Vì sao người Việt vẫn ngại đọc sách?

20/08/2017 06:09
Hồ Thu
(GDVN) - Liệu có phải đọc sách không trực tiếp tạo ra của cải vật chất nên nhiều người không có nhu cầu đọc sách?

Trong buổi khai mạc Ngày hội sách Việt Nam lần thứ 3 diễn ra vào tháng 4 năm 2016, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng cho biết, ở Việt Nam, trung bình 1 người dân đọc chỉ 4 cuốn/ năm; trong đó, 2,8 cuốn là sách giáo khoa; 1,2 cuốn là sách khác.

Trong khi đó, các nước phát triển như Pháp, Nhật Bản, Israel trung bình 1 người dân đọc từ 20 cuốn sách /năm.

Các nước trong khu vực như Singapore, số sách người dân đọc trung bình là 14 cuốn/ năm, Malaysia là 10 cuốn/ năm... [1]

Những con số thống kê trên khiến nhiều người suy nghĩ về việc làm thế nào để nâng cao văn hóa đọc cho người Việt?

Làm sao để người Việt đọc sách nhiều hơn và phát huy được những tri thức đó trong công việc và cuộc sống?

Nhiều người Việt vẫn ngại đọc sách

Việc tuyên truyền, vận động người dân đọc sách đã diễn ra trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, ngay cả các thế hệ trẻ bây giờ, đặc biệt là các bạn ở vùng nông thôn, miền núi với điều kiện kinh tế khó khăn thì việc đọc sách (ngoài sách giáo khoa) trở thành một điều gì đó xa xỉ.

Nhiều người Việt vẫn ngại đọc sách. (Ảnh minh họa, nguồn: ALAMY/ telegraph.co.uk)
Nhiều người Việt vẫn ngại đọc sách. (Ảnh minh họa, nguồn: ALAMY/ telegraph.co.uk)

Lợi ích của việc đọc sách đã được chứng minh qua nhiều công trình nghiên cứu khoa học và nhiều bài báo đã truyền tải thông điệp đó đến với công chúng.

Thậm chí chúng ta cũng có thể thuộc lòng một số tác dụng của việc đọc sách như: giúp cải thiện trí nhớ, giảm căng thẳng, nâng cao vốn từ, bổ sung kiến thức…

Tuy nhiên, những người yêu sách không thực sự nhìn vào những tác dụng trên mà đến với sách.

Có lẽ việc hình thành tình yêu với sách xuất phát từ chính nhu cầu cần khao khát tìm hiểu những điều mới mẻ, những điều thú vị mà những cuốn sách mang đến…

Việc đọc sách là việc bổ sung kiến thức, thu nạp thêm thông tin để có thể ứng dụng trong việc nhìn nhận, suy nghĩ và trải nghiệm cuộc sống.

Liệu có phải đọc sách không trực tiếp tạo ra của cải vật chất nên nhiều người không có nhu cầu đọc sách?

Vì sao người Việt vẫn ngại đọc sách? ảnh 2

Tình trạng “đói sách” và lười đọc sách của trẻ em nông thôn, miền núi

Có một thực tế rõ ràng là hiện nay, với nhiều người, nếu không đọc sách, công việc của họ vẫn diễn ra đều đặn, họ vẫn mải mê đuổi theo những giá trị vật chất để lo toan cho cuộc sống.

Việc không đọc sách không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của họ.

Một số sinh viên chia sẻ, việc đọc sách khiến họ cảm thấy nhàm chán, họ không đủ kiên nhẫn để dành thời gian cho việc đọc sách.

Vì thế, ngoài những sách giáo trình bắt buộc phải đọc trong chương trình, họ không có hứng thú với việc đọc sách.

Không những thế, trong cuộc sống hiện nay, nhiều người vẫn mang trong mình một định kiến rằng người cầm sách đọc là những con mọt sách, chỉ biết lý thuyết và mơ mộng.

Hoặc có người lại cho rằng hành động đọc sách nơi công cộng khiến họ trông có vẻ trí thức và khác biệt với mọi người.

Cần tạo ra môi trường đọc sách

Khi cha mẹ thích thú việc đọc sách, niềm say mê và sự thích thú sẽ được truyền đạt cho con cái một cách vô thức.

Trẻ sẽ dần dần được hình thành những tư duy, suy nghĩ về việc đọc sách để bổ sung kiến thức, để nghiên cứu và thậm chí là để giải trí.

Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng gia đình chính là nền tảng phát triển văn hóa đọc. Gia đình là nơi truyền “gen” đọc sách cho mỗi thế hệ và tạo thói quen đọc sách, do đó, phải xây dựng các tủ sách trong gia đình.

Theo ông, các tủ sách phải được đặt nơi quan trọng nhất trong nhà, nơi thuận lợi để mọi người lấy sách đọc. [2]

Vì sao người Việt vẫn ngại đọc sách? ảnh 3

“Đọc sách để không lạc hậu”

Dân tộc Do Thái vốn được coi là dân tộc thông minh nhất thế giới. Với việc giáo dục thói quen đọc sách từ nhỏ và sự coi trọng tri thức, người Do Thái dù trải qua nhiều thăng trầm vẫn luôn mạnh mẽ và chứng tỏ năng lực ở bất kì nơi nào họ sinh sống.

“Một ngôi nhà ngập tràn sách” có lẽ là từ có thể miêu tả rõ nhất về ngôi nhà của người Do Thái.

Những người mẹ Do Thái dạy con yêu sách từ nhỏ, ngay từ khi con chưa biết nói, họ đã trao cho con những cuốn sách rồi nhỏ lên đó vài giọt mật ong để con có thể cảm nhận những điều ngọt ngào trong cuốn sách qua các giác quan.

Những bà mẹ Do Thái cũng không quên nhắc nhở con cái về hình tượng “Con lừa thồ sách”, hàm ý rằng chúng ta cần đọc sách và ứng dụng nó trong cuộc sống, nếu không thì cũng chẳng có giá trị gì hết.

Chia sẻ về việc xây dựng thói quen đọc sách, anh Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập chương trình “Sách hóa nông thôn” và từng được trao giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 - một giải thưởng tôn vinh những người khai trí chia sẻ:

Hiện nay ở Việt Nam chưa có văn hóa đọc. Chúng tôi đã đưa sách đến từng trường học, tủ sách dòng họ, tủ sách giáo xứ, tủ sách gia đình… để các học sinh ở nông thôn có thể tiếp cận sách”.

Anh cũng cho biết: “Vấn đề nghiêm trọng nhất là đói sách ở nông thôn. Trong khi đó, nhiều học sinh ở thành phố lại không được định hướng trong việc đọc khiến những tác phẩm giá trị không được các em tìm hiểu sâu mà lại sa đà vào những cuốn truyện tranh đầy bạo lực”.

Vì vậy, anh Thạch nhấn mạnh, nhà trường cần cung cấp và kiểm soát đầu vào, mang đến cho học sinh những cuốn sách khoa học, những cuốn sách nhân văn giàu tính giáo dục.

Đặc biệt, học sinh cần được tiếp xúc với những tác phẩm văn học nổi tiếng bản đầy đủ, nối dài những đoạn trích được giới thiệu trong sách giáo khoa nhà trường.

Dù cách này hay cách khác, chúng ta cần làm sao để con trẻ thấy sách hàng ngày, để sách hiện hữu như một điều quen thuộc trong cuộc sống và trân trọng những giá trị của tri thức.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/viet-nam-trung-binh-1-nguoi-doc-4-cuon-sach-nam-300282.html

[2] http://www.vietnamplus.vn/thoi-quen-doc-sach-cua-nguoi-viet-dang-giam-sut/62405.vnp

Hồ Thu