Hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14) được xây dựng trên tinh thần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, thể chế hóa chủ trương tự chủ đại học của Đảng, Nhà nước đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 nhưng ngày 16/10/2019, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ký Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ ban hành quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, công nhận chức vụ, cho thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển đổi với cán bộ trong tổ chức công đoàn.
Trong số các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có hai trường đại học (gồm Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Công đoàn).
Hai trường này vừa là đối tượng điều chỉnh của Luật số 34/2018/QH14 và các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tự chủ đại học, vừa là đối tượng nội bộ bị điều chỉnh bởi Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ.
Tuy nhiên có một số nội dung quy định tại Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ rõ ràng trái với chủ trương tự chủ đại học; cũng như trái với quy định trong Luật số 34/2018/QH14 mà khi áp dụng sẽ gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học này.
Trước vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIV Lê Thanh Vân - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Luật số 34/2018/QH14 đã có hiệu lực nên không thể có một cơ quan, tổ chức nào được phép đi ngược lại”.
Theo Đại biểu Quốc hội khóa XIV Lê Thanh Vân, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành một văn bản trái Luật là điều không thể chấp nhận được. (Ảnh: quochoi.vn) |
Do đó, theo Đại biểu Lê Thanh Vân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội được Nhà nước trao cho một số quyền hạn, nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý trong các đơn vị trực thuộc nên việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành một văn bản trái Luật là điều không thể chấp nhận được.
Nói về phương án xử lý, ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh: “Việc một cơ quan, tổ chức ban hành văn bản trái luật sẽ có 3 cách xử lý.
Thứ nhất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải tự rà soát lại việc chấp hành pháp luật của mình đã đúng hay chưa đồng thời cần hủy bỏ Quyết định 1584 bởi lẽ Luật số 34/2018/QH14 đã có hiệu lực pháp lý.
Thứ hai, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ tư pháp – cơ quan giúp Chính phủ kiểm soát việc ban hành văn bản để thực hiện các đạo luật của Quốc hội cần phải tuýt còi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Thứ ba là con đường giám sát của Quốc hội”.
Tổng liên đoàn đang vô hiệu hóa chủ trương, pháp luật về tự chủ đại học? |
Cũng theo ông Vân, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực thi Quyết định 1584 cần có kiến nghị gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về những nội dung đi ngược lại so với Luật số 34/2018/QH14.
Nếu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không giải quyết thì cơ sở thực thi Quyết định này có quyền khiếu nại lên Thủ tướng và gửi các văn bản kiến nghị lên các Ủy ban của Quốc hội để phản ánh, cụ thể là Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Trước đó, như thông tin Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã truyền tải, Luật số 34/2018/QH14 quy định hội đồng trường của trường đại học công lập "quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật".
Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 6, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ qui định Tập thể thường trực Đoàn chủ tịch “phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn...”.
Khi Luật số 34/2018/QH14 quy định, hội đồng trường của trường đại học công lập "quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định;".
Tuy nhiên, Điều 27, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ lại cho Tổng liên đoàn thẩm quyền "công nhận chức vụ phó hiệu trưởng trường đại học".
Và Luật số 34/2018/QH14 quy định, Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học công lập quy định về hội đồng trường bao gồm nội dung "thủ tục hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng trường đại học, việc quyết định chức danh quản lý khác của trường đại học trong quy trình bổ nhiệm nhân sự;".
Nhưng Khoản 4, Điều 6, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ lại qui định nhân sự hiệu trưởng phải được Tổng Liên đoàn giới thiệu để bầu; Khoản 4, Điều 6, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ lại qui định Thường trực Đoàn Chủ tịch quyết định công nhận Thư ký hội đồng trường, điều mà Luật số 34/2018/QH14 không hề quy định....