Chuyện cái khẩu trang thời đại dịch Covid-19 rải trên mặt báo nhiều như lá sấu tháng tư trên vỉa hè Hà Nội.
Câu chuyện sau đây không biết nghe xong người nghe có còn nước mắt để cười (chứ không phải để khóc).
Ngày 07/02/2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau yêu cầu ông Nguyễn Văn Thanh, giáo viên môn Tiếng Anh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huân (xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi) “Nghiêm túc rút kinh nghiệm vì bán khẩu trang y tế cho học sinh không đúng giá”. [1]
Thông tin được Vov.vn - báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam tường thuật như sau:
“Theo báo cáo của Trường trung học cơ sở Nguyễn Huân, khi đưa con đi học ở thành phố Cà Mau về, thầy Thanh đã ghé dọc đường mua 2 hộp khẩu trang y tế, với giá 130.000đ/hộp (50 cái).
Sau đó, ông Thanh đem về bán cho học sinh với giá 3.000đ/cái, có lần con gái ông bán giá 4.000đ/cái là do “không có tiền thối lại”. [1]
Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, có nơi bán khẩu trang với giá gấp 10 lần như Công ty trách nhiệm hữu hạn Vũ Duyên, huyện Kim Sơn - Ninh Bình. [2]
Báo điện tử Nhandan.com.vn ngày 06/02/2020 viết: “Giá khẩu trang y tế từ 2 đến 4 lớp tăng từ 50 nghìn đồng/hộp lên 250 nghìn đồng/hộp, có nhà thuốc còn bán 600 nghìn đồng/hộp”. [3]
Như vậy tại thời điểm cuối tháng 1 đầu tháng 02/2020, việc thày giáo Nguyễn Văn Thanh mua hộp khẩu trang với giá 130 nghìn đồng/hộp là mức giá phải chăng, không quá cao so với thông tin báo Nhân Dân điện tử đăng tải.
Thông tin điều tra mà báo chí có được cho biết: “Tới thời điểm bị "kiểm điểm", ông Thanh đã bán được 20 cái khẩu trang, thu về tiền lãi gần… 10.000 đồng”. [4]
Văn bản của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đầm Dơi báo cáo về vụ việc. (Ảnh: baoanhdatmui.vn) |
Những người làm công ăn lương đều biết giá tiền một ổ bánh mì kẹp một quả trứng công nghiệp rán với chút rau thơm có giá là 10.000 đồng.
Không biết hành động nhạy bén, kịp thời, kiên quyết yêu cầu đương sự “Nghiêm túc rút kinh nghiệm” vì đã bán 20 cái khẩu trang thu lãi gần 10 nghìn đồng có nên được ghi vào bảng thành tích cuối năm của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đầm Dơi và tỉnh Cà Mau?
Có điều nếu ông Thanh không ăn lãi, chỉ mua hộ người có nhu cầu thì mỗi chiếc khẩu trang sẽ có giá 2.600 đồng.
Giả sử ông Thanh bán đúng giá mua và người mua khẩu trang đưa 3.000 đồng thì ông Thanh phải trả lại 400 đồng. Vậy ông Thanh tìm đâu ra những đồng tiền mệnh giá 200 đồng hoặc 100 đồng để trả lại?
Đặt câu hỏi này vì báo Tuoitre.vn ngày 26/03/2019 viết: “Tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, đến chị hàng rong cũng... chê”. [5]
Ngược lại người mua muốn trả đúng giá 2.600 đồng liệu có tìm được đồng tiền mệnh giá 100 đồng hoặc 200 đồng cho đủ số lẻ 600 đồng?
Giáo viên vi phạm thì xử lý tức thì, lãnh đạo vi phạm thì sao? |
Một thực tế người viết thường xuyên chứng kiến là tiền mệnh giá 500 đồng đa phần chỉ được sử dụng bỏ vào hòm công đức tại các di tích văn hóa tâm linh, mang ra chợ mua hàng thường bị tiểu thương từ chối với lý do khó tiêu.
Vậy lý do không có tiền “thối lại” (ngoài Bắc nói là “trả lại”) có nên xem là chính đáng và có nên kiên quyết cho rằng ông Thanh đầu cơ trục lợi để thực hiện kỷ luật?
Có mấy điều nên bàn:
Thứ nhất, nhà giáo cần thận trọng trong mọi hành vi ứng xử, đặc biệt là tại cơ sở giáo dục mình công tác.
Một chút lợi ích vật chất có thể bị đánh đổi bằng uy tín, danh dự cá nhân và không thể nói không ảnh hưởng đến bạn bè, đồng nghiệp.
Thứ hai, có vẻ như Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đầm Dơi bị động trước phản ánh của một số cha mẹ học sinh nên phải ban hành kỷ luật ông Thanh để dẹp im dư luận?
Người viết không cho rằng việc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đầm Dơi yêu cầu ông Thanh “Nghiêm túc rút kinh nghiệm” là sai nhưng cũng không thấy việc làm này là cần thiết. Nên chăng giao việc này cho Ban Giám hiệu nhà trường nhắc nhở?
Thứ ba, theo lý giải của ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau: “Sở dĩ có chuyện nhà trường mời thầy Thanh làm việc là vì có đơn tố cáo của phụ huynh là thầy Thanh bán khẩu trang giá cao. Nhiệm vụ của lãnh đạo nhà trường phải làm điều đó, theo quy trình xử lý đơn tố cáo". [6]
Nghe nói ông Luân đã khẳng định không có chuyện kỷ luật thày giáo bán 20 chiếc khẩu trang, quả thật là tin vui nên bà con có cười ra nước mắt thì cứ tùy tiện.
Một vụ việc không quá nghiêm trọng nhưng cả Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phải vào cuộc liệu có cho thấy bộ máy giáo dục tỉnh Cà Mau đang vận hành rất năng động đặc biệt là chuyện liên quan đến khẩu trang thời dịch?
Vậy có nên “Khen thưởng sâu sắc” lãnh đạo giáo dục huyện Đầm Dơi?
Liệu chuyện 4 lãnh đạo chủ chốt của Đồng Nai nhiệm kỳ 2015 - 2020 bị Trung ương kỷ luật do sai phạm trong công tác (hai Phó bí thư Tỉnh ủy, một Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; một Giám đốc Sở Công an) có khiến cho những người còn lại như “Chim sợ cành cong”, phải gồng mình để chứng tỏ cơ quan rất chi là nghiêm túc?
Nhân chuyện ông giáo làng bán 20 cái khẩu trang bị yêu cầu “Nghiêm túc rút kinh nghiệm”, chợt nhớ đến một “đại dịch” khác từng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập (liên quan đến vụ việc đền bù tại dự án Hồ Tả Trạch): “Sợi dây kinh nghiệm rút mãi không hết”.
Kỷ luật cán bộ, đảng viên Hà Giang có con được nâng điểm đừng nhẹ hều như thế |
Rất nhiều vụ việc liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức mắc sai phạm có hình thức xử lý kỷ luật là “Kiểm điểm sâu sắc”; “Nghiêm túc rút kinh nghiệm”; “Rút kinh nghiệm sâu sắc”;…
Bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, vợ ông cựu bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh phải “Kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm” sau vụ việc con gái hai người này được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Thành Rum trong vòng hai tuần trước khi về hưu đã thực hiện “chuyến tàu vét” với việc ký hơn 20 quyết định bổ nhiệm cán bộ.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kỷ luật ông Rum với hình thức “Phê bình rút kinh nghiệm”!
Liên quan đến vụ việc Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “cấp phép” cho toàn dân hát Quốc ca, Bộ này đã chỉ đạo “Cục Nghệ thuật biểu diễn nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm tập thể và các cá nhân liên quan”.
Sẽ không quá khi nói rằng nạn dịch “rút kinh nghiệm” đã tồn tại trong các cơ quan công quyền Việt Nam rất nhiều năm nhưng chưa có cơ quan nào nghĩ đến chuyện tìm thuốc đặc trị kể cả cơ quan ban hành luật là Quốc hội!
Theo Luật số 52/2019/QH14 “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12 thì:
Cán bộ vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Cách chức; d) Bãi nhiệm (Điều 78).
Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Hạ bậc lương; d) Giáng chức; đ) Cách chức; e) Buộc thôi việc (Điều 79).
Về phía Đảng, các hình thức kỷ luật đảng viên bao gồm: “Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức, Khai trừ”.
Xin không nêu tiếp hình thức xử lý kỷ luật đối với viên chức.
Có thể thấy các hình thức kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức: “Kiểm điểm sâu sắc”; “Nghiêm túc rút kinh nghiệm”; “Rút kinh nghiệm sâu sắc” là một nét đặc sắc trong hệ thống chính trị của Việt Nam nhưng lại không thuộc hệ thống pháp luật và đa số người dân đều biết.
Kiểu sản phẩm tự chế này nói là lách luật hay nhờn luật đều không chính xác mà phải nói là vi phạm pháp luật, vậy cơ chế nào khiến nó vẫn tồn tại?
Dù rất muốn nêu câu hỏi này với một cơ quan cụ thể nhưng rốt cục người viết cũng chẳng biết nên gửi tới đâu, hay là hỏi lãnh đạo ngành giáo dục Cà Mau?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vov.vn/tin-24h/kiem-diem-thay-giao-tieng-anh-ban-khau-trang-cho-hoc-sinh-gia-cao-1015863.vov
[2] https://tvphapluat.vn/video/ban-gia-khau-trang-dat-gap-10-lan-cong-ty-duoc-pham-vu-duyen-bi-xu-phat-15-trieu-30674/
[3] https://www.nhandan.com.vn/bandoc/item/43160502-ngan-chan-tinh-trang-buon-lau-tu-y-tang-gia-trang-thiet-bi-y-te.html
[4] https://tuoitre.vn/thay-giao-ban-khau-trang-3-000-dong-co-can-ca-lanh-dao-tinh-vao-cuoc-20200302110918897.htm
[5] https://tuoitre.vn/tien-menh-gia-200-dong-500-dong-den-chi-hang-rong-cung-che-20190326082709341.htm
[6] https://tuoitre.vn/thay-giao-ban-khau-trang-3-000-dong-co-can-ca-lanh-dao-tinh-vao-cuoc-20200302110918897.htm