Bộ trưởng… quên

03/06/2020 06:00
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xin rút kinh nghiệm nghĩa là mong được tiếp tục đảm nhận vị trí hiện thời, nếu phải thôi việc thì việc gì phải “rút kinh nghiệm”.

Cứ nghĩ loạt bài “Bộ trưởng … dỗi”, “Bộ trưởng … ngại” và “Bộ trưởng … khất” (Ban biên tập sửa tít bài thành “Bộ trưởng… mời cơm”) thế là đủ, không cần viết thêm gì nữa, thế nhưng những gì diễn ra gần đây thì đành phải thêm “Bộ trưởng … quên”.

Thêm không phải là học mót hãng “20th Century Fox” của Hoa Kỳ trong seri phim “Fantastic Four” (Bộ tứ siêu đẳng) hay giới thể thao xứ sương mù mệnh danh bốn ông kễnh bóng đá là “Big Four”.

Thêm chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên bởi biết đâu thời thế tạo anh hùng, sẽ có người tạo nên “Big Five”, “Big Six”,...

Nhiều ý kiến cho rằng lãnh đạo trước hết cần có đức, tiếp đó mới là tài.

Có đức thì không dễ bị phạm sai lầm về tham nhũng, về cách hành xử với cộng đồng, càng không dễ bị những viên đạn bọc đường xuyên qua tim, có đức thì dễ được thường dân mến mộ.

Thế liệu đức rất cao mà tài chỉ phèng phèng thì có giúp cho dân cho nước?

Đấy là chưa kể đến loại “đức rởm” như hai ông cựu Bộ trưởng “bộ 4T”, lúc nào cũng dạy người ta - nhất là cánh viết lách phải “thế lọ, thế chai” - nhưng đùng một cái rủ nhau “xộ khám” vì nhận hối lộ.

(Ảnh minh họa trên Baophapluat.vn)

(Ảnh minh họa trên Baophapluat.vn)

Người ở ngôi cao, đức cao thật sự thì “lợi nhuận” thu được trước hết nghiêng về phía cá nhân bởi tiếng thơm lưu danh muôn thủa, còn về phía cộng đồng thì phải kiểm chứng mới có thể kết luận.

Ngược lại đức cao đến mấy mà tài lùn thì thiệt hại lại rơi về phía cộng đồng tức là dân chúng.

Sở dĩ không nói thiệt hại cho ngân sách nhà nước bởi ngân sách chính là thuế mà tất cả dân chúng - từ người buôn thúng bán mẹt đến doanh nhân nghìn tỷ - phải đóng góp.

Có một ông Bộ trưởng từ lúc nhậm chức đến giờ, không biết có phải bị oan không mà tên ông không ít lần xuất hiện trong các bài báo kèm theo những liệt kê không mấy “dui dẻ”.

Gần nhất khi nói về thu phí không dừng các dự án BOT giao thông trước Quốc hội, ông và đồng sự phụ trách dự án đã kiểm điểm và xin “tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm”.

Báo điện tử Baochinhphu.vn từng tường thuật lời ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cuối năm 2019 như sau:

“Trong hơn 2 năm vừa qua, mặc dù cá nhân tôi nỗ lực làm “đầu tàu” thế nhưng mới chỉ ở mức hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, còn rất nhiều việc tôi phải làm và muốn làm trong năm 2020”. [1]

Nếu đã “hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao” thì vì sao chỉ mấy tháng sau lại phải kiểm điểm và “tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm”?

Chẳng nhẽ ông Bộ trưởng “quên” lời mình đã nói?

Chẳng lẽ có gì đó “rất dài và rất xa” giữa lời nói và việc làm sau hơn hai năm ông Nguyễn Văn Thể nhận chức Bộ trưởng?

Ngày 17/07/2019, phát biểu bế mạc kỳ họp Quốc hội thứ 35, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảnh báo: “Sợi dây dài nhất là sợi dây kinh nghiệm, rút hoài không hết. Ai cũng rút, năm nào cũng rút, kỳ họp nào cũng rút kinh nghiệm nhưng mà vẫn còn”. [2]

Phát biểu của bà Ngân liệu có vận đúng vào ông Bộ trưởng Giao thông, rằng ông ấy “năm nào cũng rút, kỳ họp nào cũng rút kinh nghiệm”?

Bảo có thì chưa chắc đúng vì kinh nghiệm “viết lách” dạy cho một điều là chưa đủ dẫn chứng thì đừng có kết luận, bảo không thì có thể sai vì gần một năm sau khi Chủ tịch Quốc hội cảnh bảo mà Bộ trưởng vẫn xin “rút kinh nghiệm” thì còn gì để nói.

Đấy là chưa kể tất cả các hình thức kỷ luật trong điều lệ Đảng, trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa thấy có quy định hình thức “nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm”.

Vả lại liên quan đến BOT giao thông đâu chỉ có chuyện thu phí không dừng bị chậm tiến độ so với quy định của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Gần đây xuất hiện câu chuyện Bộ Giao thông Vận tải đề xuất “Nhà nước trưng mua lại toàn bộ dự án (BOT thất thu - NV).

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cân đối kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025” khiến ối người phải giật mình. [3]

Kinh doanh thì lời ăn, lỗ chịu, hà cớ gì lại lấy thuế dân đóng góp để giải cứu BOT?

Trong khi Bộ trưởng kiểm điểm trước Quốc hội vì chậm tiến độ thu phí không dừng các dự án BOT giao thông đường bộ thì đối tác của Bộ Giao thông Vận tải tại công trình đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông lại đang đòi Việt Nam trả tiếp 50 triệu USD dù công trình được liệt vào hàng “tai tiếng nhất Việt Nam” đã giải ngân hơn 14,7 nghìn tỷ đồng trên tổng số hơn 15 nghìn tỷ đồng, tức là tới 81,9% tổng kinh phí. [4]

Trong bài “Nhận vơ … hữu nghị” đăng trên Giaoduc.net.vn, có độc giả bình luận: “Đường sắt Cát Linh - Hà Đông nó không là biểu tượng cho thứ tình nào cả. Nó chỉ tượng trưng cho cái khôn của người và cái dại của ta.

Cần phải công nhận một thứ sự thật dù có cay đắng hay đau lòng để rồi có thể lớn lên thành người và đối diện với họ, không thì mãi mãi không ngẩng đầu lên”.

Nói “cái dại của ta” là nói chung chung, thực ra thì phải nói là “cái dại” của chủ đầu tư, tức là Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam bởi nhiều kết luận của Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan khác đã chỉ rõ những yếu kém của chủ đầu tư cả về kỹ thuật lẫn pháp luật.

Một tuyến đường sắt đô thị chỉ dài hơn 13 km nhưng sau 13 năm kể từ khi chính thức ký hiệp định khung đầu tư xây dựng (ngày 30/05/2008), Bộ trưởng Thể “Không thể hứa thời gian vận hành đường sắt Cát Linh-Hà Đông” với Quốc hội, cũng tức là với cử tri Hà Nội nói riêng và cử tri cả nước nói chung. [5]

Xem ra, không chỉ ông Bộ trưởng Giao thông “quên” lời cảnh báo của Chủ tịch Quốc hội về “sợi dây kinh nghiệm” mà ông cũng không dám hứa gì với cử tri cả nước về công trình đường sắt đô thị thủ đô, một công trình góp phần làm nên “tên tuổi” của ngành Giao thông Vận tải thời kỳ đổi mới!

Thế cử tri có thể làm gì với người vừa dễ “quên” vừa “không thể hứa”?

Tham dự hội nghị với 8 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sau khi nghe các ý kiến, đóng góp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định hai nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế là “Giao thông, giao thông và giao thông. Đất đai, đất đai và đất đai”.

Những người hoạch định chính sách, các nhà đầu tư nước ngoài đều thống nhất nhận định, rằng để phát triển kinh tế, nếu không tính đến yếu tố con người thì “giao thông chiếm vị trí hàng đầu”.

Vậy tình hình ngành Giao thông Vận tải nước nhà hiện tại là thế nào?

Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách dự án kiểm điểm tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm.

30 cá nhân thuộc các cơ quan đơn vị có liên quan có bản kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm tiến độ.

Trong đó có 9 cá nhân nhận hình thức rút kinh nghiệm. 6 cá nhân thuộc 4 đơn vị liên quan trực tiếp tới việc triển khai thực hiện dự án nhận hình thức phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm. [6]

Xin rút kinh nghiệm nghĩa là mong được tiếp tục đảm nhận vị trí hiện thời, nếu phải thôi việc thì việc gì phải “rút kinh nghiệm”.

Với đội ngũ lãnh đạo tại cơ quan bộ và các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải như hiện nay, liệu có cần bổ sung thêm câu nói của Thủ tướng mệnh đề sau: “Bộ trưởng, Bộ trưởng và Bộ trưởng”?

Hay là mượn lời Thủ tướng nói cho tổng quát, “Người tài, người tài và người tài. Giao thông, giao thông và giao thông. Đất đai, đất đai và đất đai”.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Bo-truong-GTVT-Con-nhieu-viec-phai-lam-va-muon-lam-trong-nam-2020/385781.vgp

[2] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chu-tich-quoc-hoi-soi-day-kinh-nghiem-rut-hoai-khong-het-1441486.tpo

[3] https://anninhthudo.vn/oto-xe-may/bo-giao-thong-kien-nghi-cho-tang-phi-hoac-them-tien-ho-tro-du-an-bot-thua-lo/853788.antd

[4] https://haiquanonline.com.vn/duong-sat-cat-linh-ha-dong-trung-quoc-doi-them-tien-mit-mo-ngay-tau-chay-127608.html

[5] http://hoinhabaovietnam.vn/Khong-hua-thoi-gian-van-hanh-duong-sat-Cat-Linh-Ha-Dong_n64195.html

[6] https://phapluat.tuoitrethudo.com.vn/sau-nghiem-khac-phe-binh-rut-kinh-nghiem-cua-bo-truong-giao-thong-van-tai-cac-du-an-co-dam-bao-tien-do-47283.html

Xuân Dương