Nhận vơ… hữu nghị!

26/09/2019 06:00
Xuân Dương
(GDVN) -Một công trình, được xem là “biểu tượng của tình hữu nghị” giữa hai quốc gia, hai dân tộc khi và chỉ khi nó gây được thiện cảm với người dân nơi đặt công trình.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được nghiên cứu tiền khả thi từ giai đoạn 2002-2003, đến ngày 30/05/2008 chính thức ký hiệp định khung đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc.

Ràng buộc của phía cho vay (Trung Quốc) là hợp đồng phải theo hình thức EPC và nhà thầu phải là doanh nghiệp Trung Quốc.

Hợp đồng tổng thầu EPC (Engineering Procurement and Construction), là hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình, là một loại hợp đồng xây dựng mà nhà thầu thực hiện toàn bộ công việc từ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình và chạy thử trước khi bàn giao cho chủ đầu tư.

Hình thức này giúp chủ đầu tư nhẹ gánh nếu nhà thầu là đơn vị có uy tín và kinh nghiệm, ngược lại nếu nhà thầu làm ăn kiểu chụp giật và chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm giám sát (hoặc có sự bắt tay ngầm) thì sự cố là điều khó tránh.

Câu chuyện đội vốn, chậm tiến độ, kỹ thuật lạc hậu,… trong dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được phản ánh qua quá nhiều văn bản và bài báo nên không cần nói gì thêm.  

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Laodong.vn)
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Laodong.vn)

Báo An ninh Thủ đô ngày 13/05/2018 đăng ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông như sau:

“Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là biểu tượng mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Khó khăn nhất của dự án trong giai đoạn vừa qua là nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD đã được hai nước giải ngân, vì vậy không thể để các khó khăn, vướng mắc khác làm cản trở tiến độ dự án”. [1]

Có vài suy nghĩ nho nhỏ về phát biểu của Bộ trưởng Thể.

Thứ nhất, “biểu tượng mối quan hệ hữu nghị” giữa hai đối tác hoặc quốc gia phải là cách suy nghĩ đồng điệu của cả hai phía, nếu chỉ ông Thể cho là “hữu nghị” còn đối tác không nghĩ như vậy thì phải chăng Bộ trưởng Thể nói nhầm hay đang … nhận vơ?

Muốn biết ông Thể có “nhận vơ” hay không thì phải xem phía đối tác Trung Quốc có nghĩ như ông Thể hay không, họ có thật sự mong muốn 13,5 km đường sắt này trở thành “biểu tượng hữu nghị” hay chỉ là một vụ làm ăn mà họ tìm mọi cách hưởng lợi? 

“Cài cắm chính sách và câu chữ” để bẫy ai?
“Cài cắm chính sách và câu chữ” để bẫy ai?

Nhiều người đồng ý rằng: Một công trình, được xem là “biểu tượng của tình hữu nghị” giữa hai quốc gia, hai dân tộc khi và chỉ khi nó gây được thiện cảm với người dân nơi đặt công trình. 

Sự thiện cảm ấy chỉ có thể tạo dựng bởi vẻ đẹp kiến trúc của công trình, sự an toàn trong kết cấu, tính hiệu quả trong sử dụng, sự tiết kiệm trong xây dựng,…

Cố biến công trình thành “biểu tượng mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc” trong khi cả xã hội lắc đầu ngao ngán, ông Thể có lẽ chưa lường trước sự phản tác dụng trong phát biểu của mình.

Rồi đây, người Hà Nội, người Việt Nam mỗi khi nhìn con đường sắt trên cao này sẽ nhớ đến cái gì?

Hãy cùng tìm hiểu bức tranh toàn cảnh của một dự án mang tầm “biểu tượng mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc” theo lời người đứng đầu ngành Giao thông Việt Nam là như thế nào?

Trước hết là đánh giá của phía Việt Nam qua kết luận của Kiểm toán Nhà nước:

“Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông phải chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc là 13.751 tỷ đồng, chiếm 77% tổng mức đầu tư; Tư vấn giám sát do bên tài trợ vốn chỉ định mà phía Việt Nam không thể thay thế;…”. [2]

Đánh giá của giới chuyên môn và truyền thông trong và ngoài nước thì “phong phú” hơn nhiều so với Kiểm toán Nhà nước:

“Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm do Tổng thầu Trung Quốc không làm theo chỉ đạo”. [3]

“Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, vay vốn Trung Quốc, bị nhiều phụ thuộc”. [4]

“Tổng thầu EPC (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) - chưa bao giờ thi công đường sắt”. [5]

Theo tính toán, suất đầu tư cho một km đường sắt đô thị Việt Nam vào khoảng 100 triệu USD trong khi tại Thượng Hải - Trung Quốc, giá một km đường tàu điện ngầm (chạy ngầm 100%) dành cho vận tải lớn chỉ là 91 triệu USD. [6]

Thay vì đường sắt trên cao gây tiếng ồn dọc toàn tuyến, thay vì “đường cong mềm mại” rất khó chấp nhận, thay vì phải dành một diện tích đất khá lớn cho công trình, làm đường tàu điện ngầm rẻ hơn, ưu việt hơn tại sao lại không làm?  

Vậy là cả dư luận trong nước lẫn quốc tế đều coi quyết định thực hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một sai lầm về chủ trương đầu tư, là thất bại trong đàm phán hợp đồng thương mại với đối tác Trung Quốc. 

Có thể thấy phía đối tác Trung Quốc chỉ xem đây là một thượng vụ làm ăn, bỏ tiền cho Việt Nam vay, họ yêu cầu phải để doanh nghiệp của họ thực hiện trọn gói toàn bộ dự án dù đơn vị thi công phía Trung Quốc không có kinh nghiệm làm đường sắt trên cao, thậm chí cả tư vấn giám sát cũng là của Trung Quốc.

Khi người Trung Quốc vừa đá bóng vừa thổi còi thì Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam chỉ còn vai trò là “quan sát viên danh dự”! 

Phương pháp “Mông nẩy” trong chăn nuôi … dự án
Phương pháp “Mông nẩy” trong chăn nuôi … dự án

Và người dân, những khán giả bất đắc dĩ đã phải bỏ rất nhiều tiền mua vé nhưng chưa biết đến bao giờ sẽ được thưởng thức thứ mà mình đã bỏ tiền mua.

Một khi phía đối tác không xem hợp đồng này là một biểu hiện của “tình hữu nghị” thì sự “nhận vơ” của ông Bộ trưởng Giao thông là khỏi phải bàn luận.

Được biết gần đây Bộ Giao thông Vận tải đã thuê tư vấn độc lập của Pháp để tiến hành đánh giá an toàn từ khâu thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị và vận hành toàn bộ hệ thống. 

Thế tư vấn giám sát Trung Quốc làm những công việc gì trong hợp đồng tổng thầu EPC mà Việt Nam lại phải mất thêm tiền cho hoạt động này?

Suy nghĩ thứ hai về phát biểu của Bộ trưởng Thể “Không thể để các khó khăn, vướng mắc khác làm cản trở tiến độ dự án” liệu có phải là cư dân Hà Nội, các cơ quan chức năng nên bỏ qua các “vướng mắc khác” để đứa con yêu quý của ngành giao thông sau hơn chục năm bú mớm có thể bắt đầu tập bò?

Theo thiết kế cứ 2 phút có một đoàn tàu chạy, và đây là đường ray với bánh tàu bằng thép, không khác mấy so với các đoàn tàu hỏa thông trường, vậy người dân thủ đô sống trong các nhà cao tầng mà đường ray chạy ngang cửa sổ có nên “bỏ qua vướng mắc”, tự gia cố nhà cửa để khỏi giật mình thức giấc trong đêm?

Còn những người khắt khe về thẩm mĩ cũng nên bỏ qua sự cong mềm mại của tuyến đường, chấp nhận đoàn tàu màu xanh lét ì ầm diễu hành với tốc độ 35km/giờ (nếu nó được phép chạy)?

Suy nghĩ thứ ba liên quan đến phát biểu của Bộ trưởng Thể là không biết còn bao nhiêu người cùng quan điểm, rằng các dự án liên quan đến đối tác Trung Quốc đều là “biểu tượng mối quan hệ hữu nghị” giữa hai bên?

Về điều này, chỉ cần tìm hiểu các dự án của Bộ Công thương chắc chắn sẽ có câu trả lời, xin điểm một số bài báo:

Báo Tienphong.vn trong bài “Hợp đồng EPC từ Trung Quốc: Hàng loạt bất ổn làm méo mó dự án” có đoạn:

“Trung Quốc cho Việt Nam vay vốn lãi suất 3%/năm và cho Thái Lan vay với lãi suất 2,5%. Dù lãi suất thấp, Thái Lan vẫn kiên quyết lắc đầu.

Trung Quốc có chiến lược đặc thù, tận dụng kiểu làm việc của một số đối tác Việt Nam là “thích đi đêm”; “đặt cược trước được bao nhiêu phần trăm của hợp đồng” nên đa số dự án Trung Quốc thắng thầu”. [7]

“Tranh chấp với đối tác Trung Quốc, 4 dự án nghìn tỷ thua lỗ phải nhờ Trọng tài quốc tế” là bài viết trên Tạp chí điện tử Diễn Đàn Đầu Tư thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài. [8]

Bài báo cho hay trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ đã có tới 8 dự án, doanh nghiệp có vướng mắc, tranh chấp hợp đồng EPC (với đối tác Trung Quốc – NV) tức là cùng loại với hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Ý kiến trên Tienphong.vn: “Kiểu làm việc của một số đối tác Việt Nam là “thích đi đêm”; đặt cược trước được bao nhiêu phần trăm của hợp đồng” liệu có loại trừ dự án Cát Linh – Hà Đông? 

Nếu không thì ngoài Kiểm toán Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra trung ương, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ,… có nên vào cuộc, tìm xem ai phải chịu trách nhiệm?

Trên mạng xã hội đang có một số ý kiến lo ngại về an toàn của cả tuyến đường và trang thiết bị kèm theo, thậm chí có ý kiến bi quan, rằng nên bỏ tuyến đường sắt này và giữ lại một vài đoạn như là kỷ niệm buồn về một thời “hữu nghị”.

Cách nghĩ như thế có thể là hơi quá song người viết xin đưa ra một gợi ý, để tránh tiếng ồn cho cư dân các nhà cao tầng ven tuyến, để dự phòng chất lượng thiết bị và toa tàu không đảm bảo (nếu tư vấn Pháp kết luận như vậy), nên bóc toàn bộ đường sắt và biến tuyến đường này thành “đường bộ trên cao”, có thể là tuyến dành riêng cho xe bus nội đô.  

Điều quan trọng là khi toàn thế giới chao đảo vì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thì Việt Nam có nên chấm dứt ngay “Tư duy hữu nghị” trong đàm phán các hợp đồng kinh tế, thương mại với bất kỳ đối tác nào chứ không chỉ Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://anninhthudo.vn/oto-xe-may/bo-truong-bo-giao-thong-duong-sat-cat-linhha-dong-co-on-nhung-khong-lon-nhu-duong-sat-quoc-gia/767553.antd

[2] http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2019-07-06/du-an-duong-sat-cat-linh-ha-dong-thiet-ke-tung-phan-co-nguy-co-rui-ro-chat-luong-73604.aspx

[3] http://vneconomy.vn/duong-sat-cat-linh-ha-dong-cham-do-tong-thau-trung-quoc-khong-lam-theo-chi-dao-2019081211365997.htm

[4] https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/duong-sat-cat-linh-ha-dong-vay-von-trung-quoc-bi-nhieu-phu-thuoc-570052.html

[5] https://vn.sputniknews.com/vietnam/201908267962808-hua-va-that-hua-bo-gtvt-bat-luc-voi-nha-thau-trung-quoc-du-an-cat-linh-ha-dong/

[6] https://vnexpress.net/kinh-doanh/mot-km-duong-sat-do-thi-co-gia-hon-100-trieu-usd-3111487.html

[7] https://www.tienphong.vn/kinh-te/hop-dong-epc-tu-trung-quoc-hang-loat-bat-on-lam-meo-mo-du-an-1446767.tpo

[8]https://bizlive.vn/doanh-nghiep/truoc-khi-dhg-xin-noi-room-taisho-pharmaceutical-da-gom-them-650-nghin-co-phieu-3453699.html

Xuân Dương