Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành văn hoá đã đóng góp rất quan trọng, không thể thiếu vào những kết quả phát triển toàn diện của đất nước trong năm 2019.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: VGP |
“Điều đáng quý, văn hoá, thể thao và cả du lịch đã góp phần khơi dậy ý chí Việt Nam, khát vọng mãnh liệt của dân tộc, truyền thống của đất nước để vươn lên mạnh mẽ hơn nữa”. Công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã có những tiến bộ hơn các năm trước, sát hơn với thực tế.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngành Văn hóa thể thao và Du lịch cần nhìn thẳng vào những bất cập, hạn chế với tinh thần “nhìn thẳng vào những tồn tại chưa chắc đã khắc phục được triệt để, nhất là những vấn đề liên quan văn hoá, nhưng nếu không nhìn vào thì chắc chắn không thể tiến bộ”.
Phó Thủ tướng điểm một số tồn tại trong các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch. Vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp hay tình trạng xâm hại
di sản, di tích, bảo tồn tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh, biểu diễn nghệ thuật, phim ảnh… là những bài học mà nội bộ ngành Văn hóa thể thao và Du lịch phải chấn chỉnh.
Bên cạnh đó là bất cập trong đặt hàng phim điện ảnh, đào tạo nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo), lý luận phê bình… Hệ thống các thiết chế văn hoá chưa được quan tâm đúng mức, vừa thiếu, vừa thừa.
“Một điều chúng ta phải rất day dứt là có những bảo vật quốc gia nằm ở dưới hầm, người dân không thể xem được vì không có chỗ trưng bày và các điều kiện an ninh cần thiết. Trong khi đó rất nhiều thiết chế văn hoá ở địa phương sử dụng không tốt. Từng cái nhỏ cộng hết lại thì rất lớn”, Phó Thủ tướng nhận xét và đề nghị ngành Văn hóa thể thao và Du lịch nhìn thẳng vào để rút kinh nghiệm trong đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá mới, có hướng sử dụng hiệu quả hơn các thiết chế hiện có.
Lĩnh vực du lịch dù đạt kết quả tốt nhưng không phải đã hết tồn tại, hạn chế từ xúc tiến, quảng bá đến môi trường, văn hoá, những điểm nghẽn trong phát triển du lịch như hạ tầng, hàng không…
Tương tự, Phó Thủ tướng cho rằng lĩnh vực thể dục, thể thao dù có nhiều thành tích ấn tượng song phong trào thể thao quần chúng vẫn cứ “bình bình như thế”, không có đột phá, điểm nhấn; thiếu các cơ chế bảo đảm cho đào tạo, huấn luyện thể thao đỉnh cao, chuyện đội tuyển bắn súng không có đạn để bắn tập là một ví dụ.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2020 tiếng nói của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch phải mạnh mẽ, thôi thúc hơn, “xắn tay áo” vào làm việc với các bộ ngành, khắc phục những hạn chế, bất cập đã được nhìn nhận.
Cùng với đó là tăng cường hơn nữa nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của việc đầu tư cho văn hoá, xã hội; vai trò văn hoá trong mọi lĩnh vực xã hội; đề cao tính gương mẫu.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý 2 việc mà Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch tập trung thực hiện trong năm 2020. Thứ nhất là Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để làm tốt hơn cơ chế đặt hàng trong đào tạo, sáng tác văn học, nghệ thuật… nhất là nghệ thuật truyền thống.
Thứ hai là ngành Văn hóa thể thao và Du lịch cần chú trọng hơn nữa đến các chương trình, hoạt động nâng cao thể lực, tầm vóc, thẩm mỹ để người Việt Nam phát triển toàn diện Đức-Trí-Thể-Mỹ.
“Bên cạnh việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, trách nhiệm lớn nhất của ngành Văn hóa thể thao và Du lịch là góp phần khơi dậy ý chí của dân tộc, phát huy cái tốt trong văn hoá, đấu tranh, đẩy lùi sự xuống cấp về văn hoá, đạo đức.
Năm 2020 phương châm hành động của Chính phủ là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả". Trách nhiệm là vô cùng quan trọng, nhất là với ngành văn hoá. Đặc điểm của ngành văn hoá là kết quả tốt không thấy ngay được, cái xấu cũng không khắc phục ngay được nên các đồng chí phải xác định trách nhiệm cao hơn bình thường”, Phó Thủ tướng nói.