Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra căng thẳng với số ca lây nhiễm chéo ngày càng gia tăng, mới đây, Đại học Đà Nẵng đã đưa vào ứng dụng thiết bị đo thân nhiệt từ xa phục vụ nhu cầu cấp thiết của công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thiết bị đo thân nhiệt từ xa giúp nhân viên y tế không phải tiếp xúc gần với người cần đo thân nhiệt, qua đó hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo. Ảnh: AN |
Đây là sản phẩm công nghệ do nhóm nghiên cứu Động cơ sử dụng năng lượng tái tạo (GATEC) Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng nghiên cứu và chế tạo.
Trải qua nhiều lần thử nghiệm thực tế, thiết bị này đã khẳng định những tính năng và hiệu quả, đặc biệt trong việc phát hiện sớm, hạn chế tiếp xúc với người có thân nhiệt cao.
Theo Giáo sư Bùi Văn Ga - Trưởng nhóm nghiên cứu chế tạo (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), máy đo thân nhiệt từ xa là một trong những giải pháp công nghệ hữu hiệu nhằm hạn chế sự lây nhiễm chéo của virus Covid-19 trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp.
Tôi có niềm tin chúng ta sẽ làm tốt việc đẩy lùi, chặn đứng đại dịch |
“Nếu nhân viên y tế sử dụng nhiệt kế hồng ngoại để đo trực tiếp như cách thường làm hiện nay thì vẫn có khả năng gặp rủi ro khi tiếp xúc.
Thiết bị đo thân nhiệt từ xa cho phép cách ly nhân viên y tế với người cần đo nhiệt độ nên loại trừ được khả năng lây nhiễm này”, giáo sư Ga chia sẻ.
Đại diện nhóm nghiên cứu GATEC cho biết, thiết bị đo thân nhiệt từ xa có cấu tạo gồm 1 máy đo thân nhiệt hồng ngoại thông dụng (hoặc cảm biến nhiệt độ hồng ngoại), 1 webcam, một laptop hay Ipad, điện thoại thông minh để đọc kết quả.
Kết quả đo sẽ được camera chuyển đến màn hình của nhân viên y tế qua internet. Nhân viên y tế có thể thực hiện công việc quan sát và đo thân nhiệt từ xa cho khách trong phòng cách ly, có cửa kính.
Một hệ thống nâng hạ chiều cao tự động để điều chỉnh cụm máy đo nhiệt độ-camera phù hợp với chiều cao người cần đo để đảm bảo độ chính xác.
Như vậy, việc sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa đảm bảo không có sự tiếp xúc gần giữa nhân viên y tế và người được đo, nhờ đó hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo Virus Covid-19.
“Để giúp cho giao tiếp giữa nhân viên y tế trong phòng cách ly và người cần đo nhiệt độ, hệ thống có thêm màn hình hiển thị nhiệt độ mắc song song với màn hình máy tính của nhân viên y tế và kết nối audio để truyền tải các hướng dẫn cần thiết.
Trọn bộ thiết bị đo thân nhiệt từ xa có chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với các thiết bị đang ứng dụng tại các sân bay, nhà ga. Ảnh: AN |
Có thể tận dụng các loại màn hình cũ (màn hình Ipad, PC, laptop …) để kết nối hiển thị kết quả đo thân nhiệt với thiết bị này để giảm giá thành sản phẩm” đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu GATEC thì chi phí để chế tạo thiết bị này chưa đến 10 triệu đồng.
Còn đối với các hệ đo thân nhiệt từ xa phần kiểu camera hồng ngoại sử dụng ở nơi công công (nhà ga, sân bay… ) rất đắt tiền, chi phí đầu tư tối thiểu lên đến 300-400 triệu đồng.
Triển khai trên toàn quốc hệ thống khai báo sức khoẻ du lịch |
Đối với một đơn vị hành chính, trường học việc đầu tư như vậy sẽ rất tốn kém và lãng phí vì không sử dụng thường xuyên.
Sản phẩm của nhóm nghiên cứu GATEC có chi phí thấp hơn rất nhiều nhưng vẫn đảm bảo được các tính năng cần thiết của việc kiểm tra thân nhiệt, góp phần hạn chế sự lây lan của Virus Covid-19.
Nhóm nghiên cứu GATEC mong muốn phổ biến rộng rãi công nghệ này cho cộng đồng để góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
“Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho cơ quan, trường học, doanh nghiệp… để tự chế tạo hoặc chúng tôi chế tạo và cung cấp theo yêu cầu, hoàn toàn không vì lợi nhuận” Giáo sư Ga cho hay.
Văn phòng Đại học Đà Nẵng cũng thông tin thêm, hiện thiết bị máy đo thân nhiệt từ xa đã được lắp đặt, sử dụng ngay tại cổng chính của Đại học Đà Nẵng (trụ sở 41 Lê Duẩn, quận Hải Châu, Đà Nẵng) để đo thân nhiệt đối với tất cả cán bộ, viên chức, sinh viên và khách đến làm việc, giao dịch.