Hà Nội vẫn thi môn thứ 4 là bảo thủ

17/04/2020 06:44
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Là học sinh trong cùng một quốc gia, học 1 sách giáo khoa, đều vào lớp 10 mà có em chỉ thi 2 môn, nhưng có em phải thi 4 môn, vậy hỏi có công bằng hay không?

Tại sao Hà Nội không sớm công bố môn thi thứ 4 vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2020 - 2021? Trong khi thời gian này các em học sinh phải nghỉ học ở nhà, học trực tuyến nên có ít nhiều thiệt thòi.

Đây là dịp cần phải xem những việc gì không hợp lý thì nên thay đổi, ví dụ môn thi thứ 4 vốn dĩ đã không hợp lý mà lại còn chưa công bố thì lại càng không hợp lý.

Trước vấn đề Hà Nội vẫn giữ nguyên môn thi thứ 4 trong kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông năm nay, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - Nguyên giáo viên dạy Toán Trường Trung học phổ thông Thăng Long (Hà Nội), chia sẻ: “ Theo tôi môn thứ 4 không hợp lý ở chỗ chỉ để tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông, vậy 3 môn Toán, Văn và Ngoại ngữ đã là quá chuẩn rồi.

Với 3 môn đó mà các em học xuất sắc, đạt yêu cầu thì các môn khác…có tích hợp lại đi nữa thì cũng chỉ là vẽ vời thêm thôi, gây phiền hà cho học sinh, có đánh giá được gì đâu vì có rất nhiều cách để đánh giá năng lực của một em học sinh.

Một người tài giỏi theo chuẩn mực xã hội hiện nay thì tôi thấy nếu nắm chắc được Toán, Văn và Ngoại ngữ là quá chuẩn rồi, cái kiềng 3 chân đó giúp học sinh vững vàng suốt cuộc đời và không cần thiết lắm môn thứ 4 kia nữa.

Vậy nên nhân dịp này lãnh đạo Hà Nội cũng nên mạnh dạn bỏ môn thi thứ 4 để bớt phiền hà, khổ học sinh và cũng làm giảm chi phí kinh tế xã hội.

Còn nếu Hà Nội vẫn giữ môn thi thứ 4 đó, lại còn đánh đố học sinh chưa chịu công bố, vậy thì nhằm mục đích gì?

Đó là môn bắt học sinh phải học thuộc lòng, nếu thời gian công bố gấp quá có thể dẫn đến tình trạng học sinh lờ môn đó đi, học loáng thoáng để không bị điểm liệt là được, còn các em vẫn tập chung vào học 3 môn kia và đạt điểm 9 điểm 10 thì vẫn thừa sức đỗ vào lớp 10 trung học phổ thông.

Vậy nên Hà Nội vẫn để môn thi đó lại còn cách kỳ thi 2 tháng mới công bố là đánh đố học sinh, làm loãng đánh giá chất lượng. Vậy theo tôi nên kiến nghị bỏ môn thi thứ 4”.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc: "Tôi nhấn mạnh lại rất cần việc quản lý chung của toàn quốc về giáo dục, còn việc đề thi đó khó hay dễ, dài ngắn ra sao sẽ tùy các địa phương. Đó là điều hợp lý”. Ảnh: Tùng Dương.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc: "Tôi nhấn mạnh lại rất cần việc quản lý chung của toàn quốc về giáo dục, còn việc đề thi đó khó hay dễ, dài ngắn ra sao sẽ tùy các địa phương. Đó là điều hợp lý”. Ảnh: Tùng Dương.

Có cần thiết phải thi 4 môn

Theo thầy Ngọc: “Đánh giá năng lực kiến thức học sinh vào cấp 3 để làm gì? Để xem học sinh đó có đủ năng lực tiếp thu kiến thức ở cấp trung học không, hay em đó không biết gì thì có thể chuyển sang học nghề, hoặc nhiều hướng khác có lợi hơn để sau này lập nghiệp.

Một học sinh mà Toán, Văn là 2 môn cơ bản nhất trong kiến thức phổ thông nếu các em đã giỏi, đã đạt yêu cầu rồi và thậm chí còn rất xuất sắc, cộng thêm với trình độ ngoại ngữ thông thạo thì theo tôi là đủ chuẩn.

Với 3 môn đó đủ để đánh giá bất kỳ một học sinh nào, không những đủ năng lực trở thành một học sinh cấp 3 phổ thông, mà còn có thể đào tạo thành những thiên tài sau này. Như vậy không cần thiết phải cần đến môn thi thứ 4 như Hà Nội hiện nay nữa.

Khía cạnh công bằng về một nền giáo dục chuẩn của học sinh các vùng miền trên cả nước cũng cần phải bàn đến một cách nghiêm túc, tại sao cũng là học sinh trong cùng một quốc gia, cùng 1 sách giáo khoa, cùng vào lớp 10 mà có em chỉ thi 2 môn, nhưng có em lại phải thi 4 môn, vậy có công bằng hay không?

Một em học sinh học hết cấp 3, khi ra trường rồi nhưng đầu vào có em thi 2 môn, thi 3 và 4 môn có khác nhau về trình độ hay không?

Một em học sinh thi đỗ vào trường cấp 3 ở một  tỉnh A chỉ phải thi 2 môn, sau một học kỳ vì điều kiện gia đình nên em đó phải chuyển về Hà Nội để học tiếp và việc đó đúng luật. Vậy điều đó có công bằng hay không khi so sánh em đó với các bạn cùng lớp? Đó là điều không công bằng.

Nhưng có một khía cạnh khác mà chúng ta cần phải xem xét là một Nhà nước trong đó gồm nhiều tỉnh thành, địa phương…và Nhà nước đó có thể giao quyền cho các địa phương tự quyết về nội dung ra đề thi các cấp, chấm điểm và xét duyệt.

Nhưng còn chủ trương, đường lối thì cần phải thống nhất trong cả nước thì đó mới gọi là một Quốc gia. Tại sao tỉnh thì thi 2 môn nhưng có tỉnh lại thi 4 môn, vậy thì còn ra thể thống Quốc gia gì nữa.

Nếu vậy thì bỏ hẳn Bộ Giáo dục và Đào tạo đi cho yên chuyện, vừa bớt chi phí cho Nhà nước. Bộ Giáo dục làm cái gì, anh chỉ đạo đường lối, chủ trương xem cái gì hợp lý thì làm, còn cái gì không hợp lý thì phải cho dừng, và việc đó Bộ phải tự quyết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải thống nhất ngày thi, số lượng môn, môn thi, còn đề thi khó dễ ra làm sao thì địa phương có thể tự quyết định tùy vào tình hình thực tế giáo dục của địa phương đó.

Bộ Giáo dục không can thiệp vào đề nhưng cần chỉ đạo thống nhất các địa phương chỉ được thi mấy môn, và đó là những môn gì. Như vậy mới gọi là chủ trương đường lối của cả một Quốc gia.

Vậy tại sao Bộ Giáo dục lại khoanh tay ngồi nhìn mỗi địa phương tự tung tự tác làm một kiểu? Nó thể hiện một bộ máy rệu rã thiếu thống nhất, thiếu quản lý sâu…và điều đó là không thể chấp nhận được.

Còn nếu nói về giáo dục ở một số địa phương vùng sâu, biên giới hải đảo có chất lượng thấp thì đó là tư duy cũ rồi, hải đảo hay vùng sâu… các em học trên mạng cũng có thể học giỏi như học sinh các vùng miền khác, vậy nên không cần phải chiếu cố việc học.

Việc này nói đến tính thống nhất của một Nhà nước, một nền giáo dục để mọi người thấy rằng Quốc gia đó có nền giáo dục như vậy, thi cử như thế.

Tôi nhấn mạnh lại rất cần việc quản lý chung của toàn quốc về giáo dục, còn việc đề thi đó khó hay dễ, dài ngắn ra sao sẽ tùy các địa phương. Đó là điều hợp lý”.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc: "Khía cạnh công bằng về một nền giáo dục chuẩn của học sinh các vùng miền trên cả nước cũng cần phải bàn đến một cách nghiêm túc". Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc: "Khía cạnh công bằng về một nền giáo dục chuẩn của học sinh các vùng miền trên cả nước cũng cần phải bàn đến một cách nghiêm túc". Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Phải chăng Hà Nội thích chơi trội?

Thầy Ngọc nêu quan điểm: “Theo tôi thấy có nhiều quan chức hiện nay họ có những cái ngang, mà những cái ngang đó trong phạm vi được phép, họ thích thể hiện mình phải hơn người, chơi trội khác biệt. Hà Nội là phải khác?

Một giả thiết nữa là họ cứng đầu không muốn chấp nhận chỉ đạo ở trên vì cái chung mà vì lợi ích nhóm. Vậy những cái ngang, chơi trội, lợi ích nhóm đó là không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh như nước ta hiện nay.

Bây giờ có tỉnh thi 2 môn, có tỉnh thi 3 môn mà Hà Nội vẫn giữ khư khư phải thi 4 môn thì mới xứng đáng là học sinh Thủ Đô, có thể gọi đó là tính bảo thủ, tính ngang ngược, đứng về mặt tổ chức thống nhất của một Quốc gia thì đó là điều không cho phép.

Ta phải giải thích, tranh luận, phản biện để Hà Nội thấy rằng họ vẫn giữ nguyên 4 môn thi là không hợp lý. Toán, Văn và Ngoại ngữ là cần và đủ chính xác để chọn một học sinh đủ trình độ vào cấp 3 trung học phổ thông rồi.

Hà Nội vẫn thi môn thứ 4 là bảo thủ ảnh 3Học Toán chỉ để đi thi sẽ làm học sinh mệt mỏi

Bao thế hệ thi cử cũng chỉ đến thế thôi, không có những môn tích hợp lăng nhăng như hiện nay mà giờ ra làm việc cũng toàn giáo sư, tiến sĩ cả đấy thôi. Mà nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến cũng không có thi như vậy, không hiểu sao chúng ta lại đẻ ra cái thứ kỳ lạ đó?

Bây giờ chúng ta đã có đủ thời gian ngẫm nghĩ lại thấy môn thi đó là rất thừa. Kiến thức của con người học qua mạng đã quá đầy đủ, nhất là trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay.

Cái cần nhất là học sinh có tư duy vào mạng để tìm những kiến thức mình cần hay không, thì thư duy phản biện đó là Toán học.

Việc diễn đạt ra những kiến thức tầm thế giới mình tìm thấy trên mạng, những thứ mình thu hoạch được và diễn giải, ứng dụng ra sao thì đó là trình độ văn học. Còn kỹ năng để học sinh chui vào các cánh cửa của kiến thức thế giới, đọc và hiểu được nó thì đó là môn Ngoại ngữ.

Với 3 môn đó là quá thừa, quá đầy đủ và không có gì hơn nữa. Còn anh cứ bảo thủ, ngang ngược thêm môn thứ 4 thì xã hội chúng ta không nên ủng hộ mà phải phê phán đó là bảo thủ không chấp nhận được.

Nhân đợt nghỉ dịch bệnh này, chúng ta phải xem lại cách làm việc, xem lại tính nhân đạo, cùng nhau cộng tác để phát hiện ra những năng lực tốt nhất phục vụ xã hội. Còn những tư tưởng bảo thủ, ngang ngược, chơi trội, bắt ép hành nhau… thì cần phải được thay đổi ”.

Tùng Dương