LTS: Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy giáo Nguyễn Văn Khánh chia sẻ đôi điều suy nghĩ qua những câu thơ về tình thầy trò.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Từ xưa đến nay, tình thầy trò dù có những lúc thế này thế khác nhưng tựu trung lại vẫn luôn là tình cảm cao đẹp nhất của mỗi con người.
Ở đó, không chỉ là gói gọn trong khuôn phép của đạo lý thầy - trò mà còn thể hiện cả tình yêu của một người cha, người mẹ, người anh, người chị, người bạn lớn với học sinh của mình.
Không ai có hiểu trò bằng thầy và không ai có thể quên đi những người thầy, người cô chân chính đã dạy dỗ, đưa lối cho ta vào đời.
Và, cứ thế, những dòng hoài niệm, những tình thương yêu, sự kính trọng được hun đúc, giãi bày và gửi gắm vào những câu thơ chan chứa…
Có lẽ, chuyện chuyển trường của mỗi người thầy là điều bình thường và khó tránh khỏi.
Thế nhưng, khi vào hoàn cảnh này thì cái cảm giác đó cứ chênh chao, hẫng hụt đến vô cùng khi phải xa trường, xa những em học trò thân thương của mình.
Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại |
Điều này đã được tác giả Nguyễn Thái Dương giãi bày qua bài thơ "Khi rời nhiệm sở cũ" vô cùng sâu sắc:
Mai xa rồi chắc sẽ hiểu lòng nhau
Có lúc vì sao thầy trầm ngâm không nói
Có lúc vì sao lòng thầy như mở hội
Trước các em đứa nghịch, đứa ngoan hiền…
Bởi thầy - người hiểu các em hơn ai hết và cũng có những niềm vui, lẫn xen sự lo lắng cho các học trò của mình khi các em trưởng thành, thậm chí còn nhiều hạn chế, để rồi khi xa trò, thầy cứ canh cánh nỗi niềm riêng:
Nhớ xé lòng bài tả cảnh đồn quê
Các em viết hàng trăm câu què cụt
Thương đứt ruột bao lần đất nước
Các em vô tình viết trật, hóa…vô tâm.
Cùng chung nỗi niềm tâm sự này, tác giả Bàng Bá Lân cũng gửi tâm tình của mình qua dòng thơ trong bài "Đôi lời tâm sự" đến học trò của mình với rất nhiều những cung bậc cảm xúc khác nhau:
Nhiều lúc ta cao giọng giảng bài
Không hề biết mệt, bốn giờ trôi
Các em ngoan ngoãn và chăm chỉ
Là đấy lòng ta mãn nguyện rồi.
Những câu chuyện cảm động đầy tình người của thầy cô trên mọi nẻo đường đất nước |
Niềm vui khi học trò chăm chú nghe giảng, thế nhưng, học trò - được mệnh danh là “nhất quỷ nhì ma…” ấy lại có nhiều em “tám chuyện” với nhau:
Đôi lúc ta buồn bực chẳng vui
Chỉ vì có kẻ mải ham chơi,
Bài không nghe giảng còn hay chuyện!
Giận đấy, rồi ta lại mỉm cười…
Chao ôi, lòng người thầy bao dung và tâm lý với học trò quá đỗi, thầy “giận” đó rồi thầy lại “mỉm cười” bởi với thầy:
Không hiểu ai bằng hiểu các em
Nơi em, ta đặt hết niềm tin
Các em là cả nguồn sinh lực
Thế hệ vươn mình đang chuyển lên…
Tình cảm thầy dành cho trò thật đáng trân trọng biết bao, bởi người thầy không chỉ dạy trò mà còn hy vọng, còn đặt tất cả niềm tin của mình vào các em nữa. Mai sau, các em sẽ là người dựng xây non nước này.
Vì thế, nhiệm vụ của người thầy là dẫn dắt, kèm cặp, định hướng cho các em đi theo con đường đúng, con đường của tương lai…
Nhiệm vụ ta đâu có nhẹ nhàng
Dẫn các em vào nẻo văn chương
Người yêu tiếng mẹ là yêu nước,
Tiếng mẹ hiền, ôi, rất dịu dàng!
Không chỉ thầy cô yêu thương học trò mà chính những học trò cũng không bao giờ quên được những thầy cô đã dạy mình, đã yêu thương và dành cho mình những tình cảm tốt đẹp nhất.
Vì thế, thơ viết về người thầy, kính trọng người thầy, chúng ta cũng bắt gặp rất nhiều.
Nhưng, nhớ về thầy, kính trọng thầy đã dạy dỗ cho mình lớn khôn như những con chim đã đủ lông đủ cánh bay đi muôn phương.
Nhưng, vì điều kiện ở xa, ít khi trở về thăm thầy được lại là điều day dứt trong tâm can của nhà thơ Trần Hữu Nghiễm trong bài thơ Về thăm thầy cũ:
Mười năm trở lại thăm thầy
Vườn xưa vẫn gốc mai gầy trước sân
Một mình một bóng phòng văn
Bút nghiên ơi đã bao lần bút nghiên…
Tác giả đã như thông báo quãng thời gian 10 năm xa ngái mới có dịp về thăm thầy cũ.
Cảnh cũ vẫn vẹn nguyên như thuở nào nhưng hình ảnh người thầy vẫn lặng lẽ âm thầm bên trang giáo án, vẫn với “bút nghiên” trong những đêm dài lặng lẽ trôi đi…
Mười năm! Thời gian cứ vô tình trôi qua trong cái dòng chảy liên tục và bất tận của đất trời.
Nhưng, mười năm ấy lại trở nên dằng dặc trong mong ngóng, đợi chờ, trong muôn trùng xa cách của người trò cũ vẫn luôn nhớ về người thầy đã dạy dỗ mình.
Tác giả đã thật chính xác khi sử dụng những hình ảnh thật đắt để miêu tả lại nhưng hình ảnh “vườn xưa”; “gốc mai gầy” để làm tương phản với hình ảnh người thầy của mình: “một mình một bóng phòng văn”…đang lặng lẽ, âm thầm như chính cuộc đời của người thầy đã và đang chở đạo và đời đến với các thế hệ học trò.
Trước cảnh cũ, người xưa, ta thấy như hình ảnh người học trò đang lặng đi xúc động, lặng đi để thổn thức cõi lòng khi nghĩ về người thầy của mình.
Vườn xưa vẫn mấy cánh chim
Mười năm thầy đã già hơn trước trước nhiều
Vẫn còn đôi mắt thương yêu
Còn đây mái tóc giữa chiều bạc phơ
Vẫn còn đâu đây tiếng chim đồng nội thuở nào nhưng hình ảnh người thầy “đã già hơn trước nhiều”.
Năm tháng chảy trôi, học trò trưởng thành cũng đồng nghĩa với tóc thầy bạc dần so với mười năm trong hoài niệm.
Nhưng, đôi mắt thương yêu của thầy, tấm lòng bao dung của thầy vẫn vẹn nguyên như trước. Chính đôi mắt “thương yêu” của thầy đã bao dung nâng đỡ những học trò trên những bước đường đời.
Biết bao tháng năm trò đã vô tình với thầy, trò đã mải mê với cuộc sống đời thường hay vì một lí do nào nữa mà chưa về thăm thầy được.
Để rồi gặp thầy trong phút chốc thì lại đã phải chia tay, những tiếng lòng thảng thốt của người trò cũ trở nên sâu lắng, thiết tha hơn.
Chia tay chẳng biết nói gì
Thầy ơi xa quá mấy khi con về.
Những con đường con đang đi, đang tới có một phần nâng đỡ của thầy, có một phần tuổi trẻ của thầy đã hy sinh vì chúng con, vì những đứa học trò năm nào vô tâm…
Mãi mười năm gặp lại thầy rồi xa thầy, biết bao giờ con gặp lại…Câu thơ mang nặng nỗi buồn thương để rồi day dứt: “Thầy ơi xa quá mấy khi con về” của nhà thơ Trần Hữu Nghiễm như một tiếng lòng nói hộ cho bao người.
Ngày 20/11 lại đang đến gần, có lẽ trong mỗi con người chúng ta cũng cần có những phút giây để lắng đọng, nghĩ suy về con đường mà mình đang đi, đang tới.
Đạo đức, luân lý là cái gốc cho sự vững bền để phát triển của mỗi con người, mỗi gia đình. Và, rõ ràng điều mà chúng ta thấy đẹp đẽ hơn ở cuộc đời này là người thầy luôn yêu thương trò, trò biết kính trọng thầy cô, cha mẹ của mình.
Chỉ thế thôi cũng đã và đang góp một phần làm đẹp cho cuộc đời, cho đất nước thân yêu của chúng ta.