LTS: Không phải đến bây giờ “triết lý giáo dục” mới được đưa ra bàn luận, song vẫn thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và xã hội, thậm chí có những ý kiến trái chiều.
Trước băn khoăn này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Trương Nguyện Thành – hiện đang công tác tại Đại học Utah, Mỹ.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả cuộc trao đổi này.
Phóng viên: Từ việc chưa xác định được triết lý giáo dục là gì nên không ít người nhầm lẫn giữa mục tiêu giáo dục với triết lý giáo dục, từ đó đưa ra nội dung được cho là triết lý giáo dục Việt Nam cũng rất khác nhau. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Giáo sư Trương Nguyện Thành: Điều đầu tiên chúng ta cần phải làm là xác định được triết lý giáo dục là gì.
Triết lý giáo dục là tập hợp những tin tưởng, giá trị và nhận định về giáo dục từ giả thuyết cũng như kinh nghiệm thực tế. Nó là nền tảng để để đưa ra mục đích, mục tiêu và trọng tâm phát triển của một tổ chức giáo dục hay một hệ thống giáo dục quốc gia.
Triết lý giáo dục giống như những bộ đề và định lý trong toán học mà các nhà toán học dùng làm nền tảng để phát triển kiến thức cao hơn.
Trong công nghệ thông tin thì nó giống như những cú pháp, những module mà người lập trình có thể dùng để xây dựng những phần mềm ứng dụng có mục tiêu khác nhau.
Theo "giáo sư quần đùi" Trương Nguyện Thành, Việt Nam ở mọi thời điểm đều có triết lý giáo dục (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Thí dụ: Nhận định “Không thầy đố mày làm nên” là một triết lý giáo dục. Nó nói lên người thầy có vị trí cốt lõi và là trọng tâm của quy trình đào tạo.
Từ đó đưa đến phương pháp đào tạo truyền thống đó là học sinh đến trường, vào lớp học và nghe thầy dạy. Tự học hay học trực tuyến sẽ không được đánh giá cao vì nó đi ngược lại nhận định này.
Thí dụ thứ hai, ca dao “Tiên học lễ, hậu học văn” nói lên nhận định phong cách ứng xử quan trọng hơn kiến thức chuyên môn. Từ đó ảnh hưởng đến các môn học trong chương trình đào tạo cấp mầm non và tiểu học.
Thí dụ thứ 3, “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” cũng là một triết lý giáo dục. Nó đưa ra nhận định “tính cách” là bẩm sinh không thể thay đổi hay cải thiện được. Do đó giáo dục sẽ không phí thời gian đào tạo về kỹ năng kiểm soát cảm xúc.
Trong khi ấy trí tuệ cảm xúc ngày càng được đánh giá quan trọng cho con người trong cuộc sống tương lai.
Với định nghĩa cũng như các thí dụ trên, triết lý giáo dục là nền tảng lý luận để xây dựng cả một hệ thống giáo dục bao gồm các mục tiêu.
Thưa ông, như vậy tầm quan trọng của triết lý giáo dục đối với sự phát triển của một nền giáo dục như thế nào?
Giáo sư Trương Nguyện Thành: Khi xác định được triết lý giáo dục, nó trở thành kim chỉ nam cho việc xây dựng chương trình đào tạo, chọn lọc phương pháp đào tạo, vai trò của người thầy cũng như công nghệ hỗ trợ trong quy trình đào tạo và quan trọng hơn là phát triển những tin tưởng, mục tiêu cũng như giá trị cho từng giai đoạn đào tạo dựa trên triết lý ấy.
Triết lý giáo dục của cố Bộ trưởng Vũ Đình Hòe là gì? |
Không kém quan trọng là nó làm nền tảng để xây dựng những chuẩn giáo dục (thước đo) dùng để đánh giá định kỳ tính hiệu quả của các chương trình giáo dục/đào tạo và từ đó có thể giúp đưa ra các phương án cải tiến kịp thời.
Theo ông, Việt Nam đã có triết lý giáo dục chưa?
Giáo sư Trương Nguyện Thành: Phát triển của mọi cơ sở/hệ thống giáo dục đều dựa trên một triết lý giáo dục nào đó. Vì nó là cơ sở để đưa ra các quyết định về chương trình hay chiến lược phát triển giáo dục.
Do đó Việt Nam ở mọi thời điểm đều có triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục ấy có được soạn thảo với tầm nhìn dài hạn, được đưa ra tranh luận và phổ biến rộng rãi hay chỉ nằm trong đầu của cấp lãnh đạo đương thời. Đó là một vấn đề khác.
Là người am hiểu về triết lý giáo dục ở Mỹ cũng như các nước tiên tiến, theo ông, triết lý giáo dục mà Việt Nam nên hướng tới nên là gì?
Giáo sư Trương Nguyện Thành: Mục đích duy nhất của giáo dục là phát triển con người cho cuộc sống trong một xã hội tương lai. Con người ấy là sản phẩm của hệ thống giáo dục sẽ là thành viên đóng góp cho phát triển kinh tế và xã hội ấy.
Một đứa bé Việt Nam sinh năm 2018, thì đến năm 2040 có khả năng có bằng đại học qua hệ thống giáo dục quốc gia và sẽ bước vào thị trường lao động. Một số câu hỏi sau có thể giúp đưa ra một triết lý giáo dục mà Việt Nam có thể hướng đến.
Triết lý giáo dục Việt Nam phải đề cao pháp trị và sự tử tế |
1. Xã hội Việt Nam sau 2040 sẽ như thế nào? Nếu với tốc độ thay đổi hiện tại cũng như khả năng ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 thì xã hội Việt Nam sẽ như thế nào? Xã hội Việt Nam mà chúng ta muốn hướng đến sẽ như thế nào?
2. Cuộc sống của con người Việt Nam trong xã hội ấy như thế nào? Họ sống vì những mục đích gì? Mưu cầu hạnh phúc của họ là gì?
3. Con người Việt Nam, sản phẩm của nền giáo dục là người như thế nào? Miêu tả con người Việt Nam có bằng đại học một cách toàn diện, không chỉ dừng ở kiến thức chuyên môn.
Đầu năm 2017 ông có một quyết định táo bạo và ngược dòng đó là quay về Việt Nam giữ vị trí Phó Hiệu trưởng Điều hành của Đại học Hoa Sen để giúp trường ổn định và phát triển. Tuy nhiên sau hơn một năm khi không được công nhận vị trí Hiệu trưởng vào giữa 2018, ông quyết định quay lại Mỹ.
Ông có nghĩ trong tương lai nếu có cơ hội ông sẽ quay về Việt Nam để tiếp tục góp phần cho phát triển giáo dục Việt Nam hay không?
Giáo sư Trương Nguyện Thành: Tại thời điểm quyết định quay lại Mỹ, tôi đánh giá nếu ở lại Việt Nam thì giá trị đóng góp của tôi sẽ không bù đắp được thời gian, công sức cũng như những hy sinh cá nhân.
Trong tương lai nếu có cơ hội để đóng góp của tôi có giá trị thì tôi sẽ quay về. Sau hơn một năm sống ở Việt Nam, cho dù quay lại Mỹ trái tim tôi vẫn còn để lại ở Việt Nam với tràn đầy hy vọng vào thế hệ trẻ.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư Trương Nguyện Thành.