Đề kiểm tra học kỳ thường trục trặc, sai sót

22/12/2019 06:22
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Cứ đến mùa kiểm tra học kỳ, thi cử là thường xảy ra những vấn đề trục trặc, sai sót, nhầm lẫn… liên quan tới khâu ra đề kiểm tra, đề thi.

Báo chí phản ánh, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân (Hà Nội) ra đề thi kiểu "đánh đố" khiến 70% học sinh trên địa bàn bị điểm dưới trung bình, phải tổ chức thi lại. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân bị thanh tra việc ra đề thi.

Nội dung đề kiểm tra yêu cầu học sinh nhận định “buông bỏ, cần nhiều sức mạnh hơn vạn lần so với sự theo đuổi” trong đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 12 thuộc học kỳ 1 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Đà Nẵng cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều.  

Người thì đồng tình, cách hỏi hay để học sinh phản biện, bày tỏ quan điểm riêng của mình. Người thì cho rằng, yêu cầu như thế dễ dẫn đến tiêu cực, buông bỏ, thiếu khát vọng, ước mơ ở lứa tuổi mới lớn, học sinh cấp 3.

Đề kiểm tra học kỳ thường trục trặc, sai sót. (Ảnh minh hoạ: Thieunien.vn)
Đề kiểm tra học kỳ thường trục trặc, sai sót. (Ảnh minh hoạ: Thieunien.vn)

Một vụ việc khác, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã khẩn trương chỉ đạo Trường Trung học phổ thông Gò Vấp (quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) kiểm tra, báo cáo về việc thầy giáo trưởng bộ môn Vật lý của trường đăng đề thi và đáp án lên Facebook.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, không có việc bị lộ đề vì bài kiểm tra đã được đánh giá rồi, chấm rồi và kết quả phù hợp với quá trình các em học tập trên lớp.

Tuy nhiên, Trường Trung học phổ thông Gò Vấp sẽ phải họp rút kinh nghiệm để đảm bảo an toàn bảo mật đề thi cho các đợt thi tiếp theo, để học sinh cảm thấy công bằng, khách quan trong kiểm tra.

Mặc dù, đề thi và đáp án môn Vật lý 12 được thầy Nghĩa đăng lên Facebook với chế độ chỉ mình tôi, sau khi thi xong thầy mới chế độ công khai.

Nhưng cách làm của thầy tổ trưởng bộ môn Vật lý là cực kỳ nguy hiểm, khi mà các hacker hoặc các em giỏi công nghệ thông tin hoàn toàn dễ dàng tìm cách vào được.

Học sinh chưa làm bài, thầy không được phép đưa đề lên mạng
Học sinh chưa làm bài, thầy không được phép đưa đề lên mạng

Để bảo mật đề thi, tốt nhất nên để trong máy tính cá nhân để bảo mật tuyệt đối đề thi.

Ba vụ việc nêu trên đều liên quan đến khâu ra đề kiểm tra học kỳ 1 của Phòng Giáo dục và Đào tạo, của Sở Giáo dục và đào tạo, của giáo viên ở trường trung học phổ thông.

Mỗi vụ việc là một khía cạnh khác nhau. Đề kiểm tra tiếng Anh của Phòng Giáo dục và Đào tạo Thanh Xuân thì ra kiểu “đánh đố” khiến nhiều học sinh không hiểu, không làm được bài.

Đề kiểm tra Ngữ văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đưa ra ngữ liệu và nội dung cần nghị luận chưa thật phù hợp với nhận thức của học sinh, dễ làm cho các em lệch lạc, tiêu cực về lẽ sống.

Đề kiểm tra môn Vật lý của thầy Nghĩa ở Trường Trung học phổ thông Gò Vấp (Thành phố Hồ Chí Minh) khi học sinh chưa kiểm tra đã đăng đề và đáp án lên Facebook cá nhân dễ có nguy cơ bị lộ đề, vi phạm về tính bảo mật của đề kiểm tra.   

Nhiều năm nay, qua theo dõi, tôi nhận thấy hễ đến mùa kiểm tra học kỳ, thi cử là thường xảy ra những vấn đề trục trặc, sai sót, nhầm lẫn… liên quan tới khâu ra đề kiểm tra, đề thi.

Lúc thì đề của trường, khi thì đề của Phòng, của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Theo tôi trong thực tế, các đề kiểm tra học kỳ của giáo viên, nhà trường, phòng, sở bị sự số, mắc lỗi còn nhiều nữa, vì không phải sự số, mắc lỗi nào ở đề kiểm tra cũng được phát hiện, phản ánh trên báo chí, trên cộng đồng mạng.

Quả thật, công đoạn ra đề kiểm tra, đề thi là khâu trần ai, khó khăn, vất vả và thử thách nhất đối với thầy cô giáo ra đề.

Chẳng mấy ai dám xung phong nhận nhiệm vụ nặng nề, cực nhọc, hao tổn nhiều sức lực này. Nhưng vì trách nhiệm, yêu cầu của nhà trường, cấp trên mà phải đương đầu.

Không còn cách nào khác, từng thầy cô ở các cơ sở giáo dục, các chuyên viên thuộc Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo phải lo đầu tư, rèn rũa chuyên môn của mình cho sắc bén, thâm hậu để trước hết giảng dạy tốt và sau đó luôn cẩn trọng, sáng suốt ở khâu ra đề, lập ma trận và đáp án với tiêu chí đảm bảo chuẩn kiến thức - kỹ năng, vừa sức và phân hóa được năng lực học sinh.

Trên diễn đàn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đang đăng nhiều bài viết, ý kiến phân tích về các ưu điểm và nhược điểm ở đề kiểm tra học kỳ do Trường, Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo với các khía cạnh khác nhau.

Có một bạn đọc tên là Nguyễn Văn Bốn đưa ra chia sẻ rất chí lý (dưới bài "Đề kiểm tra học kỳ của Phòng, Sở Giáo dục vẫn đang cần thiết" của tác giả Sông Trà, ngày 17/12):

"Giáo dục cần thay đổi tính cách của người thầy trước khi bàn đến chuyện đề của ai ra. Xưa nay người thầy dạy thì ra đề. Vấn đề chính là Tính Trung thực!"

Đúng vậy, người thầy cô giáo ra đề, phản biện đề mà không có tính trung thực, toàn "sính thành tích", tính đường có lợi cho học sinh của mình thì dù các quản lý giáo dục có đổi mới, cải tiến đến đâu đi nữa cũng đành bất lực, bó tay.    

SÔNG TRÀ