác…
Có một thực tế là cách đánh giá, xếp loại hiệu trưởng hiện nay chưa đi vào thực chất.
Có những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường lãnh đạo đơn vị mà đơn vị đó không được xét thi đua cuối năm, tỉ lệ học sinh thi chuyển cấp thấp, các phong trào lẹt đẹt ở cuối bảng mà cuối năm đánh giá chuẩn hiệu trưởng, đánh giá đảng viên cuối năm vẫn tự xếp mình ở loại xuất sắc mà không cảm thấy ngượng ngùng với anh em trong đơn vị, với lãnh đạo cấp trên của mình.
Vì thế, dự thảo chuẩn hiệu trưởng vừa công bố cũng rất khó tạo nên sự thay đổi trong những năm tới.
Thực tế, dự thảo chuẩn hiệu trưởng vẫn lặp lại những nội dung cơ bản của chuẩn hiệu trưởng hiện hành, vẫn là các bước đánh giá cũ, vẫn là cách hướng dẫn các nguồn minh chứng chung chung, mơ hồ như lâu nay thì làm sao có thể thay đổi được cung cách lãnh đạo và làm việc hiện nay của hiệu trưởng.
Theo chúng tôi, chuẩn hiệu trưởng ngoài mớ giấy tờ tự nhận xét của cá nhân người đánh giá, rồi các đoàn thể, nhân viên, giáo viên trong trường (toàn cấp dưới) đánh giá… thì mấy ai lại dám đánh giá lãnh đạo của mình không tốt.
Có những cái chuẩn ngoài chuẩn quy định nhưng rất cần hiệu trưởng phải đạt được, đó là:
Thứ nhất, hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng phải đặt mình như một kiến trúc sư của một đơn vị.
Người thiết kế phải biết mọi điều, phải am hiểu mọi vấn đề trong đơn vị, phải biết năng lực phẩm chất của cấp dưới của mình để đặt mỗi cá nhân đúng vị trí nhằm phát huy ưu điểm của từng người.
Thứ hai, phải hòa đồng, ứng xử nhân ái với mọi người, phải là người biết hòa giải mọi bất đồng, xung đột trong nhà trường để xây dựng một tập thể đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau.
Không nên tạo phe phái trong đơn vị, không ác cảm, ác ý với cấp dưới của mình. Biết gần gũi, quan tâm, giúp đỡ những cấp dưới khi gặp khó khăn trong công việc, trong cuộc sống.
Thứ ba, phải thường xuyên học hỏi, trau dồi chuyên môn, sát sao các buổi tập huấn chuyên môn của giáo viên để cùng nắm bắt thì mới có thể chỉ đạo đúng, ra được mệnh lệnh đúng.
Thứ tư, phải biết dung hòa quyền lực, quyền lợi trong tập thể. Những khó khăn cùng tập thể tháo gỡ, những lợi ích, những công việc thuận lợi thì cùng sẻ chia.
Tránh những khó khăn, vất vả thì giao cấp dưới, những thất bại thì trách cấp dưới nhưng thành công thì đề cao vai trò lãnh đạo của mình, lợi ích thì mình hoặc một vài người hưởng.
Thứ năm, tài chính trong đơn vị phải được công khai rạch ròi, rõ ràng không khuất tất. Chế độ, quyền lợi của giáo viên phải để giáo viên hưởng.
Người hiệu trưởng biết san sẻ quyền lợi, biết “tiên ưu, hậu lạc” là những chuẩn cần hướng tới nhất.
Thứ sáu, khi cảm thấy mình không cáng đáng được công việc, khi cảm nhận thấy mình không có uy tín trước đơn vị và không thúc đẩy được đơn vị đi lên thì hiệu trưởng nên làm đơn xin nghỉ làm lãnh đạo, đừng cản bước sự phát triển của đơn vị.
Đừng tham lam chức quyền khi mình không đủ năng lực hoặc đang mất uy tín. Sự dũng cảm ra đi như vậy là điều cần thiết nhất.
Có lẽ, ai đang công tác trong ngành giáo dục cũng mong muốn có một tập thể ban giám hiệu toàn tâm, toàn trí với nhà trường, nhất là vai trò của người hiệu trưởng.
Song, đâu đó chúng ta vẫn ít gặp những ban giám hiệu chưa được như mong muốn.
Vì thế, việc hoàn chỉnh chuẩn hiệu trưởng như Bộ đã công bố cũng là cần thiết nhưng cũng cần thiết hơn những bộ chuẩn… ngoài chuẩn mới là yêu sát nhất với thực tế mỗi đơn vị.