LTS: Bạo lực cần được ngăn chặn nơi trường học. Đặc biệt, có một loại bạo lực có sức tàn phá kinh khủng đó chính là gian lận thi cử.
Thầy giáo Sơn Quang Huyến sẽ chỉ rõ vấn đề này trong bài viết sau đây.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm, trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học, giáo dục.
Bạo lực học đường bao gồm các hành vi bạo lực về thể chất, gồm đánh nhau giữa các học sinh; giáo viên đánh học sinh; giáo viên ra lệnh cho học sinh đánh học sinh; các hình phạt thể chất của nhà trường với học sinh.
Bạo lực tinh thần, bao gồm cả việc tấn công bằng lời nói; làm người khác bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống; cướp đi cơ hội của người khác bằng hành vi phi đạo đức của mình; bạo lực tình dục, bao gồm hiếp dâm và quấy rối tình dục; các dạng bắt nạt bạn học; mang vũ khí đến trường tấn công, đe dọa người học.
Đã có 222 thí sinh được nâng điểm tại các địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Trong ảnh là Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La, nguồn: Vũ Phương. |
Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 đã để lại nhiều tai tiếng nhất, đau đớn nhất cho ngành giáo dục nước nhà trong suốt mấy chục năm qua.
Đã có 222 thí sinh được nâng điểm tại các địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Xét về số lượng thí sinh được nâng thì Hà Giang đứng đầu bảng với 114 thí sinh, tiếp đến là Hòa Bình 64 thí sinh và Sơn La là 44 thí sinh.
Xét về số điểm nâng tuyệt đối thì Hà Giang vẫn đứng đầu, có những thí sinh của tỉnh này tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với trước đó. Tức là mức điểm được nâng gần như tuyệt đối với 3 bài thi. Tiếp đến là Sơn La 26,55 điểm/3 môn, Hòa Bình là 26,45 điểm/3 môn.
Nhưng rất may cho các thí sinh khác, đó là vụ việc tại Hà Giang được phanh phui trước khi thí sinh được thay đổi nguyện vọng một lần nữa để xét tuyển đại học.
Nhưng Sơn La và Hòa Bình đến giờ mới có kết quả chấm thẩm định; trong khi phần lớn các thí sinh được nâng điểm trúng tuyển vào khối trường Công an, Quân đội.
Như vậy đã có 108 thí sinh dùi mài kinh sử bị tước đoạt, đánh cắp kết quả. Đã có 108 nhân tài thực sự của đất nước bị “gạch tên”. Đã có 108 gia đình, dòng họ, làng quê bị tổn thương về tinh thần.
Ghê gớm hơn, đã có hàng triệu người Việt Nam mất niềm tin vào ngành giáo dục, mất niềm tin vào công lý, xã hội.
Nguy hại hơn, những “thủ khoa điểm 1” phần lớn học trường Công An, Quân đội, cái nôi cán bộ nguồn của Đảng, của Nhà nước; dù các thủ khoa đó đã bị “trả về địa phương”, thế nhưng làm người dân có quyền nghi ngờ, liệu có những người khác mua điểm đang học hoặc đã tốt nghiệp những ngôi trường danh tiếng này không?
Như vậy, gian lận điểm thi Trung học phổ thông năm 2018, vụ bạo lực học đường ghê gớm nhất từ trước đến nay của lịch sử giáo dục nước ta về quy mô, số lượng, tính chất nguy hại! Nó “khủng bố niềm tin” hiện tại, quá khứ, tương lai của cả dân tộc.
Bạo lực là hành vi xấu xí, bạo lực trong giáo dục càng xấu xí hơn; xấu xí nhất trong bạo lực học đường, hành vi gian lận điểm thi, thực hiện bởi những “cán bộ, trí thức”.
Trừng trị những kẻ gian lận điểm thi, mua, bán điểm trong các kì thi Trung học phổ thông, thi Đại học v.v... là một biện pháp quan trọng để phòng, chống bạo lực học đường.
Cái ác, cái xấu không bị trừng trị đích đáng, chuẩn mực đạo đức xã hội sẽ bị lệch chuẩn; trừng trị những kẻ gian lận điểm thi Trung học phổ thông 2018 dù kẻ đó là ai, đang giữ chức vụ gì; là mong muốn của nhân dân, mệnh lệnh của cuộc sống.
Tài liệu tham khảo:
https://www.tienphong.vn/giao-duc/gian-lan-thi-cu-hoa-binh-son-la-ha-giang-tinh-nao-nang-diem-bao-tay-nhat-1404281.tpo